Như ở thành phố biển Nha Trang - một trong những địa chỉ luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước vào mỗi mùa hè nhưng hơn một tuần qua, kể từ ngày “mở cửa”, bãi biển của thành phố này vẫn trống vắng, có chăng chỉ là người dân thành phố đi tắm biển vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều chứ khách du lịch chiếm tỉ lệ không đáng kể. Các địa chỉ du lịch nổi tiếng khác trong cả nước cũng cùng tình trạng này.
Bên cạnh việc tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khách còn dè dặt trong việc đi thăm thú đó đây, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, ảnh hưởng đến việc thu hút khách là nhân lực cho ngành du lịch - dịch vụ đang thiếu trầm trọng.
Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng ngàn nhân viên được đào tạo bài bản về du lịch - dịch vụ, từng phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn đã phải nghỉ việc, chuyển sang hành nghề môi giới bất động sản, bán bảo hiểm hoặc làm các ngành khác để duy trì cuộc sống tối thiểu.
Thống kê của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, các cơ sở lưu trú trên cả nước trong tuần qua chỉ đón khoảng 30 - 50% so với trước khi có dịch Covid-19, thậm chí nhiều nơi chỉ đón khoảng 5 - 10%. Do không đủ lượng khách cần thiết để duy trì một cơ sở lưu trú nên các khách sạn không thể “nuôi” số lượng nhân viên phục vụ như mọi khi, hoặc không thể tuyển nhân viên đủ để phục vụ khách.
Không ngạc nhiên khi cách đây vài tháng, một khách sạn 5 sao ở TPHCM vẫn đón khách, song khẩu phần ăn sáng như mọi khi đã không duy trì được. Khách sạn chỉ phục vụ khách theo nhu cầu ăn món gì, sau đó nhân viên phải ra ngoài mua về chứ không có những món tự chọn như mọi khi.
Giải bài toán nhân lực cho ngành du lịch - dịch vụ trong giai đoạn này là rất khó khăn. Mâu thuẫn ở chỗ, nếu duy trì đủ quân số phục vụ mà khách không đủ ở mức cần thiết thì các ông chủ sẽ bị lỗ nặng. Ngược lại, khách đến đông nhưng không đủ người phục vụ thì sẽ dẫn đến tình trạng khách sạn bị ế ẩm.
Hiện tại, nguồn nhân lực được đào tạo cho du lịch - dịch vụ trước đây đã phải tứ tán khắp nơi, giờ muốn tuyển lại cũng rất khó vì số người này luôn “trông chừng” vào lượng khách; hễ khách đông thì nguồn thu nhập của họ mới ổn định được.
Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn buộc phải tuyển nhân viên mới, đa số là sinh viên vừa ra trường hoặc chuẩn bị ra trường. Số này có thể tạm đủ về số lượng nhưng để họ phục vụ một cách chuyên nghiệp, lại phải tiếp tục đào tạo, chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên.
Ngành du lịch không chỉ ở nước ta mà cả thế giới như vừa qua một trận ốm nặng nên cơ thể vẫn còn yếu ớt. Cần phải có thời gian dài thì du lịch mới gượng dậy và khỏe mạnh như trước khi có dịch. Việc mở cửa với thế giới cũng chỉ là tiền đề trong việc phục hồi chứ chưa thể khỏe mạnh ngay được. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ngành công nghiệp không khói này có thể sớm trở lại đường đua.