"Khoác áo mới" cho nhà vệ sinh trường học

GD&TĐ - Nhiều nhà vệ sinh trường tiểu học trên địa bàn tỉnh An Giang được giáo viên Mĩ thuật “khoác áo mới” bằng những bức tranh sáng đẹp. Qua đó giúp các em học sinh không còn e ngại mỗi khi vào nhà vệ sinh.

Các giáo viên Mĩ thuật đang vẽ trang trí tường nhà vệ sinh trường học.
Các giáo viên Mĩ thuật đang vẽ trang trí tường nhà vệ sinh trường học.

Nhà vệ sinh thân thiện nhờ bích họa

Từ năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tỉnh An Giang thực hiện thí điểm vẽ trang trí nhà vệ sinh ở một số trường tiểu học trên địa bàn. Người đưa ra ý tưởng và đề xuất khá lạ lẫm này chính là thầy Võ Văn Quới - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh An Giang).

Theo thầy Quới, trong một lần đi công tác ở tỉnh Đồng Tháp, thầy gặp các em sinh viên tình nguyện tham gia vẽ trang trí tranh tường và các bức bích họa ở những nơi công cộng. Từ đó, thầy đề xuất và khuyến khích Tổ bộ môn cùng với giáo viên Mĩ thuật tổ chức thực hiện thí điểm công việc này ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vào đầu năm học 2019 - 2020.

“Được sự thống nhất của Ban Giám đốc Sở GD&ĐT, chúng tôi tiến hành triển khai và thực hiện thí điểm mỗi huyện, thị, thành phố một đơn vị trường. Nếu thấy có hiệu quả thì sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình”, thầy Quới cho biết.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ bộ môn Mĩ thuật, việc khoác áo mới cho nhà vệ sinh trường học đã nhận được những phản hồi tích cực từ cơ sở và phụ huynh... Còn các em học sinh rất thích thú và cảm thấy thoải mái khi đi đến nhà vệ sinh trong trường. Tính đến hết hè năm học 2019 - 2020, Tổ bộ môn cấp tỉnh phối hợp với giáo viên Mĩ thuật đã khoác áo mới cho nhà vệ sinh ở 11 điểm trường tiểu học ở 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và tiếp tục được nhân rộng vào những năm học sau.

Sự góp sức của các giáo viên Mĩ thuật, nhiều nhà vệ sinh trường học ở An Giang được “khoác áo mới”.
Sự góp sức của các giáo viên Mĩ thuật, nhiều nhà vệ sinh trường học ở An Giang được “khoác áo mới”.

“Tiếng lành đồn xa”, được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị trường học và những phản hồi tích cực về tính hiệu quả của các công trình mang lại. Sở GD&ĐT An Giang tiếp tục giao cho Tổ bộ môn Mĩ thuật cấp tỉnh khuyến khích Tổ bộ môn các huyện, thị, thành phố lên kế hoạch, xin ý kiến của lãnh đạo Phòng GD&ĐT tổ chức thực hiện mỗi tháng một trường tiểu học ở địa bàn phụ trách.

Thầy Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (TP Long Xuyên), Tổ trưởng Tổ bộ môn Mĩ thuật Tiểu học cấp tỉnh, cho biết: “Sau đợt thực hiện thí điểm của Tổ bộ môn tỉnh, các Tổ bộ môn cấp huyện đã lên kế hoạch cùng với đội ngũ giáo viên Mĩ thuật của huyện tiến hành nhân rộng mô hình ở tất cả các địa phương. Tính đến cuối năm học 2020 - 2021, Tổ bộ môn các huyện, thị xã, thành phố đã vẽ trang trí được hơn 76 nhà vệ sinh của 76 trường tiểu học trong tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch thực hiện đối với những trường còn lại”.

Những bức bích họa còn nhắc học sinh giữ gìn vệ sinh chung.
Những bức bích họa còn nhắc học sinh giữ gìn vệ sinh chung.

Trò hết sợ nhà vệ sinh

Những bức tranh, bức bích họa được các giáo viên Mĩ thuật vẽ nên chủ yếu tập trung vào các chủ đề quen thuộc về bảo vệ môi trường, trò chơi dân gian, động thực vật, môi trường biển... Nội dung đa dạng, phong phú, những hình ảnh sinh động, gần gũi và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Những công trình ý nghĩa và thiết thực này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong học sinh và giúp các em không còn e ngại mỗi khi đến nhà vệ sinh trong trường học.

Được tận mắt “chiêm ngưỡng” những bức tranh tường do chính thầy cô vẽ, em Huỳnh Anh Thư, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học An Bình (huyện Thoại Sơn), phấn khởi cho biết: “Trước đây, em và các bạn có lúc ngại đến nhà vệ sinh trong trường. Nay tường nhà vệ sinh được thầy, cô vẽ đẹp quá nên em và các bạn cảm thấy thân thiện hơn. Cảm giác ngại đến nhà vệ sinh cũng không còn, ý thức giữ gìn vệ sinh chung cũng được các bạn thực hiện tốt hơn trước rất nhiều. Qua những bức vẽ em cũng thấy yêu thích hơn bộ môn Mĩ thuật”.

Theo anh Nguyễn Cao Tân, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học B Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn): “Thầy cô chịu khó bỏ công sức ra vẽ những bức tranh ngộ nghĩnh và dễ thương ở khu nhà vệ sinh sẽ giúp cho các em học sinh yêu thích ngôi trường của mình hơn, các em sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh chung tốt hơn”.

Thầy Trương Kỉnh Nhơn, giáo viên Trường Tiểu học A, thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), Tổ trưởng Tổ bộ môn Mĩ thuật huyện, cho biết: “Năm học 2021 - 2022, các Tổ bộ môn cùng giáo viên Mĩ thuật của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện việc vẽ trang trí nhà vệ sinh trường tiểu học. Góp phần tạo môi trường thân thiện đối với học sinh, xóa nỗi e ngại khi các em đến nhà vệ sinh. Hiện, Tổ bộ môn huyện đã lên kế hoạch và được sự chấp thuận của lãnh đạo Phòng GD&ĐT, chúng tôi đang tiến hành công việc vào những ngày cuối tuần ở những trường thuộc “vùng xanh” không bị ảnh hưởng dịch Covid-19”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.