- Cơ duyên nào đưa nhà văn - nhà báo Lữ Mai đến với Trường Sa?
- Tôi may mắn có chuyến công tác Trường Sa, nhà giàn DK1 vào tháng 5/2019. Đối với tôi, đây là cơ duyên vô cùng đặc biệt bởi thực tế không chỉ cá nhân tôi mong được đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà rất nhiều người con đất Việt đều ao ước.
Tôi đã tìm hiểu rất kỹ mọi điều về Trường Sa, nhà giàn trước khi lên đường. Khi biết rằng mỗi đảo đại biểu chỉ có tối đa vài giờ đồng hồ ghé thăm, tôi đã gặp những người có kinh nghiệm ra biển đảo, lên một kế hoạch khoa học, chi tiết rằng khi mình lên đó sẽ gặp ai, tới những đâu để hiểu được những điều cơ bản và mới mẻ nhất làm nên nét đặc trưng của đảo.
- Chị có thể cho biết ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc?
- Ấn tượng đặc biệt trong hải trình của tôi, là khi tổ phóng viên ngồi chuyến xuồng thứ nhất, cập vào điểm đảo đầu tiên là Song Tử Tây. Lúc chuyến xuồng bắt đầu rẽ sóng, trên loa phát thanh tàu vang lên câu hát: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng/ Quanh ghềnh trúc san hô...”.
Tất cả những người có mặt trên chuyến xuồng ấy đã rưng rưng mắt khi thấy đảo nhỏ dần hiện rõ. Trên cầu tàu, hai dãy dài bộ đội hải quân đứng chào và ở sát mép sóng đã có những chiến sĩ làm nhiệm vụ đón xuồng lội xuống nước chờ đón người vào đảo.
Sau vài ngày say sóng, không ăn uống được, vừa chạm chân xuống đất thì nhiều người ngã ngay vì “say đất”. Các anh chiến sĩ kịp thời có mặt để nâng đỡ, hỗ trợ. Qua cơn say ấy, đảo nhỏ của chúng ta hiện lên trong mắt tôi ấm áp như chốn quê nhà.
Tôi thấy bên hiên trường học, ngày Chủ nhật, hai thầy giáo đang miệt mài phơi vỏ sò, vỏ ốc làm dụng cụ cho học sinh tập đếm, các em nhỏ vây quanh thầy... Nét bình yên, thân thuộc giữa nơi bốn bề sóng gió dấy lên trong sâu thẳm con người niềm xúc động mãnh liệt và khó tả lắm! Như thể quê hương đang hiện hữu ngay đây, mình chạm vào được.
- Thực tế trên đảo đã cho chị những cảm nhận gì về cuộc sống, con người và sự thiêng liêng khi được hít thở bầu không khí nơi đầu sóng?
- Ai đó đã nói rằng, có một đời sống trước và sau khi ra Trường Sa. Những hình dung về nơi tiền tiêu của Tổ quốc luôn hiện hữu trong tôi nhưng khi tới đây tôi mới cảm thấy được sự gần kề, sâu thẳm nhất. Tôi nhớ hình ảnh can cà của người mẹ nghèo gửi ra đảo tặng con. Nhớ các nhân sự kíp xuồng trên tàu đưa cả thân mình che đỡ cho đại biểu khỏi những cú va đập rủi ro. Nhớ hình ảnh các chiến sĩ nước da sạm đen vì nắng gió, nụ cười rất tươi nhưng mắt rưng rưng lúc tiễn đoàn...
Thầy giáo Phú ở đảo Song Tử Tây đã đọc cho tôi nghe những vần thơ anh sáng tác: “Mẹ ơi Tết đã cận kề/ Sao con lại thấy bốn bề chơi vơi/ Mẹ ngồi bên gió bên trời/ Con tìm mòn mỏi ngàn khơi lối về”... Cha mẹ anh đã qua đời trong đất liền, Tết ở đảo với thầy giáo có những khoảnh khắc bồi hồi như thế!
Chân dung nhà văn, nhà báo Lữ Mai. |
- Từ hành trình đã đi qua, chị muốn gửi gắm thông điệp gì tới các bạn trẻ?
- Thành thực mà nói, nếu không đi Trường Sa, tình yêu và tự hào Tổ quốc của tôi vẫn thế. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, từ Trường Sa trở về, tôi đã thay đổi nhiều điều trong nhận thức và hành động.
Ngoài viết báo, viết văn, ra mắt tập sách “Nơi đầu sóng” cùng kỹ sư Trần Thành, tôi tham gia vào những hoạt động hướng về biển đảo như: Quyên góp trà tặng các nhà giàn DK1 và tàu trực trên vùng Tư Chính vào tháng 8/2019; Góp sức vào chương trình Tết Trung thu cho con em chiến sĩ Hải quân “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn” tại Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân.
Tới đây, theo dự định, vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019), tôi cùng kỹ sư Trần Thành sẽ ra mắt sách “Nơi đầu sóng” tập 2 và bộ bưu thiếp với hình ảnh về chủ quyền, vẻ đẹp đầy tự hào của biển đảo Việt Nam.
Có lẽ, không phải ai muốn, ai yêu cũng đều đến được với Trường Sa, nhà giàn DK1. Song, có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu biển đảo thật gần gũi, thiết thực. Mỗi người hãy cứ sống tốt, làm tốt công việc của mình để là hậu phương vững chắc và chia sẻ những điều tốt đẹp với hậu phương của những người lính đảo. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã nỗ lực làm thêm các việc nhỏ bé khác như mang triển lãm ảnh biển đảo tới các trường học, công sở, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm.
Có em học sinh lớp 4 ở Hà Nội tên là Chấn Long, sau khi xem triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng” đã viết thư, gửi hạt giống tới các chú bộ đội ngoài đảo xa, gửi 50.000 đồng cho chương trình Tết Trung thu “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn”. Cháu còn chia sẻ với kỹ sư Trần Thành về hoài bão học tập tốt để sau này đóng góp hữu ích cho Trường Sa và biển đảo quê hương.
Tết Trung thu, khi bạn bè trang lứa đang rộn ràng vui chơi thì Chấn Long nhờ người nhà đưa tới, trao cho chú Thành 64 con hạc giấy được gấp vô cùng cầu kỳ, nhờ chuyển ra đảo, trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma thì giúp em thả xuống biển tưởng nhớ 64 con người bất khuất, kiên trung.
Những bạn trẻ có suy nghĩ và hành động như Chấn Long chắc không hiếm. Họ khiến chúng tôi thấy mình nhỏ bé và cần cố gắng hơn để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cha ông.
- Xin cảm ơn chị!