Nhà vệ sinh trường học vùng cao: Vô cùng bức thiết

GD&TĐ - Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của các địa phương cho ngành Giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp học cơ bản ổn định và đáp ứng được yêu cầu dạy học. Tuy nhiên, với không ít  trường học vùng cao, vấn đề nhà vệ sinh học đường vẫn vô cùng bức thiết cả về số lượng và chất lượng.

Số lượng và chất lượng nhà vệ sinh trường học vùng cao còn hạn chế. Ảnh: T.G
Số lượng và chất lượng nhà vệ sinh trường học vùng cao còn hạn chế. Ảnh: T.G

Ám ảnh mang tên “nhà vệ sinh trường học”

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường TH xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ - Hà Giang cho biết: Tại điểm trường chính có hơn 400 HS, 30 GV trong đó 200 HS bán trú nhưng nhiều năm liền trường chỉ có 2 phòng vệ sinh đã xuống cấp để sử dụng.

Như vậy, vào ngày thường khi HS đến trường đầy đủ, tính bình quân hơn 200 HS và GV sử dụng 1 phòng vệ sinh. Bên cạnh sự quá tải, xuống cấp đã lâu thì nhà trường cũng không có nguồn kinh phí thuê lao công dọn dẹp thường xuyên (chỉ có GV và HS luân phiên dọn dẹp)... nên khu vệ sinh thường rơi vào tình trạng bốc mùi hôi.

Đầu năm 2019, được sự hỗ trợ giúp đỡ của một số trường học tại Hà Nội, trường được xây dựng mới khu nhà vệ sinh với 4 phòng vệ sinh (có khu dành riêng cho HS nam nữ, khu vệ sinh nặng nhẹ)... Tổng số phòng vệ sinh tăng lên 6. Song như vậy cũng chỉ góp phần giảm tải mà không giải quyết dứt điểm quá tải.

Hiện nay, với 70 HS, GV/phòng vệ sinh thì nhu cầu về nhà vệ sinh tại Trường TH xã Thanh Vân vẫn vô cùng bức thiết. Bởi thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng đã và đang gây trở ngại tới việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ổn định HS bán trú.

Đối với Trường PTDTBT TH Lùng Tám – xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang), câu chuyện nhà vệ sinh trường học lại bi hài hơn. Trong khi cơ sở vật chất trường lớp, phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú cho HS… cơ bản đầy đủ và khang trang thì nhà vệ sinh lại thiếu trầm trọng bởi không có sự đầu tư đồng bộ.

Thầy Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng cho biết: Tại điểm trường chính có 3 khu vệ sinh với tổng số 9 phòng nhưng có tới 362 HS. Vẫn 40 HS/phòng vệ sinh. Tỉ lệ này so với nhiều trường đã giảm nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn không đáp ứng đủ cho HS khi đến trường, vào giờ sinh hoạt bán trú. Không những thế, các khu nhà vệ sinh của trường đều trong tình trạng chắp vá, thiếu quy hoạch; cái này vừa được nâng cấp thì cái khác chuẩn bị hỏng.

Nhiều trường học vùng cao thiếu trầm trọng nhà vệ sinh. Ảnh minh họa
 Nhiều trường học vùng cao thiếu trầm trọng nhà vệ sinh. Ảnh minh họa

Cần chiến lược và sự đầu tư lâu dài

Trao đổi cùng Báo GD&TĐ, ông Cao Xuân Nghì – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ chỉ ra, với thực tế nhiều năm qua tại các trường học ở huyện Quản Bạ khi xây dựng cơ sở vật chất trường lớp chưa quan tâm, đầu tư thích đáng cho nhà vệ sinh. Chính vì vậy, tình trạng nhà vệ sinh quá tải, xuống cấp, ảnh hưởng tới dạy học, sinh hoạt của GV và HS diễn ra ở hầu hết các trường trên địa bàn huyện.

Hiện nay, các trường đều có nhà vệ sinh nhưng so với mật độ HS, đặc biệt khi dồn các điểm trường lẻ về trường chính càng dẫn tới quá tải. Tính bình quân tỉ lệ nhà vệ sinh và số HS trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 50 - 60HS/phòng vệ sinh. Một số trường TH xã Thanh Vân; xã Bát Đại Sơn, xã Quyết Tiến… đang là điểm nóng bởi sau khi quy hoạch lại trường đã xóa bỏ nhà vệ sinh xuống cấp nhưng lại chưa có kinh phí xây mới, không tận dụng được nhà vệ sinh cũ… Tình trạng quá tải đã “căng” càng thêm nan giải.

Nói về vấn đề giảm tải và nâng cấp nhà vệ sinh trường học, ông Cao Xuân Nghì khẳng định: Phòng GD&ĐT làm việc trực tiếp với các xã và đạt được sự thống nhất trong thời gian tới nguồn kinh phí nhỏ cho sửa trường học sẽ ưu tiên khắc phục sửa chữa nhà vệ sinh. Bởi đến nay, thực tế cho thấy nhà vệ sinh trường học trở thành vấn đề cấp thiết đối với các trường học trên toàn huyện. Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT cùng hiệu trưởng, GV các nhà trường vẫn tích cực kết nối, huy động kinh phí của các tổ chức, cá nhân từ thiện để cải tạo, xây mới nhà vệ sinh cho các trường...

Ông Nghì thẳng thắn nhìn nhận: Để đi vào ổn định, chắc chắn giáo dục Quản Bạ phải mất 2 - 3 năm nữa mới có thể đáp ứng được đầy đủ các công trình vệ sinh trường học. Còn hiện nay, các nhà vệ sinh trường học mới chỉ là đáp ứng một cách tối thiểu.

Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Lùng Tám chia sẻ: Trong khi các nguồn kinh phí cho việc xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh học đường còn khó khăn thì việc phát huy tính chủ động, linh hoạt… trong việc nâng cấp và giữ gìn vệ sinh ở các nhà trường cần được phát huy tối đa.

Tại Trường PTDTBT TH Lùng Tám, nhà trường tiến hành giáo dục kĩ năng sống, cách sử dụng nhà vệ sinh; giữ gìn vệ sinh chung cho HS bán trú từ khi bước vào đầu năm học. Mặt khác, BGH nhà trường đã tính toán, lên kế hoạch sẵn sàng cho việc đặt các khu nhà vệ sinh để ăn khớp với tổng thể trường lớp để khi có nguồn kinh phí xây mới sẽ không bị động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.