Vinh dự trong cuộc đời của Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy (nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ) là có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Là nhân chứng của thời khắc lịch sử nên khi đã sống ở thời bình, ông vẫn viết về đồng đội, chiến tranh những mong mang đến bạn đọc “lát cắt” sinh động nhất về thời kỳ bom rơi, đạn nổ ác liệt của cả dân tộc.
Người xứ Đoài mến khách
Nhà văn Khuất Quang Thụy. |
Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy có các tác phẩm chính, như: “Trong cơn gió lốc” (tiểu thuyết, 1980); “Trước ngưỡng cửa bình minh” (tiểu thuyết, 1985); “Người ở bến Phù Vân” (tập truyện, 1985); “Không phải trò đùa” (tiểu thuyết, 1985); “Giữa ba ngôi Chúa” (tiểu thuyết, 1989); “Góc tăm tối cuối cùng” (tiểu thuyết, 1990)... Ông đã được nhận các giải thưởng, như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 cho cụm ba tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “Không phải trò đùa”; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 2004 với tiểu thuyết “Những bức tường lửa”...
Cách đây mấy năm, tôi đến trụ sở Báo Văn nghệ ở số 17 phố Trần Quốc Toản (Hà Nội) để gặp nhà văn Khuất Quang Thụy. Lần ấy, trong tôi ấn tượng mãi về người xứ Đoài mến khách, giản dị, chất phác. “Chất” lính trong ông hiện rõ trên từng cử chỉ, lời nói và nhất là ở tinh thần lạc quan, yêu đời.
Từ cái duyên đó, mỗi lần cần xin ý kiến hay cần trao đổi về vấn đề văn học thời chiến là tôi lại tìm đến ông. Là một nhà văn nổi tiếng nhưng ông không tỏ ra quan cách mà luôn gần gũi, giản dị, thân mật và kịp thời có những lời lẽ động viên “cánh” viết trẻ chúng tôi.
Nhà văn cũng có nhã ý mời tôi về thăm làng quê bên bờ sông Đáy của ông mà tôi chưa có dịp thực hiện. Ông bảo, ở nơi đó đã xây một ngôi nhà nhỏ, có vườn cây rộng rãi, thoáng mát và chỉ chờ khi nghỉ hưu là ông cùng người bạn đời của mình sẽ về vui thú tuổi già.
Trao đổi với một số văn nghệ sĩ ở khu vực Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, tôi được biết nhà văn Khuất Quang Thụy là người luôn giữ kết nối với các nhà văn quê nhà và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của văn học quê hương ông.
Đơn cử như Xứ Đoài thi quán của Thượng tá quân đội Nguyễn Mạnh Hùng (đặt tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) đã được nhà văn Khuất Quang Thụy dốc sức vun vén, lo từ việc đặt tên, thiết kế thư viện cho đến gửi sách của mình cũng như kết nối, lan tỏa để các nhà văn gửi sách về với địa chỉ văn chương ý nghĩa này.
Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Cha của ông là người biết chữ Nho nổi tiếng trong vùng.
Trong gia đình, ông cũng đã truyền lửa để người em trai của ông - Đại tá, nhà báo, nhà thơ Khuất Quang Thảo, Tổng Biên tập Báo Quốc phòng Thủ đô theo nghiệp của văn chương, viết lách.
Và không chỉ có vậy, con gái ông, nhà biên kịch Khuất Vân Huyền là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim, trong đó được biết đến hơn cả là phim “Cô gái đến từ Băng Cốc”. Đại gia đình của ông không chỉ gắn kết với nhau bằng tình yêu thương, tình máu mủ ruột già, mà còn bằng tình yêu văn chương cháy bỏng.
Trang văn ra đời từ cuộc chiến nhiều hy sinh
Trò chuyện cùng tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử, Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy bồi hồi nhớ về cuộc đời binh nghiệp của mình và phải nói rằng nếu không có chiến tranh, không vào chiến trường thì đã không có một Khuất Quang Thụy tài hoa hôm nay.
Ông sinh năm 1950 và khi 17 tuổi, ông nhập ngũ, bắt đầu hành trình đời lính; chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), lăn xả ở hầu hết các điểm nóng của cuộc chiến chống Mỹ. Từ chiến trường miền Nam, tới Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên đều in dấu chân ông ở tất cả cương vị từ cán bộ đến lính trinh sát.
Giữa năm 1971, sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ông cùng đồng đội hành quân vào Tây Nguyên. Đường giao thông chiến lược lúc này chưa thông, bộ đội phải hành quân mấy tháng ròng rã.
Một thời gian dài, ông cùng đồng đội phải ăn sắn qua ngày. Rồi căn bệnh sốt rét triền miên khiến nhiều đồng đội của ông không trụ được. Bản thân ông đã phải trải qua đợt sốt rét tới trọc đầu…
Chính cuộc sống đời lính nhiều vất vả, hy sinh đã thôi thúc ông cầm bút để ghi lại cuộc chiến một cách tỉ mỉ, sinh động nhất. Những trải nghiệm của cuộc chiến hình thành trong ông thói quen ghi chép tất cả vào sổ tay về một thời gian khổ, những con người, cảnh ngộ, số phận éo le.
Để rồi, những ghi chép ấy dần đi vào các trang viết. Từ chàng thanh niên cầm súng, Khuất Quang Thụy bắt đầu tranh thủ giờ nghỉ ngơi giữa các trận đánh để cầm bút làm thơ rồi viết văn. Những bài thơ, truyện ngắn, ghi chép của ông thời đó đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năng khiếu văn chương bộc phát rõ nét nên ông được các thủ trưởng cử đi dự Trại sáng tác của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1971, ông được điều về làm tờ tin của Sư đoàn và sau ngày hòa bình lập lại ông được cử đi học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Đại học Văn hóa Hà Nội).
Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn nhà văn tham gia mở trại sáng tác tại Tây Nguyên năm 1985. Ảnh: NVCC |
Thất lạc một tài liệu quý
Ký ức không bao giờ quên trong tâm trí nhà văn Khuất Quang Thụy là trận đánh ngày 29/4/1975. Sư đoàn của ông đánh vào căn cứ Đồng Dù để mở đường cho bộ đội tiến công vào Sài Gòn. Đó là trận đánh khốc liệt, đẫm máu. Hơn 100 chiến sĩ, đồng đội của ông đã ra đi mãi mãi. Họ không biết rằng, chỉ ngày mai thôi chiến thắng đã về.
Thậm chí, sau khi giải phóng miền Nam khoảng hơn 10 ngày, Khuất Quang Thụy cũng suýt bỏ mạng khi tiếp quản căn cứ Đồng Dù để dọn dẹp. “Anh em đi dọn căn cứ, đổ thùng rác ra phát hiện trong đó có chùm lựu đạn. Mấy anh em cảnh vệ hy sinh khi đi giúp tôi dọn phòng. Tôi cũng cách cái chết trong gang tấc…”, ông đau đớn nhớ lại.
Thời điểm trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhà văn Khuất Quang Thụy đã ở cửa sau Dinh Độc Lập. Ông đã cùng với mũi đột kích của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 vào tới Dinh Độc Lập và chứng kiến cảnh những người lính cắm lá cờ trận rất khiêm nhường của mình lên cổng sắt phía Tây Dinh Độc Lập (lối đối diện với Trường Lê Quý Đôn).
Cũng tại thời khắc lịch sử ấy, một đồng nghiệp ở TTXVN đã khẩn thiết đề nghị ông tường thuật cuộc hành quân từ hướng Đồng Dù (Củ Chi). Thế là ông về hậu Dinh, vào Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lấy luôn tập giấy tiêu đề còn nguyên mấy chữ “Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” ở đầu trang để viết bài lược thuật trận Đồng Dù.
Sau này, ông có nghe nói, bản tin của mình đã được phát trên sóng của TTXVN ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, tiếc rằng các đồng nghiệp ở TTXVN đã không giữ lại bản thảo ấy cho ông, nếu không đó đã là kỷ vật lịch sử vô cùng quý giá.
Tương lai của văn học chiến tranh vẫn còn
Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ 3 từ phải sang) và các nhà văn. Ảnh: NVCC |
Ngay khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến, nhà văn Khuất Quang Thụy đã viết cuốn tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” mà theo nhà văn Trung Trung Đỉnh thì ông là một trong “ba cây bút lừng lẫy với ba tiểu thuyết lừng lẫy toàn quân, toàn quốc.
Nó kịp thời đáp ứng với niềm hân hoan chiến thắng của mọi người, đó là: “Nắng đồng bằng” của Chu Lai, “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy và “Năm 1975, họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân...”.
Sau “Trong cơn gió lốc” là những “Không phải trò đùa”, “Đối chiến”..., những cuốn tiểu thuyết chân thực hơn, ít chất “tả trận”, giàu ngẫm ngợi hơn. Có lẽ, do độ lùi của thời gian khiến nhà văn Khuất Quang Thụy có thể chiêm nghiệm kỹ hơn, sâu hơn về cuộc chiến mà ông cùng đồng đội từng tham gia.
Luôn cảm thấy mình là người may mắn được trở về sau chiến trận trong khi biết bao đồng đội ngã xuống nên Khuất Quang Thụy đã quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với chủ đề chiến tranh như để tri ân những người đồng chí, đồng đội.
Đã có lần ông từng viết trong tác phẩm “Suy nghĩ về nghề” (“Sách Nhà văn Việt Nam hiện đại” - Hội Nhà văn xuất bản, 2007) rằng: “... Khi còn ở chiến trường, tôi chỉ viết vì một khát khao duy nhất, ghi được càng nhiều càng tốt những kỷ niệm, những con người, những cảnh ngộ, số phận éo le do sự khắc nghiệt của chiến tranh đưa đến.
Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, dù đã ở ngoài mặt trận, dù đã thấy được cái ác liệt và dù đã viết nhiều trang nhưng có lẽ vẫn chưa nói hết được... Cả đời chỉ loay hoay viết về cuộc chiến ấy, có lẽ là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm cầm súng như chúng tôi...”.
9 năm đời lính, chiến đấu trên chiến trường khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn “ám ảnh” với nhà văn Khuất Quang Thụy tới tận bây giờ. Theo ông, đề tài văn học chiến tranh sở dĩ bền bỉ và kéo dài tới tận bây giờ là vì nó tiếp tục phải giải đáp những câu hỏi về chiến tranh, về hòa bình, về thân phận con người, trong cái biến cố rất đặc biệt của đời sống.
Trả lời những câu hỏi về biến cố đó cần nhiều thời gian hơn. Bởi vậy, ông quả quyết: “Tương lai của văn học chiến tranh vẫn còn. Như vậy, chiến tranh với tư cách là đề tài vẫn còn, thậm chí không loại trừ còn xuất hiện những tác phẩm hay trong tương lai”.