Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu

GD&TĐ - Ai cũng thừa nhận, đây là một đề tài cực khó, nhưng những cuộc triển lãm mỹ thuật đề tài chiến tranh và người lính vẫn cứ thường xuyên được tổ chức, tác phẩm đề tài này vẫn tiếp tục được sáng tác dù chiến tranh đã qua 40 năm. 

Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu
Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 1Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 2Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 3Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 4Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 5Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 6Mỹ thuật đề tài chiến tranh, người lính: Phía sau những cuộc “ra quân” hùng hậu ảnh 7
Năm 2014 và 2015 có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước thì triển lãm mỹ thuật đề tài này lại càng rầm rộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn sau những cuộc ra quân hùng hậu này.

Có một câu lạc bộ mạnh nhất Hội mỹ thuật VN

Triển lãm mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa được tổ chức ở Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Sau triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT-CTCM tổ chức tháng 12-2014 thì đây được đánh giá là một cuộc ra quân hùng hậu cả về số lượng tác phẩm tham gia (treo kín 3 tầng nhà triển lãm) và cách tiếp cận nội dung cũng như phong cách thể hiện, trong đó có nhiều tranh khổ lớn, rất hoành tráng. 

Đây cũng là một triển lãm mà số tác phẩm được chọn đầu tư sáng tác nhiều nhất (14 tác phẩm) và có tới 17 tác phẩm được đưa vào bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật VN. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung nói: Tôi sững sờ thấy triển lãm có nhiều tranh hoành tráng về đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử được phản ánh ở đây.

Mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM giữ được phong độ như vậy, phải kể đến vai trò của Hội Mỹ thuật VN mà trực tiếp là CLB đề tài LLVT-CTCM. Đi vào hoạt động hơn hai chục năm, CLB mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM thu hút nhiều họa sĩ-nhà điêu khắc cả trong và ngoài quân đội. 

Con số thành viên CLB đến thời điểm này đã lên đến 210 người. Nhưng không phải chỉ thế, theo đánh giá của nhà phê bình Lê Quốc Bảo – người gắn bó với hoạt động CLB của Hội MTVN nhiều năm nay, thì đây còn là CLB năng động nhất. 

5 năm qua, CLB đã tổ chức 4 chuyến đi thực tế sáng tác tại Sơn La, Cà Mau, Trường Sa và Thanh Hóa; 4 trại sáng tác tại Tam Đảo, Nha Trang và Trung tâm Mỹ thuật đương đại. Về triển lãm, trung bình mỗi năm có 2 cuộc triển lãm mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM. 

Năm 2014 là một năm đặc biệt, đã có tới 3 cuộc triển lãm mỹ thuật về đề tài này. Đặc biệt, triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT-CTCM năm 2014 là một cuộc hội quân lớn của giới nghệ sĩ tạo hình cả nước với hơn 700 tác phẩm tham dự, được bình bầu là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm. 

Ngoài ra là các triển lãm chuyên đề biển đảo quê hương, triển lãm tranh cổ động…6 tháng đầu năm 2015, CLB đã phối hợp với gia đình cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu tổ chức trưng bày hơn 70 tác phẩm đề tài LLVT-CTCM. Và mới đây là triển lãm “40 năm mùa xuân đại thắng” với nhiều tác giả trẻ tham gia, đó là tín hiệu đáng mừng.

Hoa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của CLB mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM cũng như các nghệ sĩ tạo hình đã nỗ lực không ngừng tạo ra nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị. 

Xem Triển lãm “40 năm mùa xuân đại thắng” cho thấy xúc cảm của các họa sĩ vẫn vẹn nguyên dù đã 40 năm trôi qua. Tôi tin rằng đề tài này không bao giờ cũ, và còn có sức hút lâu dài.

Như họa sĩ Trịnh Bá Quát – Chủ nhiệm CLB mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM nhận định: Có thể nói, triển lãm về đề tài LLVT-CTCM mà CLB mỹ thuật đề tài này làm nòng cốt đã thực sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của đông đảo công chúng cũng như đòi hỏi của lịch sử. 

Điều đáng nói hơn, nó thức dậy những ký ức, kỷ niệm đẹp về một thời chiến tranh hào hùng, phát hiện được nhiều thế hệ tác giả tâm đắc và có triển vọng về đề tài lịch sử này.

Trăn trở cho một hướng đi

Tại buổi tọa đàm kết thúc triển lãm “40 năm mùa xuân đại thắng”, nhiều ý kiến tâm huyết của các họa sĩ cho thấy, đề tài lịch sử nói chung và LLVT-CTCM nói riêng vẫn là mối quan tâm lớn của họ. Mặc dù số lượng tác giả, tác phẩm về đề tài LLVT-CTCM vẫn luôn hùng hậu song các tác phẩm có chất lượng cao, tầm vóc lớn vẫn chưa nhiều.

Theo họa sĩ Trần Tử Thành, việc phát hiện tác giả, tác phẩm đề tài LLVT-CTCM là trách nhiệm của các nhà lý luận phê bình mỹ thuật, và cùng với họ là các phương tiện truyền thông. 

Việc tuyên truyền về tác giả, tác phẩm mỹ thuật nói chung và đề tài LLVT-CTCM nói riêng vẫn chỉ là thoảng qua, theo thời vụ, trong khi Hội mỹ thuật có đến 1.800 hội viên. Mỹ thuật là loại hình nghệ thuật khó cảm nhận thì việc tuyên truyền để tác giả tác phẩm tiếp cận đến người xem lại càng cần thiết. 

Cũng với tâm sự này, họa sĩ Dân Quốc đề nghị: Để các họa sĩ sáng tác đề tài LLVT-CTCM không chỉ “tự sướng” với nhau mỗi khi vẽ và triển lãm tác phẩm thì cần quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông. Mỗi triển lãm đề tài LLVT-CTCM cũng nên in vựng tập để cung cấp cho các thư viện của các quân binh chủng, coi đây như một kênh tuyên truyền trực tiếp hiệu quả.

Bên cạnh đó là đầu ra cho các tác phẩm. Các đơn vị quân đội, các bảo tàng quân binh chủng nên dành kinh phí để mua lưu trữ các tác phẩm liên quan, tránh tình trạng sắm bộ đồ gỗ tiếp khách mấy trăm triệu thì dễ nhưng mua mấy bức tranh vài chục triệu lại rất khó. 

Họa sĩ Trịnh Bá Quát chia sẻ: Nhiều năm qua, việc đánh giá, mua-lưu trữ các tác phẩm tiêu biểu chưa được các cấp các ngành trong và ngoài quân đội quan tâm đúng mức. 

Ở Việt Nam có hơn 100 bảo tàng các cấp, cần có các tác phẩm về đề tài LLVT-CTCM để lưu giữ, bảo quản và trưng bày giới thiệu. Có một thực tế là khi kết thúc các cuộc vận động, triển lãm mỹ thuật 5 năm đầy công phu nhưng các bảo tàng đều đứng ngoài cuộc, may thay chỉ có duy nhất Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hàng năm có mua tác phẩm, nhưng với giá tiền cũng chưa xứng với giá trị tác phẩm. 

Vì vậy, không thể động viên khuyến khích sự sáng tạo, đầu tư thời gian, công sức, kể cả tiền bạc cho tác phẩm có nội dung sâu sắc, tính nghệ thuật cao được.

Khuôn khổ một cuộc tọa đàm chắc chắn chưa thể nói hết những trăn trở của các họa sĩ tâm huyết với đề tài LLVT-CTCM. Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra cũng gợi mở nhiều điều đáng quan tâm.

Rất cần có những hội thảo với đối tượng tham luận rộng hơn, nội dung đề cập sâu hơn và hướng giải quyết khả thi hơn, để mỹ thuật nói chung và mỹ thuật đề tài LLVT-CTCM nói riêng được có vị trí xứng tầm như nó phải là vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.