Nhân lực ngành ô tô: Đông nhưng chưa đủ

GD&TĐ - Công nghệ ô tô đang là ngành nhận được sự quan tâm của giới trẻ, khi số lượng đăng ký học ngành này tại các cơ sở đào tạo rất đông. Tuy nhiên, nguồn nhân lực dường như vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, hầu hết SV đều có việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Giờ học tích hợp nghề công nghệ ô tô tại Trường CĐ nghề Cần Thơ
Giờ học tích hợp nghề công nghệ ô tô tại Trường CĐ nghề Cần Thơ

Đào tạo theo nhu cầu

Là SV năm thứ 2 Khoa Công nghệ ô tô, Trường CĐ nghề Cần Thơ, Châu Thái Hưng chia sẻ: Học công nghệ ô tô với sự đam mê thì sẽ không thấy vất vả, ngược lại, đây là một nghề khiến cho người học trở nên năng động. Quá trình học thực tế tại xưởng của nhà trường, em được tiếp cận và xử lý các tình huống. Học theo mô đun, ngay sau phần lý thuyết, em được thực hành trên thiết bị đào tạo dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, qua đó biết được những nguyên nhân hỏng hóc và cách sửa chữa, khắc phục cơ bản. Sau khi học hết các mô đun, em sẽ được đi thực tập tại gara sửa chữa ô tô.

Học xong, em sẽ tìm một công việc tại xưởng sửa chữa hoặc công ty ô tô để có việc làm ổn định và tiếp tục học theo ngành ở trình độ cao hơn. Nếu có cơ hội em sẽ tự mở xưởng sửa chữa ô tô cho riêng mình.

SV Châu Thái Hưng chia sẻ: “Khi lựa chọn ngành công nghệ ô tô, em được bố mẹ rất ủng hộ, vì cho rằng: Trong hiện tại và tương lai, nhu cầu xã hội về ô tô rất phát triển, nên đây là một nghề phù hợp”.

Thầy Dương Chí Thiện, Phó Trưởng Khoa Cơ khí động lực, Trường CĐ nghề Cần Thơ cho biết: Những năm trước đây, SV theo học ngành công nghệ ô tô còn rất ít, mỗi năm chỉ có khoảng 100 SV đăng ký học. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng đăng ký học tăng rất nhanh. Nhu cầu người học rất nhiều, trong năm nay, nhà trường đã tuyển sinh khoảng 20 lớp, số lượng đăng ký vượt hơn khá nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. Tổng số học sinh, SV ngành công nghệ ô tô cả 3 khóa tại trường hiện có khoảng 2.500 em.

Liên kết với doanh nghiệp trong tuyển dụng và xây dựng chương trình đào tạo, chuyên gia của doanh nghiệp và giáo viên nhà trường cùng tìm hiểu, xác định những yêu cầu về kỹ năng thực tế để đưa vào chương trình đào tạo. Đặc biệt chú trọng đào tạo tay nghề, chương trình được tích hợp lý thuyết và thực hành, thời gian học thực hành chiếm 70% và học lý thuyết là 30%. Bảo đảm giáo trình phù hợp với thực tế, SV ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Có việc làm ngay sau tốt nghiệp

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ ô tô rất lớn, bởi ngành này tại Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu phát triển. Ngày càng có nhiều gia đình sử dụng ô tô, do đó nhu cầu người học nghề sẽ tăng theo. Nhiều doanh nghiệp như: Toyota, Honda, Huyndai… đã tìm đến các trường nghề liên kết, “đặt hàng” tuyển dụng nhân lực, có những doanh nghiệp đã cam kết tuyển dụng hàng chục SV cho năm 2019. Vì vậy, hầu hết SV đều có việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Bà Nguyễn Ngọc Kiều Linh, Tổng Giám đốc Toyota Cần Thơ cho biết: Hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm công ty cùng phối hợp với các trường thực hiện các chương trình thực tập cho SV. Cũng trong những đợt thực tập này, công ty sẽ đánh giá và lựa chọn những SV đáp ứng đủ yêu cầu để ưu tiên tuyển dụng.

Mỗi năm, công ty tổ chức từ 4 - 6 đợt tuyển dụng SV thực tập, chương trình thực tập thường kéo dài 2 tháng. SV sẽ được học về kỹ năng an toàn, kỷ luật lao động, phối hợp làm việc trong môi trường thực tế, quy trình sửa chữa, vận hành thiết bị sửa chữa… Thời lượng thực hành này là chưa đủ, mà có thể cần đến 6 tháng để SV cập nhật những kỹ năng thực tế, nắm bắt đầy đủ quy trình bảo dưỡng, sử dụng thành thạo các thiết bị sửa chữa cơ bản. Hầu hết SV sau khi có bằng tốt nghiệp đều rất ít kinh nghiệm, do đó, các trường cần tăng thời gian thực tập tại doanh nghiệp và đào tạo tại môi trường thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.