Nhập viện vì nghiện game

GD&TĐ - Nghiện game hiện nay gần như đã thành 'dịch' đối với thế hệ trẻ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 21 tuổi để điều trị chứng rối loạn hành vi, có biểu hiện hay cáu gắt, thường phản ứng mạnh, thậm chí gây sự và đánh người thân nếu bị cấm đoán một việc gì đó làm ảnh hưởng đến sở thích của mình. Cụ thể ở đây là lời khuyên nên hạn chế chơi game của người mẹ đối với thanh niên này.

Theo phản ảnh của người nhà, chàng trai này nghiện game rất nặng, mỗi ngày anh ta dành 12 tiếng để “vui buồn” với thế giới ảo. Có những hôm, anh ta chỉ ăn mì tôm qua bữa, thậm chí nhịn đói vì không có thời gian để ăn, nghỉ ngơi. Nhiều đêm mất ngủ hoặc ngủ quá ít dẫn đến sụt cân, tâm thần bất ổn, sống khép kín, suốt ngày cáu bẩn... Từng là sinh viên của một trường đại học nhưng cậu ta đã bỏ học vì chơi game không còn thời gian và chẳng thiết tha gì chuyện học.

Chuyện thanh thiếu niên nghiện game, suốt ngày sống với thế giới ảo đã xuất hiện khá lâu, nhất là khi “nhà nhà mua máy điện thoại thông minh” và mạng Internet phổ biến khắp nơi. Nhiều em đang học rất giỏi nhưng rồi lực học càng sa sút, không giao tiếp với ai, hay đóng kín cửa phòng riêng và “đánh vật” với các trò chơi trong máy tính.

Các quán game ngày càng thu hẹp, thậm chí tự dẹp bỏ nên rất hiếm khi thanh thiếu niên vào quán Net để chơi game mà mỗi em đều “trang bị” smartphone. Bệnh nghiện game, theo đó càng nặng thêm.

Tại các điểm du lịch trong các dịp lễ hay những ngày nghỉ cuối tuần, hình ảnh thường thấy là người bố đưa cả nhà đi nghỉ dưỡng nhưng ngay sau khi nhận phòng là mỗi người ôm một máy điện thoại. Người lớn thì lướt Facebook, Zalo, trẻ con thì chơi game.

Có những gia đình, bọn trẻ hoàn toàn không biết gì đến địa danh mà chúng vừa được bố mẹ đưa đi nghỉ dưỡng vì hầu như không có thời gian để “vui chơi ngoài trời”, chúng chỉ tập trung vào “vui chơi trong máy điện thoại”.

Nhiều đứa trẻ mới 3 - 4 tuổi cũng sở hữu một máy điện thoại thông minh. Ban đầu, bố mẹ đưa máy điện thoại cho con chơi các game trong máy cốt chỉ để chúng không quấy phá, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt chung.

Sự “mua chuộc” này dần dà thành một thói quen cho đứa trẻ. Chúng chỉ chịu ăn khi được xem hoạt hình trên máy. Chúng chỉ “trật tự” khi được chơi trò chơi điện tử. Nếu không đưa máy điện thoại cho chúng chơi thì đừng hòng cha mẹ yên thân với chúng!

Nhiều em học sinh từng đoạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, thậm chí quốc tế, nói rằng, em cũng chơi game chứ không chỉ biết cắm đầu vào sách vở.

Nhưng chơi game đối với các em là để giải tỏa bớt căng thẳng sau những giờ tự học chứ không phải để thỏa mãn thú vui trong các trò chơi. Điều đó có nghĩa, chơi game không phải là xấu, có điều mỗi em tự kiểm soát chính mình một cách tự giác.

Chuyện này hơi khó nhưng nếu phụ huynh quan tâm và có một phương pháp dạy con khoa học thì chúng ta có thể kiểm soát được câu chuyện nghiện game của con cái ngay từ nhỏ.

Nghiện game hiện nay gần như đã thành “dịch” đối với thế hệ trẻ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành mà còn ảnh hưởng đến thể chất của các em nữa. Vì vậy các bậc cha mẹ với những cách dạy con nghiêm khắc và khoa học vẫn là chỗ dựa để cho con cái không sa vào game rồi dẫn đến những hệ lụy khó lường như trường hợp của chàng thanh niên ở đầu bài viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ