“Những hy sinh trong chiến tranh không thể đo đếm được. Lính chiến chúng tôi có câu: ‘Còn sống là có lãi rồi’. Ít người sau này có cơ hội trở thành người viết văn để viết lại những ngày tháng đó. Bởi thế, những người như tôi cố gắng viết được càng nhiều càng tốt”. Đó là những điều tâm huyết về nghề cầm bút mà nhà văn Khuất Quang Thụy chia sẻ.
“Xong trận mới biết mình còn sống”
Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy là một trong những gương mặt tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ, vừa cầm súng vừa viết văn. Xuất hiện trên thi đàn từ những ngày đầu xông pha trận mạc (1968) nhưng sau này ông chuyển sang văn xuôi.
Trong sự nghiệp sáng tác, Khuất Quang Thụy được bạn đọc biết đến với nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng như: Trong cơn gió lốc, Những người ở bến Phù Vân, Giữa ba ngôi chùa, Thềm nắng, Không phải trò đùa, Nước mắt gỗ, Góc tăm tối cuối cùng, Trước ngưỡng cửa bình minh…
Trở về hồi ức những năm tháng Khuất Quang Thụy còn là một người lính, ông kể ngày ấy ông xung phong lên đường chiến đấu khi đang là học sinh năm cuối phổ thông.
Anh lính trẻ được phân công vào Sư đoàn 320, bắt đầu hành trình đời lính, lăn xả ở hầu hết các điểm nóng của cuộc chiến chống Mỹ. Từ chiến trường miền Nam, tới Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên đều in dấu chân Khuất Quang Thụy ở tất cả cương vị từ cán bộ, lính trinh sát…
Nhà văn bồi hồi kể lại: “Giữa năm 1971, sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tôi cùng đồng đội hành quân vào Tây Nguyên. Đường giao thông chiến lược lúc này chưa thông, bộ đội phải hành quân chân đất ròng rã mấy tháng trời. Đây cũng là thời điểm bên Campuchia có đảo chính nên nguồn cung viện trợ lương thực, thuốc men gặp nhiều khó khăn.
Gạo để dành cho thương binh nên bộ đội thiếu lương thực, đói ăn thường xuyên. Suốt một thời gian dài, tôi cùng đồng đội phải ăn sắn qua ngày. Cái đói chưa hết, bệnh tật cũng không tha. Sốt rét triền miên khiến nhiều đồng đội của tôi không trụ được. Tôi cũng trải qua đợt sốt rét tới trọc đầu, may là mình khỏe mạnh. Ai có bệnh mãn tính khó qua khỏi…”.
Thế nhưng, theo nhà văn, cuộc sống gian khổ, đói rét vẫn chưa bằng những lúc đối mặt với lằn ranh sống - chết. Ông thừa nhận không tài nào nhớ nổi bao lần cận kề cái chết vì… quá nhiều. Tất cả các trận đánh đều “xong trận mới biết mình còn sống”.
Nói về ký ức không bao giờ quên, trong tâm trí Khuất Quang Thụy là trận đánh ngày 29/4/1975. Khi đó, Sư đoàn của ông tiến công vào căn cứ Đồng Dù để mở đường cho bộ đội tấn công vào Sài Gòn. Đó là trận đánh khốc liệt, đẫm máu. Hơn 100 chiến sĩ, đồng đội của ông đã ra đi mãi mãi và họ cũng không biết rằng, chỉ còn một ngày thôi là chiến thắng đã về.
Thậm chí, sau khi giải phóng miền Nam khoảng hơn 10 ngày, Khuất Quang Thụy vẫn suýt bỏ mạng khi tiếp quản, dọn dẹp căn cứ Đồng Dù. “Anh em đi dọn căn cứ, đổ thùng rác ra thì phát hiện trong đó có chùm lựu đạn. Mấy anh em cảnh vệ hy sinh khi đi giúp tôi dọn phòng. Tôi cũng cách cái chết một sợi tóc…”, ông thắt lòng mỗi lần nhớ lại.
Bởi cuộc sống chiến trường quá nguy hiểm đã hình thành cho ông thói quen ghi chép tất cả vào sổ tay về một thời “không bao giờ quên” đó. Để rồi, những ghi chép ấy dần đi vào các trang viết. Từ chàng thanh niên cầm súng, Khuất Quang Thụy bắt đầu tranh thủ giờ nghỉ ngơi giữa các trận đánh để làm thơ và viết văn.
Khuất Quang Thụy tham gia trại sáng tác (1971) tại chiến trường Bắc Quảng Trị. Ông bùi ngùi nhớ và kể về cái cảm xúc hồi hộp của mình khi nộp ký sự “Lửa và thép” cho nhà văn Cao Tiến Lê và được nghe “phán” một câu xanh rờn: “Cậu viết thế này mà chỉ làm thơ thì phí quá! Viết văn xuôi đi, cậu sẽ thành công đấy!”.
Ngay sau đó bài ký sự được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (11/1971). Ít ngày sau, trên đường hành quân lên Tây Nguyên, Khuất Quang Thụy được nghe bài ký sự “Lửa và thép” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là một bước ngoặt trong đời binh nghiệp và sáng tác văn học của ông.
Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn nhà văn tham gia mở trại sáng tác tại Tây Nguyên năm 1985. |
Viết xong tác phẩm là... “rỗng người”
Chiến tranh đã lùi xa nhưng Khuất Quang Thụy vẫn chưa bao giờ bước ra khỏi từ trường của cuộc chiến. Ông kể, thời điểm bắt đầu cuộc sống mới, từng có lúc bị ám ảnh tâm lý. Có khi đang ngủ trưa, nghe tiếng mẹ xay thóc cũng khiến ông giật mình ngã từ trên võng xuống đất vì tưởng máy bay địch.
Với Khuất Quang Thụy, vết hằn chiến tranh chưa bao giờ dứt và luôn đau đáu hiện lên trong suy nghĩ, khiến ông phải trang trải vào các trang viết. Theo lời nhà văn, ông không viết gì ngoài cuộc đời của mình. Mỗi tác phẩm là sự ký thác những ký ức chiến đấu, ký ức của đồng đội.
“Những hy sinh trong chiến tranh không thể đo đếm được. Lính chiến chúng tôi có câu: ‘Còn sống là có lãi rồi’. Ít người sau này có cơ hội trở thành người viết văn để viết lại những ngày tháng đó. Bởi thế, những người như tôi cố gắng viết được càng nhiều càng tốt”, nhà văn thổ lộ.
Nhà văn Khuất Quang Thụy thừa nhận, mỗi lần viết xong một tác phẩm là một lần “rỗng người” vì “đã moi hết ruột gan”. Rồi sau đó các ký ức lại tràn về lấp đầy chỗ trống. Ông không quan tâm những gì mình viết ra có thể trở thành một tác phẩm để đời hay không, chỉ biết bản thân đã được giãi bày lòng mình, trang trải được tâm tư với các đồng đội.
Nhà văn tâm sự, hầu như ông luôn bắt đầu ý tưởng các tác phẩm từ những nhân vật có nguyên mẫu đời thường. Vì thế, mỗi lần các đồng đội đọc, lại có màn khen chê ôn lại nhiều kỷ niệm. Ông kể: “Có người chê thẳng với tôi rằng: “Mày viết còn tránh né nhỉ?”.
Nhưng cũng có anh em thấy bóng dáng của mình trong truyện, hỏi tôi có phải người đấy, thằng nọ không? Sao không lấy tên nó mà lại lấy tên lạ thế này?... Không sao, mọi người đọc cảm thấy nhiệt huyết, trung thực, gợi nên cảm giác thời chiến là đủ”.
Theo đánh giá của nhà văn Trung Trung Đỉnh thì Khuất Quang Thụy là “một trong ba cây bút lừng lẫy với ba tiểu thuyết lừng lẫy toàn quân, toàn quốc”. Cũng không quá phóng đại khi cả tuổi trẻ dành cho chiến trường, chỉ đến khi đầu đã hai màu tóc ông mới trở lại với cuộc sống đời thường.
“Có lần, các nhà văn cựu chiến binh Mỹ của Trung tâm William Joiner sang Việt Nam giao lưu, họ nói chuyện các cựu chiến binh Mỹ mắc nhiều căn bệnh tâm lý, đắm chìm trong những “hội chứng” chiến tranh.
Tôi cười và bảo, với người lính Việt thời ấy, những chấn thương tâm lý do chiến tranh cũng có nhưng sau ngày chiến thắng, họ lập tức phải đối mặt với những vấn đề xã hội cũng căng thẳng không kém.
Rồi gần như lập tức người lính lại khoác ba lô bước vào cuộc chiến khác để bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Kẻ thù cũ vừa đi, kẻ thù mới đã ngấp nghé, tâm sức đâu mà ngồi gặm nhấm các vết thương chiến tranh nữa. Với chúng tôi, hồi ức vẫn bền chặt, nhưng không nặng nề đến vậy”, nhà văn kể.
“Không ở đâu có trải nghiệm khốc liệt như ở chiến trường. Tôi có những trải nghiệm sống chết, cảm nhận được tình người, tình đồng đội, nhân dân. Điều đó để thử thách con người, nhận diện được bản thân, biết thế nào là sợ, thế nào là cận kề cái chết và niềm hạnh phúc tột độ khi mình còn sống”, nhà văn Khuất Quang Thụy nhấn mạnh.
Ở tuổi ngoài 70, Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn đang tiếp tục với cuốn tiểu thuyết tiếp theo của đời mình, vẫn thủy chung với đề tài chiến tranh.
Nhà văn Khuất Quang Thụy. |
Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950 tại huyện Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội). Năm 1967, ông nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) tại các mặt trận nổi tiếng ác liệt như: Quảng Trị, Tây Nguyên. Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Tốt nghiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lần lượt trải qua các chức vụ: Biên tập viên, Trưởng ban Văn xuôi rồi Phó Tổng biên tập và hiện là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ.
Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm ba tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “Không phải trò đùa” và năm 2004 với tiểu thuyết “Những bức tường lửa”...