Nhật Bản bước vào chu kì sửa đổi chương trình GD

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Nhật Bản muốn nhấn mạnh hơn tới kĩ năng đàm thoại tiếng Anh với hy vọng đào tạo ra những người có thể giao tiếp hiệu quả hơn bằng ngôn ngữ này - theo dự thảo đề cương hướng dẫn chương trình GD sửa đổi. 

Nhật Bản bước vào chu kì sửa đổi chương trình GD

Đây là một trong những đề xuất sửa đổi trong chương trình giáo dục cho phù hợp với những diễn biến xã hội…

Dạy tiếng Anh hướng tới ứng dụng

Theo dự thảo, do một Ủy ban chuyên trách Bộ Giáo dục thực hiện, thì việc dạy tiếng Anh sẽ được đẩy sớm lên, bắt đầu từ lớp 3 tiểu học, thay vì lớp 5 như hiện tại.

Dự thảo nhìn nhận thực tế là những tiết học tiếng Anh truyền thống đang quá nhấn mạnh tới ngữ pháp và từ vựng; dự thảo chỉ rõ cần dạy cho học sinh đủ các kĩ năng Anh ngữ - nghe, đọc, viết và nói, gồm cả đàm thoại và thuyết trình - một cách cân bằng giữa các kĩ năng.

Để đạt mục tiêu này, hướng dẫn chương trình sẽ đặt ra các “mốc” mục tiêu cho mỗi kĩ năng từ tiểu học, THCS đến THPT - phù hợp với Khung giảng dạy ngoại ngữ chung của châu Âu (CEFR). Dựa vào mục tiêu mà hướng dẫn lập ra, các trường sẽ xây dựng “mốc” mục tiêu chi tiết cho học sinh.

Dự thảo cũng gợi ý học sinh lớp 5 và lớp 6 nên học Anh ngữ như môn học chính, bổ sung vào chương trình chuyên về đọc và viết như hiện tại các phần nghe và nói - với mục tiêu giúp trẻ trở nên yêu thích tiếng Anh hơn.

Dự thảo yêu cầu những thay đổi đối với học sinh tiểu học không đơn giản là tăng nội dung kiến thức đang dạy ở THCS - mà là phát triển toàn diện các kĩ năng Anh ngữ.

Tuy nhiên, một giáo viên tiểu học tại quận Shizuoka đặt câu hỏi: “Thực tế bao nhiêu giáo viên có thể dạy Anh ngữ toàn diện các kĩ năng, gồm cả ngữ pháp và phát âm?”.

Bộ Giáo dục cho biết sẽ mở các khoá bồi dưỡng kĩ năng Anh ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện tại, tuy nhiên giáo viên vẫn băn khoăn liệu giải pháp này có hiệu quả không khi mà hướng dẫn chương trình được đưa vào thực hiện.

Nhiều sửa đổi khác

Bên cạnh đổi mới cách thức giảng dạy Anh ngữ, Ủy ban chuyên trách cũng đề xuất những điểm mới khác cho hệ thống giáo dục.

Một trong những đề xuất là xây dựng một môn học mới có tên “Công chúng” ở cấp THPT, trong đó đề cập tới các chủ đề như tham gia chính trị và những vấn đề lao động. Môn học này sẽ trang bị kiến thức cần thiết cho giới trẻ khi mà tuổi bầu cử mới đây được hạ từ 20 xuống 18.

Một môn học bắt buộc mới trong trường THPT, Lịch sử Chung, sẽ tập trung vào lịch sử Nhật Bản đương đại và thế giới.

Dựa vào sự tiến bộ của công nghệ thông tin, Ủy ban cũng đề xuất đưa môn lập trình chương trình từ tiểu học đến THPT. Học sinh trường tiểu học sẽ học tư duy logic liên quan đến lập trình, trong khi học sinh THCS và THPT sẽ học công nghệ lập trình.

Trong các trường tiểu học, “học tích cực” - một phương pháp giáo dục trong đó học sinh giữ vai trò chủ động trong giờ học, sẽ được áp dụng ở tất cả các môn học.

Hướng dẫn chương trình mới dự kiến được thực hiện với các trường tiểu học từ năm 2020, trường THCS vào năm 2021 và trường THPT vào năm 2022 hoặc sau đó.

Ủy ban cũng có kế hoạch kết thúc thảo luận vào cuối tháng 8 và trình hướng dẫn đề xuất lên chính phủ cuối năm nay.

Hướng dẫn chương trình trường học tại Nhật Bản được xem xét sửa đổi theo chu kì 10 năm/ lần để phù hợp với những thay đổi xã hội. Hướng dẫn chương trình lần này được sửa đổi theo hướng đảo ngược chính sách giáo dục “thư giãn” của chính phủ - chính sách bị chỉ trích là làm suy giảm kĩ năng học tập của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.