Nhận thức đã thông, người dân đồng lòng hỗ trợ giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Cùng với việc kêu gọi xã hội hóa nguồn lực để kiên cố hóa trường lớp ở những điểm trường lẻ, thầy, cô giáo vùng núi cao đã thầm lặng làm công việc đòi hỏi nhiều sự kiên trì: Xã hội hóa nhận thức cho chính phụ huynh. Xin tiền xây trường đã khó, nhưng khó hơn cả là có được sự đồng tâm, đồng lòng của bà con trong quá trình xây trường.

Khánh thành và bàn giao công trình cải tạo trường học tại Trà Vinh.
Khánh thành và bàn giao công trình cải tạo trường học tại Trà Vinh.

Nghĩ chuyện dài lâu

Ở địa bàn vùng khó, việc xã hội hóa nhận thức thành công sẽ góp phần huy động các nguồn lực đóng góp. Xã hội hóa giáo dục ở đây, không phải là câu chuyện phụ huynh tham gia đóng góp ngày công, hay hiến đất để xây trường, mà là cách để họ quan tâm hơn đến việc học hành của con em. Một khi phụ huynh đồng lòng cùng giáo viên sẽ chăm lo nhắc nhở con chuyên cần trong học tập, chứ không khoán trắng cho nhà trường. - Thầy Nguyễn Trần Vỹ

Năm học 2022 – 2023, học sinh mầm non và tiểu học ở điểm trường Tắc Lẻ (xã Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam) không còn chịu cảnh nóng như sôi vào mùa hè hay những tiếng ồn nhức tai mỗi lần mưa giông ập xuống. Hai phòng học được xây dựng theo kiểu lắp ghép công nghệ Hàn Quốc đã thay thế cho phòng học lợp tôn vốn chật chội và đã xuống cấp trầm trọng. Phải lắp ghép vì điều kiện ở điểm trường không thể xây dựng được. Từ điểm tập kết, để vận chuyển vật liệu vào Tắc Lẻ, phải mất 4 chặng chuyển các loại xe, từ xe tải, xe máy và một chặng đường đi bộ qua các con suối rồi lối mòn với những dốc cao dựng đứng. Sau 40 ngày vừa vận chuyển vừa thi công, 2 phòng học mới khang trang, đúng quy chuẩn cùng với công trình phụ trợ gồm nhà vệ sinh, phòng ở của giáo viên, bồn chứa nước sạch… đã hoàn thành.

Ngoài điểm trường ở thôn Tắc Lẻ, Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My còn triển khai xây dựng thêm 3 điểm trường lẻ khác ở Trà Vinh, Trà Cang, Trà Vân trong mùa hè này. Kinh phí của mỗi điểm trường khoảng từ 500 – 600 triệu đồng.

Người dân tham gia vận chuyển vật liệu để xây dựng điểm trường Tắc Lẻ.

Người dân tham gia vận chuyển vật liệu để xây dựng điểm trường Tắc Lẻ.

Nhóm Nuôi em Quảng Nam - Đà Nẵng cũng phối hợp với CLB để cải tạo điểm trường mầm non - tiểu học ở Trà Vinh với kinh phí 125 triệu đồng. Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB - cho biết: Ngoài sơn sửa phòng học, điểm trường này được lát lại nền vốn đã bong tróc, lợp lại mái tôn để làm hiên chơi cho học sinh. Trước đây, do mái quá sát nên vào mùa hè, nắng rọi vào thẳng bàn học của học sinh. Giáo viên phải giăng bạt che để các em không phải ngồi học dưới nắng nóng. Che lại như thế thì đỡ nắng nóng nhưng phòng học lại thiếu ánh sáng. Mùa mưa thì dãy bàn sát tường đều bị tràn nước.

“Cách đây gần chục năm, chúng tôi chủ yếu vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm, áo quần và tiền cho bà con. Nhưng rồi một năm sau, thậm chí là vài tháng sau quay lại vùng đất đó, cuộc sống của bà con vẫn cứ như vậy, không có cải thiện gì đáng kể. Nên chúng tôi nghĩ đến việc cùng với cải thiện sinh kế phải tính đến xây trường ở các điểm trường lẻ, chưa có đường ô tô đi vào”, thầy Nguyễn Trần Vỹ chia sẻ.

Khi vận động các tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện cùng chung tay xây dựng trường học, thầy Vỹ “lý luận”: Mỗi điểm trường có ít nhất 10 năm sử dụng, 10 thế hệ học sinh sẽ được cải thiện điều kiện học hành, vui chơi như bao bạn đồng trang lứa ở hàng vạn ngôi trường miền xuôi khác. Giáo dục là con đường bền vững nhất để thay đổi cách sống, nếp nghĩ của đồng bào rồi mới tính đến xóa nghèo.

Với cách thuyết phục ấy, CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My đã kiên cố hóa khoảng gần 120 phòng học, đa số đều ở các điểm trường lẻ xa xôi, cách trở đường đi và chủ yếu là phải dùng sức người để cõng vật liệu xây dựng.

Điểm trường Tắc Lẻ được xây dựng mới từ nguồn xã hội hóa.

Điểm trường Tắc Lẻ được xây dựng mới từ nguồn xã hội hóa.

Khơi thông nhận thức

Cùng với vận động kinh phí để kiên cố hóa trường lớp ở các điểm trường lẻ vùng khó, CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My luôn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm đồ chơi ngoài trời, đồ dùng trong lớp học, bàn ghế. Mỗi dịp khánh thành bàn giao điểm trường, bà con trong vùng đều được tặng nhu yếu phẩm, đôi khi còn được hỗ trợ thêm tiền mặt.

Để huy động vài trăm người dân, từ học sinh đến thanh niên, phụ nữ… tham gia, thầy Vỹ cho biết, công tác dân vận rất quan trọng khi bắt đầu kêu gọi kinh phí tài trợ xây dựng trường.

“Thường thì việc xây dựng trường chủ yếu thực hiện vào mùa hè. Nhưng đây lại là thời điểm giáp hạt của đồng bào, lại vào vụ trỉa lúa rồi làm cỏ. Bà con đi làm nương thường phải 3 – 4 nhà đổi công cho nhau. Vì vậy, vận động bà con tham gia vận chuyển vật liệu cũng phải tính đến điều này” – thầy Vỹ kể và tâm sự: Một vài người thì dễ đồng lòng nhưng vài trăm người cùng tham gia vận chuyển, mang vác vật liệu, rồi làm trong thời gian dài, ít nhất là một tháng thì không tránh khỏi có vài thành viên nản lòng hoặc bàn ra. Những điều đấy, thầy Vỹ và các thành viên trong CLB đều phải tính đến khi thuyết phục bà con tham gia đóng góp ngày công xây trường.

Có ý kiến thắc mắc sao khi xin kinh phí xây dựng trường, không xin nhiều thêm để tính cả tiền nhân công vận chuyển. Thế nhưng, quan điểm của CLB Kết nối yêu thương lại khác. “Khi cùng đóng góp công sức, người dân sẽ thấy quý, thấy mình có một phần trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc công trình lớp học. Từ đó, họ sẽ góp phần bảo vệ, gìn giữ để công trình được bền đẹp, sạch sẽ. Giáo viên về nghỉ Tết, nghỉ hè cũng không phải bận tâm chuyện bảo vệ trường lớp vì đã có phụ huynh để mắt đến”, thầy Vỹ nhấn mạnh.

Trong chi phí xây dựng trường, vì vậy sẽ phải tính đến cả khoản cơm nước trong những ngày bà con tham gia góp công. Rồi quà tặng cho bà con khi khánh thành trường mới. “Những khoản này, CLB có thể vận động từ các nguồn khác hoặc có thể do chính các nhà tài trợ xây dựng trường bao thầu luôn. Nhưng ý nghĩa xã hội hóa giáo dục sẽ khác đi nhiều”, thầy Nguyễn Trần Vỹ khẳng định.

Điểm trường Tắc Lẻ (Trà Leng) được lắp ghép từ tôn đã xuống cấp.

Điểm trường Tắc Lẻ (Trà Leng) được lắp ghép từ tôn đã xuống cấp.

Tiếp sức cho thầy trò vùng khó

Ông Nguyễn Văn Nhị - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My - chia sẻ: “Ngành GD-ĐT Nam Trà My nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các CLB đội nhóm thiện nguyện trong xây dựng trường lớp ở các điểm lẻ, nhất là những điểm trường chưa có đường lớn đi vào; cải thiện bữa ăn cho học sinh giúp nâng cao thể trạng, giúp đỡ sinh kế cho bà con. Những điều này tạo ra sự đồng lợi rất lớn với người dân. Bà con tin tưởng, phấn khởi khi cho con em đến trường, thầy, cô giáo vì vậy không phải mất quá nhiều công sức và thời gian để vận động học sinh ra lớp”.

Điểm trường thôn Tắc Lẻ được xem là nơi khó khăn nhất của xã Trà Leng. Điểm trường có 20 trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi và một cô giáo. “Năm nào phân công giáo viên đứng lớp ở điểm trường này, nhà trường cũng phải làm công tác tư tưởng, động viên các cô. Phòng học vừa chật chội, nóng nực vào mùa hè, lạnh thấu xương vào mùa đông. Chỗ ở của cô giáo cũng chỉ là căn phòng nhỏ được dựng tạm bằng tôn. Nhiều đội nhóm thiện nguyện đã khảo sát để hỗ trợ xóa phòng học tạm ở Tắc Lẻ nhưng không thể triển khai được do đường đi vào rất khó, chỉ có thể đi bộ”, cô Trần Thị Hoàng Oanh – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Leng kể.

Do vậy, khi biết thông tin các nhóm thiện nguyện chung tay xây dựng trường học, nhà trường, thầy cô và cả học trò đều vui, hồ hởi tham gia. Các cô giáo Trường Mẫu giáo Trà Leng cũng ở lại trường, cùng bà con Tắc Lẻ vận chuyển vật liệu. “Có những em mới 5 tuổi cũng đi bộ hàng tiếng đồng hồ ra điểm tập kết vật liệu để cùng tham gia với ông bà, bố mẹ. Nhìn em gùi 3 viên gạch, các cô không cầm được nước mắt. Sự đồng lòng, vượt khó của bà con dân bản đã góp phần giúp ngôi trường dần dần thành hình. Chúng tôi biết rằng, điểm trường Tắc Lẻ được dựng lên từ rất nhiều ân tình muôn nơi và công sức của bà con” – cô Oanh chia sẻ.

Ông Lê Văn Tám - già làng Tắc Lẻ - cho biết: “Nghe cán bộ nói sẽ xây dựng trường to đẹp, mát hơn, sạch sẽ hơn, tôi mừng lắm chứ. Thầy cô đã cất công xin tiền để xây trường cho con em mình học, vui chơi, bà con ở đây thông thuộc đường đi, tham gia đóng góp được gì thì cùng làm. Nhà nào cũng có người tham gia cõng vật liệu vì ai rồi cũng có con cháu đi học. Nhìn trường bây giờ rồi nhìn lại trường cũ, mừng lắm, vui lắm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.