Tự chủ góp phần phát triển GD&ĐT vùng ĐBSCL

GD&TĐ - Trường ĐH Cần Thơ đang đề xuất cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt là xây dựng trường theo mô hình đa ngành đa lĩnh vực, với cơ chế như Đại học Quốc gia… GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết như trên để nhà trường phát triển trong tương lai.

GS.TS Hà Thanh Toàn
GS.TS Hà Thanh Toàn

Phát huy vai trò trường ĐH trọng điểm

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Trường ĐH Cần Thơ hiện nay là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực; trường trọng điểm của Nhà nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trường hiện có 1.884 công chức, viên chức (trong đó có 11 giáo sư, 133 phó giáo sư, 326 tiến sĩ); có 1.051/1.105 giảng viên có trình độ sau đại học (tỷ lệ 95,11%). Hiện trường có 98 chuyên ngành đào tạo đại học với 44.071 sinh viên (trong đó có 29.380 sinh viên chính quy). Trường có 45 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với 2.558 học viên.

Về công tác đảm bảo chất lượng, hiện tại trường đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT; có 5 chương trình đạt chuẩn chất lượng AUN-QA; hầu hết các chương trình tự đánh giá đạt chuẩn AUN-QA. Trường là thành viên chính thức của AUN, cùng với 2 Đại học Quốc gia, thuộc Top 301 - 350 châu Á theo đánh giá của QS, thứ 3 Việt Nam theo Webometrics; Có 6 chương trình chất lượng cao, 2 chương trình tiên tiến.

Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là thế mạnh của trường với 250 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Số lượng bài báo khoa học năm 2017 là 1.279 bài (trong đó 319 quốc tế, 101 thuộc danh mục ISI). Trường có quan hệ, hợp tác với trên 130 viện, trường, tổ chức quốc tế. Hàng năm trường đón trên 350 đoàn với trên 2.180 lượt khách quốc tế đến làm việc và thực hiện khoảng 16 dự án hợp tác quốc tế, tổng kinh phí trên 27 tỷ đồng.

Trường ĐH Cần Thơ đã đào tạo trên 160.000 kỹ sư/cử nhân, 9000 thạc sĩ và 100 tiến sĩ. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường đạt 90,2 %. Hàng năm trường tiếp nhận khoảng 300 sinh viên quốc tế đến học Chương trình Học phần Nhiệt đới; Hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao qua chương trình Mêkông 1000 (đã đào tạo gần 600 thạc sĩ và tiến sĩ tại các nước tiên tiến).

Nói về phương hướng phát triển của nhà trường, GS.TS Hà Thanh Toàn, cho biết: Với vị thế và tầm nhìn trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trường trọng điểm của Nhà nước ở khu vực ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ xác định phương hướng đến năm 2030 hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt trình độ chung trong khu vực Đông Nam Á và đạt trình độ thế giới đối với một số ngành mũi nhọn.

Đặc biệt Trường triển khai thành công Dự án “Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ trở thành Trường Đại học xuất sắc” từ nguồn vốn ODA Nhật Bản trị giá 105 triệu USD; Mở rộng qui mô, ngành nghề đào tạo, nhất là sau đại học; Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời kỳ hội nhập; Đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu khoa học có tính liên ngành nhằm phát huy thế mạnh của trường đa ngành.

Trường tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các viện, trường, tổ chức… trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực; tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ; sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đời sống của cán bộ, sinh viên.

 

Xây dựng trường với cơ chế như ĐHQG

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn: Trường ĐH Cần Thơ xác định một số khó khăn khi bước vào giai đoạn tự chủ. Trong đó, với vai trò là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trường trọng điểm của Nhà nước ở khu vực ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ xác định một số khó khăn như: Vùng ĐBSCL đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thu nhập bình quân đầu người chưa cao là một khó khăn cho các trường trong vùng bước vào giai đoạn tự chủ.

Trường tuy có mở rộng quy mô, ngành nghề và hình thức đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của vùng ĐBSCL. Những nhóm ngành đào tạo đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng không thu hút người học như nông-lâm-ngư, môi trường, do thiếu chính sách khuyến khích người học.

Trường có quy mô của một “đại học vùng”, nhưng tổ chức bộ máy và quản trị trường theo cơ chế của một trường đại học trực thuộc như hiện nay không phát huy tính tự chủ, sáng tạo cho các Khoa/Viện. Mức học phí quy định chung cho các trường ĐH công lập hiện nay còn nặng về tính chất cào bằng, chưa gắn với chất lượng đào tạo, do vậy chưa tạo ra động lực để các trường đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Các khoản chi lương, phụ cấp, chi thường xuyên khác và các chính sách của Chính phủ ban hành đều phải chi từ nguồn thu học phí nên nguồn thu của trường không bù đắp đủ chi phí hoạt động. Các khoản thu từ học phí và lệ phí đều được xem là ngân sách nhà nước và chuyển vào Kho bạc quản lý, dẫn đến sự thiếu chủ động, khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài chính.

Việc phân cấp quản lý đầu tư, quản lý tài sản còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất và sử dụng hiệu quả tài sản của trường. Việc quyết toán công trình xây dựng thường chậm, kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng và tính hao mòn tài sản theo quy định. Các văn bản hướng dẫn sử dụng các nguồn lực tài chính để đầu tư, góp vốn, liên doanh liên kết, khai thác sử dụng cơ sở vật chất nhàn rỗi… còn thiếu.

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, GS.TS Hà Thanh Toàn có những đề xuất, kiến nghị với Trung ương: Đề xuất cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo hướng xây dựng trường theo mô hình đa ngành đa lĩnh vực, với cơ chế như Đại học Quốc gia. Trong đó, xin Thủ tướng cho phép trường được quyền quyết định trong đầu tư xây dựng cơ bản các Dự án đến 10 hoặc 20 tỷ đồng theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Chính phủ cho phép trường là thành viên chính thức trong mạng lưới đào tạo sư phạm quốc gia và là 1 trong 10 trường đào tạo sư phạm của cả nước. Vì ngành sư phạm vùng ĐBSCL phát triển chậm, cần phải có một đơn vị đủ mạnh, xứng tầm làm đầu tàu. Trường ĐH Cần Thơ có kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục, có nguồn lực tốt, đã đào tạo giáo viên Trung học phổ thông cho vùng ĐBSCL hơn 50 năm qua.

Trường ĐH Cần Thơ cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên và cán bộ trong thời kỳ công nghiệp 4.0; Cho phép trường xây dựng Đề án và vốn đầu tư “Công trình Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” cho học sinh, sinh viên của trường và của TP Cần Thơ, phục vụ phát triển khởi nghiệp vùng ĐBSCL; xây dựng Trung tâm sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp vùng ĐBSCL;

Đề xuất phát triển khoa học công nghệ cao trong giai đoạn công nghiệp 4.0 để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Giao cho trường xây dựng và chủ trì các chương trình khoa học công nghệ vùng ĐBSCL để giải quyết các vấn đề của ĐBSCL như: nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên đất nước và bảo vệ môi trường...

Trường cũng mong muốn Chính phủ cho phép thành lập và hỗ trợ xây dựng Viện Nghiên cứu Đồng bằng để đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và quản lý về tài nguyên đất và nước, môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cũng như là đầu mối trong hợp tác quốc tế về phát triển ĐBSCL.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.