Kiên cố hóa trường lớp
Trung tuần tháng 2, không khí Tết vẫn còn bảng lảng trên những bản làng vùng cao. Chúng tôi có dịp cùng Tỉnh đoàn Lai Châu, lãnh đạo huyện Nậm Nhùn và đoàn thiện nguyện dự lễ khởi công công trình “Trường đẹp cho em”. Công trình được xây dựng tại điểm trường Phiêng Lằn, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà.
Hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi trên xe với những khúc cua tay áo, ngoằn nghèo, chúng tôi được gần chục thầy cô và cả phụ huynh đón “tăng bo”. Phương tiện “tăng bo” là những con “ngựa chiến” (xe máy) để tiếp tục đi xuống điểm trường. Họ là những người trong “tổ lái” được “tuyển” kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn cho các thành viên đoàn. Con đường đất xuống bản dài hơn 1km mà phải mất hơn 20 phút vừa đi, vừa “ép số”, cả đoàn mới đến nơi.
Thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: “Chúng tôi có 574 học sinh, học tại 7 điểm trường. Điểm bản Phiêng Lằn là một trong những nơi khó khăn nhất. Điểm trường được xây dựng sẽ giúp giáo viên và học sinh có được môi trường giảng dạy, học tập tốt hơn. Học sinh sẽ được học tại điểm bản, không phải đi đường xa đến trường”.
Bà Vàng Thị Só, người dân bản Phiêng Lằn xúc động: “Chúng tôi vui lắm! Con cháu không phải vất vả đi học xa. Phụ huynh cũng không cần đưa đi, đón về. Rồi sẽ có đường mới mở vào tận bản, đi lại cũng thuận tiện hơn”.
Nậm Chà được nhắc đến như một vùng khó khăn nhất của Nậm Nhùn. Trường học ở Nậm Chà những năm trước thiếu thốn đủ bề. Song nhờ xã hội hóa, nhiều trường và điểm trường đã được xây dựng kiên cố.
Nói về công tác xã hội hóa giáo dục ở Nậm Nhùn không thể không nhắc đến Trường PTDTBT THCS Nậm Chà. Ngôi trường này được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ gần 58,5 tỷ đồng. Trường được bàn giao và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để tập thể cán bộ, giáo viên nơi đây càng thêm quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học.
“Được giảng dạy và học tập trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp với đầy đủ trang thiết bị, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi. Những học sinh ở xa được về ở bán trú tập trung, tạo điều kiện duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường” - thầy Bùi Văn Phi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Ngôi trường trong mây
Rời Nậm Chà, chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh, xã Nậm Manh. Tọa lạc ở cuối con đường lên trụ sở UBND xã, 2 mặt giáp núi cao quanh năm mây bao phủ. Vì thế, trường được nhiều người đến đây đặt cho tên gọi “Ngôi trường trong mây”.
Hình ảnh nổi bật nhất trong khuôn viên sân trường là hàng trăm chiếc lốp xe ô tô sơn đủ màu sắc, rất bắt mắt. Nó được chôn một phần vào đất, dựng thành những mô hình xe, chậu hoa, ghế ngồi và nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Bên cạnh đó là khu vực đặt cầu trượt bằng thép, xích đu, cầu bập bênh cùng nhiều bồn hoa đua nhau khoe sắc.
Tiếng nhạc du dương khiến chúng tôi chú ý đến ngôi nhà chòi được dựng lên nơi góc sân trường. Theo lời thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng nhà trường, nhà chòi được dựng lên là không gian để thầy cô và học sinh tập đàn, hát mỗi tối. Từ đó, nhà trường có điều kiện tìm hiểu, phát hiện và ươm mầm những tài năng nhí về lĩnh vực âm nhạc.
Thầy Bảo chia sẻ: “Để có được cơ sở vật chất như hôm nay, nhà trường nhiều năm liền nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn để thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ. Đó là nâng cao chất lượng giảng dạy và huy động nguồn lực xã hội hóa. Mục đích là bổ sung trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giảng dạy cũng như nuôi dưỡng học sinh bán trú”.
Trước những thách thức của một trường vùng khó, nhà trường luôn xác định: Ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục là điều kiện quan trọng để cải thiện môi trường học tập.
“Đầu năm học 2016 - 2017, giáo viên bắt đầu kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thông qua mối quan hệ cá nhân. Họ chia sẻ video, hình ảnh... về khó khăn của nhà trường. Đồng thời, kết nối với các câu lạc bộ thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Từ đó có nhiều hoạt động sẻ chia với vùng khó. Rất nhiều món quà như: Gạo, bút, áo, chăn ấm… được gửi tặng, hỗ trợ giúp nhà trường có diện mạo khang trang như hôm nay” – thầy Bảo kể.
Từ nguồn lực kêu gọi được, trường đã tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, cải thiện bữa ăn, sinh hoạt cho học sinh. Phụ huynh còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ nhà trường san mặt bằng, xây nhà vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh… Tất cả chỉ với mong muốn, để mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui.
Những bữa cơm có thịt
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt các xã vùng III, 183 học sinh ở các trường thuộc xã: Pú Đao, Lê Lợi, Mường Mô của huyện Nậm Nhùn không còn được hưởng chế độ cho học sinh bán trú. Điều đó, ảnh hưởng đến việc huy động học sinh ra lớp. Chủ trương đưa học sinh từ lớp 3 trở lên về trung tâm từ đó thêm khó.
Năm học này, Trường Tiểu học & THCS xã Pú Đao có 356 học sinh. Trong đó, có 34 học sinh thuộc bản Nậm Pì không còn được hưởng chế độ bán trú. Cô Đỗ Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Bản Nậm Pì cách trung tâm gần 20km, học sinh không thể đi lại trong ngày được. Cả bản có 28 hộ thì có đến 24 hộ nghèo. Không được hưởng các chế độ chính sách khiến các em gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt và học tập”.
Xuất phát từ đó, qua nhiều kênh liên lạc của nhà trường và cán bộ giáo viên, các em đã nhận được sự hỗ trợ của “Quỹ trò nghèo vùng cao” (tại Hà Nội) thông qua chương trình “Bữa cơm có thịt”. Mức hỗ trợ của chương trình này là 17.500 đồng/ngày/học sinh.
“Những “bữa ăn có thịt” đã giải quyết kịp thời khó khăn, giúp các em có thêm điều kiện trong sinh hoạt và học tập. Tỷ lệ huy động học sinh ở bản Nậm Pì đạt 100%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng huy động từ các nhà hảo tâm được gần 4 tấn gạo để nuôi các em” – cô Hồng nói.
Em Vừ Thị Phương - học sinh lớp 9, Trường Tiểu học, THCS xã Pú Đao chia sẻ: “Không được hỗ trợ như trước, em và các bạn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ có thầy cô kết nối các nhà hảo tâm tài trợ, giúp đỡ nên chúng em đã yên tâm đến trường học tập mà không phải lo lắng nữa”.