Nhân rộng mô hình hiệu quả lấy trẻ làm trung tâm trong bối cảnh mới

GD&TĐ - Hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng GD trẻ trong bối cảnh mới đòi hỏi nhà trường, GV thay đổi cách xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học. 

Nghe cô kể chuyện của trẻ 3 - 4 tuổi Trường Mầm non Tuổi Thơ. Ảnh: TG
Nghe cô kể chuyện của trẻ 3 - 4 tuổi Trường Mầm non Tuổi Thơ. Ảnh: TG

Lấy trẻ làm trung tâm đã thể hiện rõ trong thiết kế, xây dựng môi trường giáo dục, việc khai thác, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, các hoạt động giáo dục nhà trường.

Mô hình điểm

PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Đáp ứng yêu cầu mới trong triển khai hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trên cơ sở những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chuyên đề của giai đoạn 1, các địa phương tập trung triển khai sâu hơn một số nội dung Chuyên đề giai đoạn 2.

Trong đó, bảo đảm các điều kiện thực hiện; đẩy mạnh xây dựng, phát triển mô hình điểm theo hướng đa dạng, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, trường, lớp, nhu cầu của trẻ và năng lực giáo viên... Các cơ sở GDMN cần bám sát các tiêu chí “trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, vận dụng sâu trong thực hiện Chương trình GDMN nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tại Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), với 7 hoạt động giáo dục và 12 hoạt động tại phòng học, phòng chức năng, khu vực vui chơi ngoài trời theo hướng thực hành trải nghiệm/học thông qua chơi theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” được cô và trò thực hiện trước các đại biểu đến từ 32 tỉnh, thành phía Bắc.

Các bé lứa tuổi 24 - 36 tháng ngộ nghĩnh, đáng yêu khi tham gia các trò chơi nhận biết đồ dùng, đồ chơi gần gũi qua hoạt động “nhận biết màu vàng”. Những bé lứa tuổi 3 - 4 tuổi lại được hóa thân thành chú sâu xinh xắn thông qua câu chuyện “Chú sâu háu ăn”. Ở lớp học khác, trong hoạt động phát triển vận động Yoga kids, trẻ trở nên dẻo dai, linh hoạt qua động tác yoga đơn giản, phù hợp lứa tuổi.

Cô Hoàng Thị Hà – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện nội dung Chuyên đề, trẻ lớp mẫu giáo nhỡ 4 - 5 tuổi thể hiện các động tác vui tươi, nhí nhảnh qua bài hát “Dế mèn con”. Các bé cũng vui thích và hào hứng với bài hát “Gọi trâu” qua giọng ca mượt mà, êm ái của cô giáo.

Trẻ còn được vẽ khuôn mặt đáng yêu của các con vật vào các hộp bìa carton tái chế và tham gia trò chơi “cho con vật ăn” qua hoạt động tạo hình Làm đồ chơi cho con vật ăn và các hoạt động thí nghiệm giấy thấm nước; giao lưu trò chơi đua xe thăng bằng. Với mẫu giáo lớn 5 – 6 tuổi, trẻ được tham gia hoạt động khám phá “bột nặn”; bé làm nội trợ “Làm muối lạc” và các hoạt động sáng tạo Gigo, sơn ô tô tái chế.

“Lấy trẻ làm trung tâm đã thể hiện rõ trong thiết kế, xây dựng môi trường giáo dục; khai thác, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, các hoạt động giáo dục tại Trường Mầm non Tuổi Thơ”, cô Hà bộc bạch.

Thể dục đầu giờ của các bé ở Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: TG

Thể dục đầu giờ của các bé ở Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: TG

Yêu cầu mới

Theo Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Hoàng Thị Dinh, Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu với các địa phương những nhiệm vụ cụ thể và chi tiết trong việc triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đáp ứng yêu cầu mới.

Cụ thể: Xây dựng kế hoạch giai đoạn, đề xuất các nội dung hoạt động và nhiệm vụ giải pháp chi tiết theo từng năm học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT thực hiện các nội dung Chuyên đề; hướng dẫn cơ sở GDMN tự rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trên cơ sở đó xây dựng Chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán và hướng dẫn các phòng GD&ĐT tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong các cơ sở GDMN.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, ông Vũ Đức Thọ cho rằng: Để đánh giá chính xác hiệu quả của Chuyên đề, tạo sự lan tỏa tích cực, xây dựng mô hình điểm thực hiện Chuyên đề trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm rất ý nghĩa. Mỗi tỉnh chọn 2 - 3 cơ sở GDMN bảo đảm các điều kiện tổ chức thực hiện theo yêu cầu, đại diện cho vùng thuận lợi, khó khăn. Tổ chức hội thảo chia sẻ các giải pháp thực hiện Chuyên đề, cũng như tăng cường tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương được Bộ GD&ĐT chỉ đạo điểm. Trên có sở đó tổ chức đánh giá đánh giá và có giải pháp nhân rộng mô hình hay, tạo sức lan tỏa tốt.

TS Đặng Lộc Thọ, Ủy viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia GD và phát triển nguồn nhân lực nhìn nhận: Từ thực tế triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm cho thấy cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ trẻ trong việc phối hợp thực hiện các nội dung giáo dục, chế độ dinh dưỡng và biện pháp chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non khoa học, hợp lý…

Đẩy mạnh tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Chuyên đề tại các địa phương. Triển khai lựa chọn sản phẩm điển hình, sáng kiến, giải pháp sáng tạo về triển khai Chuyên đề của cơ sở GDMN để nhân rộng tại địa phương và gửi về Bộ GD&ĐT nhằm tôn vinh các tập thể và cá nhân điển hình.

Tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện, lành mạnh đối với trẻ em; kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện trẻ em trong các cơ sở GDMN. Nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em mầm non. Đồng thời huy động sự tham gia của gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất trong thực hiện xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là những nội dung cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.