Nơi nước lũ đi qua…
Phong Nha (Quảng Bình) cái tên quen thuộc của người dân cả nước bởi ở đó có địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, nhưng nơi đây là vùng thường xuyên bị lũ lụt tàn phá nặng nề.
Cô Trần Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Sơn Trạch tâm sự: Trường đóng tại địa bàn thường xuyên bị ngập lụt và cũng đã chủ động trong công tác phòng chống lụt bão hàng năm nhưng cơn lũ này đi qua quá nhanh dẫn đến các thầy cô giáo viên trở tay không kịp.
Chỉ hơn hai tiếng đồng hồ mà nước lũ đã dâng cao khoảng gần hai mét, mọi thứ đồ đạc tại các phòng không kịp di chuyển nên ướt hết, đặc biệt là khu nội trú của giáo viên chìm ngập trong nước.
Đến thời điểm này, Hương Khê (Hà Tĩnh) có khoảng 3.000 học sinh tại 25/49 trường thuộc các xã Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy…; huyện Đức Thọ có khoảng 12.000 học sinh ở 47 trường vùng trong và ngoài đê; Vũ Quang có khoảng 3.750 học sinh ở 18 trường ở vùng trũng Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Ân Phú…; huyện Hương Sơn có khoảng 4.500 học sinh tại 20 trường thuộc các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Tiến, Sơn Phúc, Sơn Thịnh, Sơn An, Sơn Hoà… chưa thể đến trường do trường học còn ngập sâu trong lũ.
Là vùng bị ảnh hưởng nhiều do mưa lớn, tại huyện Hương Khê, nhờ thời tiết 2 ngày nay nắng ráo nên nước rút nhanh hơn nhưng một số xã như Phương Điền, Hà Linh, Phương Mỹ, Hương Thủy nước vẫn đang ngập sâu nên khoảng 3.000 học sinh tại 11 trường học nơi đây vẫn chưa thể đến trường.
Thầy Nguyễn Hữu Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) - cho biết: Đến trưa 17/10 mực nước ngập trong phòng học là 1m, còn mực nước ngập tại sân trường là 1,5m. Mức nước rút rất chậm nên khả năng ngập úng kéo dài. Chắc khoảng đến tuần nước mới rút hết thì trường mới hoạt động trở lại được.
Trưởng Phòng GD&ĐT Hương Khê cũng cho biết: Sau mưa lụt, nước lũ rút rất chậm khiến các trường học tại các xã vùng rốn lũ Phương Điền, Lộc Yên, Hương Thủy… vẫn ngập sâu trong nước từ 4 - 6m. Những nơi này chắc chắn phải 1 tuần nước mới rút. Nhưng năm nay, Thủy điện và Hồ đập xả lũ thì sợ nước sẽ rút chậm hơn. Những trường ngập lũ ít thì đã được dọn dẹp ổn định lại việc học. Hiện tại chưa thống kê được thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trong ngày 17/10, thực hiện việc xả tràn nước tại hồ Kẻ Gỗ nên huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh phải cho khoảng 4.500 học sinh tại 15 trường thuộc các xã vùng gần hồ Kẻ Gỗ phải nghỉ học. 21.000 học sinh tại 45/45 trường từ bậc mầm non đến THCS ở TP Hà Tĩnh và 24.000 học sinh tại 77/77 trường thuộc huyện Thạch Hà cũng đã được lãnh đạo huyện, phòng quyết định cho nghỉ học.
Cũng trong sáng 17/10, tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) dù không bị ảnh hưởng nhiều từ việc xả nước hồ Kẻ Gỗ, nhưng do nước trên thượng nguồn đổ về nhiều lại rút chậm nên việc ngập cục bộ tại nhiều xã nên từ ngày 16/10 lãnh đạo huyện và Phòng GD&ĐT đã thông báo cho phép 62/62 trường với 27.000 học sinh được nghỉ học để đảm bảo tính mạng cho học sinh.
Thầy Võ Đức Đại – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Can Lộc - cho biết: Huyện thuộc vùng hạ du nên sau mưa lớn thì lượng nước đầu nguồn bắt đầu đổ về. Đến trưa 17/10, mực nước ngập úng mới chỉ rút được khoảng 40 - 50 cm nên nhiều trường học chưa thể hoạt động được. Hiện còn 6 xã vùng dưới ngập úng sâu.
Ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã dứt mưa, các trường trên địa bàn miền núi phải nghỉ học do mưa lũ như Anh Sơn, Con Cuông… đã trở lại hoạt động dạy – học bình thường. Ông Phan Anh Tài (Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, Nghệ An) - cho biết: Mưa lớn khiến nước dâng lên chảy xiết ở các khe, suối, cầu tràn, chia cắt nhiều bản làng ở các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Thạch Ngàn. Vì vậy ngày 15/10, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường thuộc 3 xã trên cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, ngày 17/10 trời hết mưa, nước đã rút nên các em đã đi học trở lại. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn huyện không có thiệt hại gì lớn.
Nước rút đến đâu dọn sạch đến đó
Ba ngày không ngưng tay, các giáo viên của các trường vùng lũ đang nỗ lực hết sức để tập trung vệ sinh trường lớp cho học sinh sớm trở lại trường.
Thầy Trần Đình Hùng – Trưởng Phòng GD&ĐT (huyện Hương Khê) - chia sẻ: Sau khi nước rút, một số trường học xã như Hương Đô, Phúc Trạch, Gia Phố… đã tranh thủ dọn vệ sinh, lau chùi bàn ghế. Cũng nhờ có sự giúp sức của lực lượng thanh niên, công an, bộ đội nên việc dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ được tiến hành nhanh chóng nên sáng 17/10, các trường này có thể dạy và học ngay.
Thầy Hoàng Văn Báu – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - cũng cho biết: “Sáng 17/10 mực nước ngập úng đã rút, hồ Kẻ Gỗ xả tràn rất ít nên nước không còn dâng cao. Giáo viên và học sinh của trường đã tiến hành lau rửa phòng học, bàn ghế. Nhờ công tác phòng chống bão lụt chu đáo nên trường không bị thiệt hại gì về tài sản. Ngày 17/10 đã ổn định trường lớp để dạy học”.
Trong những ngày qua, cán bộ, lãnh đạo, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Quảng Bình cùng Phòng GD&ĐT các huyện đã thường xuyên bám sát địa bàn, chỉ đạo các trường nắm bắt tình hình thực tế chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho các em. Các trường học phải nhanh chóng chủ động thời gian dạy bù kịp thời cho học sinh khi nước rút, đồng thời khẩn trương tiến hành các phương án phòng chống cơn bão số 7 sắp diễn ra để hạn chế thiệt hại về người và tài sản tại các trường học.
Thầy giáo Võ Vĩnh Hào, Trưởng Phòng GD&ĐT Lệ Thủy (Quảng Bình) - cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện nước cơ bản đã rút, nhưng những trường ở các xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy vẫn còn ngập chìm trong nước. Phòng đã chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn nước rút đến đâu làm vệ sinh trường lớp đến đó để học sinh trở lại trường trong thời gian sớm nhất có thể.
Nỗi đau đọng lại
Đến thăm gia đình cháu Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường Mầm Non Sơn Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Nước lũ đang lên, cháu chỉ bước ra khỏi nhà chừng 10m thôi nhưng bị dòng lũ dữ nhấn chìm.
Không chỉ có những giọt nước mắt của gia đình Gia Bảo mà bà con lối xóm, các thầy cô giáo đều rơi nước mắt khi người nhà tìm được thi thể cháu. Chia sẻ với gia đình, các giáo viên mầm non đã thường xuyên túc trực bên gia đình cháu để động viên bố mẹ cháu Gia Bảo vượt qua nỗi đau này.
Không chỉ cháu Gia Bảo mà tại Trường THCS Sơn Trạch, em Hồ Thị Long 14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Sơn Trạch, con dân tộc Bru Vân Kiều đã bị nước lũ cuốn trôi cho đến bây giờ chưa thể tìm thấy được thi thể. Người thân của em đã cạn nước mắt, lực lượng chức năng đang ngày đêm tìm kiếm mong rằng thi thể của em sớm trở về với gia đình…
Cơn lũ đi qua, nước mắt hòa quyện nước lũ nhưng chắc chắn rằng các thầy cô giáo cùng phụ huynh học sinh sẽ tiếp tục đứng lên để xây dựng lại những gì đổ vỡ mà nước lũ đã tàn phá đi.