Xã hội hóa giáo dục: Chung tay chăm lo cho trẻ

GD&TĐ - Huy động các nguồn lực trong xã hội để góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ là cách nhiều địa phương trên cả nước đẩy mạnh thực hiện thời gian qua.

Giờ lên lớp ở Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái (ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19). Ảnh: TG
Giờ lên lớp ở Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái (ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19). Ảnh: TG

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), các địa phương đã tăng cường thực hiện “chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non”, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các cơ sở giáo dục.  

Tăng cường nguồn lực

Bắc Ninh là một trong những địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục (XHH GD) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn. Bằng cách tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh..., doanh nghiệp và nhân dân trong việc ủng hộ kinh phí xây dựng và cải tạo phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ, sân chơi, mua sắm đồ dùng thiết bị và hỗ trợ nhiều ngày công lao động cho nhà trường.

Đặc biệt là việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc cho trẻ đến trường, tổ chức ăn bán trú cho trẻ cũng như các hoạt động giáo dục khác. Phong trào “Trồng một cây, nuôi một con” để quyên góp, ủng hộ bữa ăn cho các cháu được nhà trường phối hợp với Hội Phụ nữ phát động đã đem lại hiệu quả lớn.

Còn ở Đắk Lắk, từ năm 2011 đến nay đã phát triển thêm 35 trường mầm non tư thục, nâng tổng số trường ngoài công lập lên 74 trường với tổng kinh phí xây dựng lên đến 600 tỷ đồng. Trong đó, những trường quy mô nhỏ từ 5 - 10 lớp với kinh phí từ 5 - 10 tỷ đồng nhưng cũng có trường tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài các trường dân lập, tư thục, tỉnh Đắk Lắk hiện có 343 cơ sở mầm non độc lập tư thục hoạt động hiệu quả, với số lượng trẻ mỗi cơ sở dưới 70 trẻ.

Cô Phạm Hiền Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cho biết: Xã Nghĩa Trung đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân từng bước cải thiện nâng cao, tạo đà cho cấp học mầm non ngày một phát triển.

“Chúng tôi luôn xác định XHH GD ở trường mầm non là cần thiết. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, huy động sức dân để chăm nuôi trẻ tốt hơn là điều nên làm. Trường đã được thực hiện bằng nhiều cách, phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là hội phụ nữ xã. Huy động sự hỗ trợ từ phụ huynh để cải tạo hệ thống sân vườn trường, trồng bổ sung cây bóng mát và cây ăn quả, xây dựng thư viện xanh của bé, bổ sung bộ đồ chơi ngoài trời... đã tạo nên diện mạo mới cho trường”, cô Phạm Hiền Giang chia sẻ.

Tăng cường đồ dùng dạy học giúp trẻ ham thích khám phá trong giờ học. Ảnh chụp tại Trường MN Yên Ninh (Yên Bái) thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG
Tăng cường đồ dùng dạy học giúp trẻ ham thích khám phá trong giờ học. Ảnh chụp tại Trường MN Yên Ninh (Yên Bái) thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Đa dạng cách làm

Phường Yên Ninh nằm giữa trung tâm TP Yên Bái (Yên Bái), nơi đây có 11 dân tộc anh em chung sống. Kinh tế phát triển, giao thông thuận tiện là lợi thế để Trường Mầm non Yên Ninh thực hiện công tác XHH GD. Cô Nguyễn Thị Băng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay:

Hàng năm nhà trường tham mưu với lãnh đạo cấp trên và phụ huynh làm công tác XHH GD từ việc đóng góp hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất khuôn viên trường lớp và môi trường xung quanh đến mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động dạy và học. Không chỉ góp tiền và vật chất, phụ huynh còn tham gia bằng các ngày công lao động.

Đa dạng hóa cách làm là điều mà các cơ sở giáo dục ở tỉnh Nam Định đã và đang thực hiện có hiệu quả. Ông Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định thông tin: Tùy theo địa bàn dân cư, các trường đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như họp phụ huynh, viết bài trên loa truyền thanh, đăng tải hoạt động trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Đồng thời, kết hợp các ban ngành đoàn thể tuyên truyền tới bậc phụ huynh về nội dung chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo trong trường mầm non. Cách phòng chống các bệnh thường gặp và chống suy dinh dưỡng cho trẻ đồng thời tuyên truyền về văn bản của Nhà nước và của ngành đối với công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non tại trường.

Trường Mầm non Phú Lâm 3 (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) nhờ công tác XHH GD đã có nhiều đổi khác. Chỉ tay vào mái vòm trị giá 100 triệu đồng được xây từ nguồn lực XHH, cô Lương Thị Tuyết – Phó Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: Do được đầu tư về cơ sở vật chất nên chất lượng dạy học cũng nâng cao.

Trang thiết bị dạy học được đầu tư mua sắm từ nguồn lực xã hội đã thực sự tạo đổi thay trong từng giờ học. Trẻ được vui chơi với nhiều đồ dùng đồ chơi, điều kiện sinh hoạt và học tập cũng tốt hơn. Từ phong trào “Trồng một cây, nuôi một con”, đầu năm phụ huynh trực tiếp mang cây xanh đến ủng hộ nhà trường, các loại cây được lựa chọn phù hợp với cảnh quan giáo dục và xanh hóa nhà trường.

Ở xã Phú Lâm, XHH GD là sự vào cuộc của các cấp ngành và chung tay của cả cộng đồng. Chủ tịch xã Ngô Thị Hân là người đi đầu trong các công tác này với quan điểm tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được nuôi dạy an toàn và chất lượng. XHHGD ở Phú Lâm không chỉ là đóng góp nguồn lực mà còn là đồng hành cùng nhà trường.

Các cấp các ngành và phụ huynh học sinh luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong các hoạt động GD trẻ. Hàng năm vào ngày Tết trồng cây, đại diện cha mẹ phụ huynh, lãnh đạo xã và ban giám hiệu nhà trường phối kết hợp trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Đoàn thanh niên của nhà trường kết hợp chặt chẽ với Đoàn xã tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.

Nhờ công tác XHH GD phát triển, nhiều trường, nhóm, lớp tư thục ra đời. Qua đó cũng huy động được kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trang bị trong các trường công lập, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Ở nhiều địa phương, phụ huynh cũng đóng góp hàng nghìn ngày công để cải tạo môi trường, làm sân vườn trường.... tạo nên cảnh quan xanh, sạch đẹp, góp phần đưa các cơ sở GDMN vươn lên đạt chuẩn quốc gia. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ