Xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm ở địa bàn miền núi

GD&TĐ - Với tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, ngành giáo dục huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và đạt được những kết quả khả quan.

Trẻ mầm non của trường mẫu giáo Tuổi Hồng.
Trẻ mầm non của trường mẫu giáo Tuổi Hồng.

Vượt khó, làm những điều tốt nhất cho trẻ

Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) thuộc huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, với điều kiện đặc biệt khi đa số học sinh là đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống.

Ngôi trường vùng cao được tách từ Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, xã Trà Bui vào 30/8/2012 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2014 và được duy trì cho đến nay. Bằng sự nỗ lực vượt khó, giờ đây ngôi trường như một biểu tượng của sự vươn lên trong khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng cho hay, để nỗ lực nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, trong những năm qua và hiện tại, nhà trường luôn tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ 100%.

Theo cô Hường, Ban Giám hiệu và giáo viên của trường thường xuyên tuyên truyền và vận động cho phụ huynh biết được tầm quan trọng trong việc đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, nhằm đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình phổ cập giáo dục.  

Trong năm học 2021-2022, toàn trường có 244 trẻ, trong đó số lượng trẻ 5 tuổi là 70 em. Trong đó, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, các em được học tập tại 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Đến thời điểm này, trường đã đánh giá 100% trẻ 5 tuổi đủ điều kiện hoàn thành chương trình giáo dục mầm non năm học 2021-2022.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ cũng luôn được Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng, đặc biệt là giáo viên dạy lớp lớp 5 tuổi. Hiện nhà trường đang có 9 lớp, với 13 giáo viên. Năm học 2020-2021 và giáo viên dạy Giỏi cấp trường đạt 5/13 giáo viên tỉ lệ 38,5%.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của các em mầm non Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa của các em mầm non Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng.

Theo cô Hường, một trong những khó khăn trong thời gian qua của nhà trường đó là tình hình dịch bệnh Covid -19. Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán học sinh trở lại trường rất ít, việc vận động học sinh quay trở lại lớp gặp nhiều khó khăn. “Ngoài ra, do khu vực miền núi, việc đi lại của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là nhận thức của phụ huynh trong việc cho trẻ đến trường còn chưa cao, dẫn đến gặp nhiều khó khăn nhất định”, cô Hường cho biết.

Còn tại Trường Mẫu giáo Măng Non (xã Trà Ka), nhiều năm qua nhà trường luôn giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%.

Theo cô Trần Thị Thu Trang – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng Non, năm học 2021-2022, trường có 139 học sinh, trong đó có 135 học sinh người đồng bào dân tộc. Tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày đạt 100%.

Theo đại diện Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo Măng Non, trường có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Một trong những tiêu chí ưu tiên của trường đó là xây dựng môi trường học tập của các cháu đảm bảo xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Một buổi học của các trẻ mầm non.
Một buổi học của các trẻ mầm non.

“Trường luôn phối hợp tuyên truyền đến quý phụ huynh để cố gắng đưa học sinh đến trường và yên tâm làm việc. Phải nhấn mạnh để phụ huynh thấy được việc đưa trẻ đến trường sẽ có những nhiều lợi ích cho trẻ, từ đó trẻ được vui chơi và học tập để phát triển. Bên cạnh đó, trường luôn quan tâm đến những trẻ có gia đình khó khăn để động viên, giúp đỡ hỗ trợ gia đình các em. Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng trường luôn thực hiện tốt những công việc với mục tiêu mang lại những điều tốt nhất cho trẻ”, cô Trang chia sẻ.

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Với đặc thù là ngôi trường vùng sâu, vùng xa, học sinh chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng đã tích cực triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Khi tổ chức các hoạt động giáo dục với hình thức đổi mới theo hướng lấy trẻ làm trung tâm trẻ được vui chơi trải nghiệm nhằm phát huy tối đa tính tích cực sáng tạo ở trẻ, nâng cao cảm giác thoải mái và sự tham gia cho trẻ trong tất cả các hoạt động... Từ đó giúp phát triển tư duy, nhân cách cho trẻ một cách toàn diện.

“Chính nhờ sự vươn lên, nỗ lực trong công tác giảng dạy, vừa qua trường đạt giải Nhất trong Hội thi xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm do huyện tổ chức”, cô Hường chia sẻ thêm.

Khu vui chơi của các trẻ mầm non Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng.
Khu vui chơi của các trẻ mầm non Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng.

Còn đối với Trường Mẫu giáo Măng Non, trong năm học 2021-2022, trường tiếp tục thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, để tạo sự công bằng cho tất cả trẻ em trên địa bàn.

“Để thực hiện tốt chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trường đã đầu tư xây dựng môi trường bên trong và bên ngoài lớp học ở tất cả các điểm lớp nhằm tạo sự công bằng cho trẻ khi đến trường, tận dụng tối đa không gian của sân trường để bố trí, xây dựng các góc, khu vực cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm”, cô Trang nhấn mạnh.

Đối với công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, đại diện Trường Mẫu giáo Măng Non cho biết, nhà trường luôn chú trọng tổ chức thường xuyên, xuyên suốt năm học thông qua các hoạt động học tập, vui chơi hàng ngày. Các hoạt động này giúp trẻ cải thiện và nâng cao những kỹ năng cần thiết.

Trên quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”, với những giáo viên đứng lớp cũng như cán bộ nhân viên trong trường luôn tích cực học hỏi chuyên môn, đảm bảo tốt kiến thức để truyền đạt cho trẻ. Luôn có sự đổi mới, sáng tạo trong dạy học để mang lại sự vui vẻ, tạo nên niềm đam mê học tập cho trẻ khi đến lớp.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho hay, với tính chất đặc thù, là cấp bậc học mầm non, đối tượng trẻ tuổi còn nhỏ, đa số trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số nên còn nhút nhát lo lắng khi đến trường. Chính vì vậy, ngành giáo dục huyện luôn chú trọng đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng triển khai mạnh mẽ chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm theo từng giai đoạn. Đưa những tiêu chí vào thực tiễn từng trường, từng địa phương. Qua đó, bước đầu đã ghi nhận những thay đổi tích cực trong việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở bậc học mầm non.

Trẻ mầm non tham gia các hoạt động trong giờ học nhằm tạo sự sáng tạo.
Trẻ mầm non tham gia các hoạt động trong giờ học nhằm tạo sự sáng tạo.

“Các trẻ mầm non đã có thể thực hiện các kỹ năng vận động chính xác, tích cực, hứng thú với các hoạt động trong môi trường phù hợp. Trẻ được thoải mái rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết phù hợp với lứa tuổi. Trẻ biết yêu thích hoạt động và biết phối hợp các giác quan trong tham gia tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh giúp trẻ có thể phát triển một cách toàn diện”, ông Tú chia sẻ.

Ông Tú cũng cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được từ khi thực hiện chuyên đề lấy học sinh làm trung tâm ở bậc mầm non sự thành công lớn nhất của chuyên đề tính đến thời điểm hiện tại là từ chỗ trẻ thụ động, giáo viên áp đặt đến trẻ năng động, giáo viên gợi mở, từ đó tạo một sự hứng thú lớn cho trẻ đến trường, giúp giảm tỷ lệ không ra lớp… Chuyên đề đã mang lại một ý nghĩa đặc biệt hơn nữa khi đối tượng hưởng lợi là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng cao vùng xa.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ