Nhân tố nào quyết định “học thật, thi thật, có nhân tài thật”?

GD&TĐ- Từ những ngày đầu trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành quan tâm lớn cho giáo dục. Thông điệp “học thật, thi thật, có nhân tài thật” của ông đã tác động lớn tới suy nghĩ, hành động của các nhà giáo.

Thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)
Thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)

Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, với các vị trí từ giáo viên đến quản lý, Thầy Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn – Hải Phòng chia sẻ: Với cương vị nhà quản lý giáo dục, tôi rất tâm đắc với 3 từ chìa khóa trong thông điệp của Thủ tướng và cũng kỳ vọng những điều này sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện còn khi những chìa khóa ấy trao tay các thầy cô thì không hề đơn giản.

“Theo tôi, muốn “tam thật” thành hiện thực thì phải có sự “đồng lòng, đồng sức, đồng lực” của cả xã hội. Trước hết phải dũng cảm nhìn thẳng vào những tồn tại yếu kém của cả ngành, phải cắt bỏ khối U ác tính "thành tích" đã tồn tại quá lâu trong cả xã hội”, thầy Quý nói.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.

Xác định, để giáo dục chuyển mình và phát triển bền vững, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bởi vậy, thầy Quý trăn trở trước câu hỏi: Ai sẽ tiên phong làm điều này, trong 4 thành tố quan trọng tham gia vào quá trình giáo dục học sinh?

Cha mẹ học sinh: Chắc chắn họ không thể tiên phong được, vì họ phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng con người của cả xã hội. Nếu có sự thay đổi thì họ sẽ thay đổi.

Học trò: Từ cấp học dưới, các trò cần được giáo dục để phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, kỹ năng, các em cần thấu hiểu - việc học là cho mình, học vì sự tiến bộ của bản thân các em chứ không phải học vì điểm, học vì sự ganh đua hay học để đối phó với các bài kiểm tra, học để thi vượt cấp...

Chúng ta cần một thế hệ học trò có động lực phấn đấu thực sự trong học tập để làm người. Thực tế lâu nay với dòng chảy êm đềm, miệt mài của dòng sông giáo dục, rất nhiều học trò của chúng ta đã trở thành những rô-bốt hiện đại, trở thành là những con số để báo cáo thành tích, do đó theo tôi, là sản phẩm của quá trình giáo dục nên không thể trông chờ các em thay đổi tiên phong được.

Thầy cô: Xét đơn thuần, thầy cô là người truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò, là những viên chức trong ngành giáo dục, thầy cô cũng phải mưu sinh để sống chứ không thể trông cậy vào đồng lương ít ỏi. Bản thân thầy cô cũng chịu áp lực thành tích bởi các bậc CMHS, bởi nhà trường và cả xã hội. Họ sẵn sàng thay đổi, nhưng họ chờ đợi sự thay đổi từ cấp trên, từ sự thay đổi của xã hội.

Các nhà cán bộ quản lý giáo dục: Là những người trước tiên nhìn thấy những hạn chế, tồn tại của công việc đang làm, nhưng họ không dám thay đổi vì họ sợ: Sợ thất bại, sợ mất chức, sợ cô độc, sợ sự dè bỉu... Họ chờ đợi sự thay đổi lớn, tổng thể để chuyển mình. Cán bộ quản lý (CBQL) cấp dưới nhìn CBQL cấp trên, CBQL cấp Trường nhìn cấp Phòng, cấp Phòng nhìn cấp Sở, cấp Sở nhìn cấp Bộ, cấp Bộ nhìn như thế nào: nhìn lên cấp cao hơn để chờ đợi một cơ chế, để giáo dục là quốc sách thực sự? Nhìn sang bên các bộ ngành, các UBND tỉnh, thành phố chờ đồng hành? Nhìn xuống dưới chờ đợi những chuyển động...?

Học trò, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo là những nhân tố quan trọng nằm trong guồng máy của giáo dục, nhưng họ không thể quyết định để guồng máy ấy chạy như thế nào cho đúng hướng.

“Người đứng đầu Chính phủ đã khơi nguồn cho 3 chìa khóa, nhưng:

 Ai là người dũng cảm thay đổi những trì trệ, yếu kém?

Ai là người đứng ra bảo vệ những người dám thay đổi đó? 

Ai là người tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho sự thay đổi sâu rộng trong các nhà trường, trong ngành GD, trong cả xã hội để “học thật, thi thật và có nhân tài thật”?

Để guồng máy ấy chạy đúng hướng, thiết nghĩ, những nhà quản lý giáo dục từ các nhà trường, cao hơn nữa là cấp Phòng, cấp Sở, cấp Bộ cần dũng cảm thay đổi, với sự tin tưởng, ủng hộ, trao quyền của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và chính quyền các cấp. Khi đã rõ định hướng và tiên phong đổi mới theo mục tiêu, chắc chắn CBQL giáo dục sẽ không đơn độc. Và dù làm được một điều, hay hai điều từ tâm huyết và sự đồng lòng thì giáo dục sẽ thay đổi tích cực và mang lại những hi vọng mới về một Việt Nam sẽ hùng cường, phát triển” – Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.