Nhanh và hiệu quả hơn

GD&TĐ - Theo đánh giá, những năm trước đây, các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều vấn đề về giải ngân vốn...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nước ta đang triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá, những năm trước đây, các chương trình còn gặp nhiều vấn đề về giải ngân vốn. Đến năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực do hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện đã cơ bản được ban hành đầy đủ.

Việc lập kế hoạch, phân bổ vốn cơ bản thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, năm nay, tổng kế hoạch vốn cho 3 chương trình là hơn 72 nghìn tỷ đồng, gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, trong đó có 25 nghìn tỷ đồng vốn của các năm trước chuyển sang, chiếm tỷ lệ 34,7%.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách Nhà nước trong năm 2023 gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 đạt khoảng 61,5%. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương ước đạt 15%.

Có thể thấy, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời là điểm sáng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua thì việc xây dựng nông thôn mới dù đã đi vào chiều sâu, hiệu quả nhưng chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững.

Chương trình giảm nghèo bền vững đã bám sát mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm nhưng còn tình trạng chạy theo thành tích. Nhiều chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt và vượt nhưng một số chỉ tiêu chưa thực chất.

Nguyên nhân được cho là do lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung của các chương trình và thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội là thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phân cấp cho địa phương và nhiều yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Nguyên nhân nữa là do năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách còn hạn chế. Công tác phối hợp của một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.

Chưa có cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện vì cả ba chương trình đều gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, cách tiếp cận xây dựng các chương trình chưa thực sự phù hợp như có nhiều chính sách, dự án, tiểu dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực cùng chủ trì thực hiện.

Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình này có giao Chính phủ xây dựng chính sách, cơ chế quản lý đặc thù nhưng lại yêu cầu thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác dẫn đến khó thể chế hóa, quản lý thực hiện theo cơ chế đặc thù…

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 trong đó quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là tiền đề quan trọng, tạo dựng hành lang pháp lý chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay - ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Vấn đề còn lại là các địa phương vừa phải chú ý đến tốc độ và chất lượng. Vừa phải quyết liệt hơn, nhanh hơn; vừa phải đúng hơn, hiệu quả hơn trong tổ chức thực hiện, tránh thất thoát lãng phí. Phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao việc giao việc cho cá nhân phụ trách - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ