Nhà vệ sinh trường học: Từ nhu cầu nhỏ đến… ám ảnh lớn

GD&TĐ - Ở đô thị, khu vệ sinh học đường luôn được quan tâm, đầu tư nhằm mang tới sự thuận lợi, thoải mái nhất.

Tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình), học sinh được tham gia vệ sinh và giáo dục ý thức sử dụng. Ảnh: NTCC
Tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình), học sinh được tham gia vệ sinh và giáo dục ý thức sử dụng. Ảnh: NTCC

Còn với nhiều trường học vùng khó, nông thôn để nhà vệ sinh không là nỗi ám ảnh lại đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ nhà trường. 

Tín hiệu vui từ trường vùng khó

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) thuộc vùng khó của tỉnh Lào Cai. Trước đây, trường chính chỉ có 2 nhà vệ sinh nên việc giải quyết nhu cầu của học sinh khá nan giải, quá tải.

4 năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng cơ bản của huyện đã chú trọng đến vấn đề nhà vệ sinh trường học, cùng những quy định trong xây dựng cơ bản (nhà 2 tầng phải kèm nhà vệ sinh) nên khi trường được đầu tư xây dựng đồng nghĩa được tăng cường thêm số lượng nhà vệ sinh. Từ 2 hố đã tăng lên 16 hố đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 18 giáo viên và hơn 500 học sinh. “Dẫu số lượng chưa đủ nhưng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng của giáo viên, học sinh trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường. Môi trường vệ sinh trường lớp cũng cải thiện đáng kể…”, cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Thầy Hà Trần Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), trao đổi: Tháng 9/2021, trường đưa vào sử dụng 2 dãy nhà vệ sinh mới cho 527 học sinh toàn trường. Do 2 khu nhà vệ sinh được thiết kế xây mới nên đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh hàng ngày, đặc biệt trong đó có gần 100 học sinh bán trú tại trường.

Theo thầy Hồng, số lượng nhà vệ sinh trên tổng số giáo viên, học sinh chưa đủ nhưng đã giảm đáng kể tình trạng ùn tắc, quá tải khu vệ sinh trong các giờ “cao điểm”. “Hàng ngày, trường tận dụng nguồn nước dẫn về từ suối, phân công học sinh các lớp quét dọn thường xuyên. Công tác giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức trong quá trình sử dụng hàng ngày được giáo viên chủ nhiệm, nhân viên phụ trách hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên (đặc biệt với học sinh khối 6 mới vào trường). Do đó, nhà vệ sinh dù ở vùng cao nhưng không còn tình trạng quá tải, mất vệ sinh như nhiều năm trước…”, thầy Hồng khẳng định.

Trường Tiểu học xã Thanh Vân thuộc huyện vùng cao Quản Bạ, Hà Giang với tổng số 434 học sinh nhưng chỉ có 7 nhà vệ sinh (chia đôi cho học sinh nam và nữ). Theo ước tính và đề xuất bổ sung xây mới của Ban giám hiệu, trường cần thêm 8 - 10 nhà vệ sinh để đáp ứng tối đa nhu cầu.

Cô Nguyễn Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Cơ sở vật chất, số lượng nhà vệ sinh như hiện tại so với nhiều trường trong huyện đã hơn rất nhiều. Do đó, trong lúc đợi đầu tư thêm từ nguồn ngân sách huyện, nhà trường quan tâm vào việc tu sửa, duy trì bảo dưỡng… để khu phòng vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tình trạng xuống cấp.

Nhà vệ sinh của Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) được sơn sửa, bảo dưỡng thường xuyên để luôn sạch, đẹp phục vụ học sinh. Ảnh: NTCC
Nhà vệ sinh của Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) được sơn sửa, bảo dưỡng thường xuyên để luôn sạch, đẹp phục vụ học sinh. Ảnh: NTCC

Không thành nỗi ám ảnh

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường nông thôn, vùng khó vẫn trong tình trạng thiếu nhà vệ sinh/tổng số học sinh. Trong khi đó, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục tại địa phương còn hạn chế, việc xã hội hóa từ phụ huynh, các tổ chức, cá nhân cũng khó khăn. Giải pháp được các trường thực hiện là nỗ lực duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ… thường xuyên kết hợp làm tốt công tác vệ sinh hàng ngày.

Cô Nguyễn Hương Giang trao đổi: Tất cả học sinh khi vào trường đều được rèn kỹ năng sống, phân chia lịch lao động dọn dẹp khoa học từng lớp theo ngày (trừ học sinh lớp 1, lớp 2 vì còn nhỏ). Trường cũng thường xuyên hút nước sạch từ hồ treo về bể để học sinh sử dụng và làm vệ sinh.

Đặc biệt, để công trình không xuống cấp, hàng năm trường trích kinh phí tiến hành hút bể phốt, thay vòi nước, bồn cầu bị hỏng, sơn sửa, trang trí lại bên ngoài để nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện với học trò...

“So với 4 năm trước đây, khu vệ sinh của trường được nâng lên cả về số lượng, chất lượng phục vụ. Hỗ trợ đáng kể cho việc duy trì, nâng cao chất lượng bán trú trường học, học sinh khi học tập, bán trú tại trường yên tâm và không bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong những năm tới, với việc công nhận lại trường chuẩn hy vọng trường sẽ được đầu tư ngân sách để xây mới, tăng cường thêm số lượng nhà vệ sinh…”, cô Giang bày tỏ.

Tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B, huyện miền núi Yên Khánh, Ninh Bình, cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng, chia sẻ: Số lượng nhà vệ sinh/tổng số học sinh toàn trường (theo chuẩn) vẫn thiếu, song cơ bản đáp ứng được yêu cầu sử dụng của học sinh, giáo viên. Dự kiến thời gian tới, trường sẽ được đầu tư xây dựng một số công trình có nhà vệ sinh liền kề, giúp tháo gỡ tình trạng quá tải vào những khung giờ cao điểm.

Hiện tại để nhà vệ sinh không rơi vào tình trạng mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe thầy trò, bảo đảm môi trường xanh sạch… trường thuê nhân viên vệ sinh để tăng cường công tác dọn dẹp hàng ngày. Cùng đó phân công các lớp phụ trách làm vệ sinh theo tuần. Đặc biệt, trường đầu tư nâng cấp làm thêm hệ thống nước xả, xịt rời để thuận tiện trong việc sử dụng và làm sạch thường xuyên.

“Với hơn 600 học sinh, nhà vệ sinh trở thành vấn đề quan trọng trong việc ổn định học tập, sinh hoạt nơi trường lớp. Thời gian tới, trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất bằng cách xã hội hóa các nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, phụ huynh để tu sửa, ốp lát, nâng cấp…”, cô Hợi cho biết.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), trong điều kiện hạn chế nước sinh hoạt, ảnh hưởng lớn tới công tác vệ sinh các công trình phụ hàng ngày, cách để nhà vệ sinh trường học không trở thành nỗi ám ảnh, được giữ gìn sạch sẽ là tăng cường nguồn nước sạch. Nhà trường đã đầu tư kinh phí để tăng cường hệ thống hút và đưa nước sạch từ nguồn về trường. Việc phân công lao động khu vệ sinh hàng ngày cũng được hướng dẫn và giám sát chặt chẽ (mỗi lớp phụ trách/nhà vệ sinh). Ban giám hiệu, kiểm tra công tác vệ sinh để đánh giá các lớp theo tháng… Những cách làm này đang phát huy hiệu quả nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh ngay từ trường lớp và ở lứa tuổi nhỏ… - Thầy Tạ Văn Kha, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.