Đây là hoạt động được các đơn vị phối hợp tổ chức nhằm tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng” giới thiệu tới các thầy cô, sinh viên trường ĐH Văn hóa 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, Nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển.
Điểm nhấn của triển lãm là hình ảnh đầy đủ về 15 Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ngoài ảnh của các nhiếp ảnh gia, nhà báo thì triển lãm còn có ảnh của các nhân vật đặc biệt như: Chính ủy các Lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo…
Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày các hiện vật về quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 như: Mô hình cột mốc chủ quyền, vỏ ốc Trường Sa và đặc biệt là 33 lá cờ của 33 điểm đảo Tổ quốc. Đây là những lá cờ từng tung bay trên bầu trời Trường Sa và xuất hiện trong nhiều kỳ triển lãm quốc tế do Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân tặng CLB để phục vụ công tác tuyên truyền, lan tỏa tình yêu biển đảo.
Song song hoạt động này, tọa đàm “Nơi đầu sóng” được tổ chức với sự tham gia của những đại biểu từng đi Trường Sa như: Kỹ sư Trần Thành, nghệ sĩ Hồ Liên, nhà báo Lữ Mai, chiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu vừa hoàn thành nghĩa vụ, trở về từ đảo Trường Sa.
Trong buổi tọa đàm, sinh viên nhà trường được xem phim tài liệu, nghe những câu chuyện Trường Sa và đặt câu hỏi với các vị khách mời. Kỷ niệm xúc động về đảo nổi, đảo chìm, chủ quyền biển đảo, hình ảnh người lính, hậu phương nơi đất liền đã gây xúc động mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.
Không gian trưng bày sách hấp dẫn tại sự kiện |
Chia sẻ về sự kiện, Tiến sĩ Đinh Công Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa với thầy và trò Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Đặc biệt hơn, trong các nhân sự tổ chức sự kiện lần này, có những cựu sinh viên trường như Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, nhà báo Lữ Mai - Báo Nhân Dân. Họ đã có những năm tháng học tập dưới mái trường này, và thêm trưởng thành trong trách nhiệm công việc, trong tình yêu với biển đảo Tổ quốc".
Tác phẩm “Nơi đầu sóng” (NXB Văn học) của nhóm tác giả Lữ Mai – Trần Thành cũng được giới thiệu tại sự kiện. Đây là tác phẩm chung, đánh dấu sự kết hợp của một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo.
Ban tổ chức cho biết, sau triển lãm “Nơi đầu sóng” tại trung tâm Hà Nội dịp Quốc khánh vừa qua, họ đã phối hợp với nhiều trường học tổ chức triển lãm miễn phí để phục vụ học sinh, sinh viên.
Sắp tới, triển lãm này sẽ vượt chặng đường xa xôi lên vùng biên giới A Pa Chải phục vụ bà con miền núi phía Bắc trong khuôn khổ chương trình “Xuân biên giới – Tết hải đảo”.
Đây vừa là hoạt động tuyên truyền, vừa kêu gọi sự chung tay, góp sức của xã hội để quan tâm tới người lính ở biên giới, hải đảo và hậu phương của họ.
Một số hình ảnh về Triển làm "Nơi đầu sóng" ghi tại khuôn viên Trường ĐH Văn hóa:
Các khách mời giao lưu với giảng viên, sinh viên |
Sinh viên thêm hiểu về biển đảo qua các bức ảnh được trưng bày |
Nghe thuyết minh của các tác giả |
Không gian trưng bày đẹp mắt tại khuôn viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội. |