Phải chăng, đề tài chiến tranh không còn hấp dẫn biên kịch thời nay?
Sống mãi với thời gian
Vở cải lương 'Vú cát' của Nhà hát Cải lương Việt Nam được dàn dựng từ kịch bản của tác giả Nguyễn Quang Vinh. Ảnh tư liệu. |
Điểm lại, trong mấy chục năm trở lại đây, sân khấu nước nhà vẫn có một số vở diễn về đề tài chiến tranh, người lính được công diễn như: “Lời thề thứ 9” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Biệt đội báo đen”, “Bão tố Trường Sơn” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Vú cát”, “Hà Nội gió mùa” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Điều còn lại” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Những người con Hà Nội”, “Vùng lạnh”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Lũy hoa” (Nhà hát Kịch Hà Nội); “Dưới cát là nước”, “Mưa đỏ”, “Những người lính trận” (Nhà hát Kịch nói Quân đội); vở kịch hát “Hoa lửa Truông Bồn” (Trung tâm Bảo tồn Di sản dân ca xứ Nghệ), “Bạch đàn liễu” (Sân khấu Lucteam), “Những người ở lại” (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), “Hoa cúc nhà trời” (Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội)…
Có thể thấy, ngoài một số tác phẩm được dàn dựng nhân dịp liên hoan hay lễ kỷ niệm, phần lớn được công diễn thường xuyên, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và sống mãi với thời gian.
Cũng bởi, chúng được các đạo diễn bậc thầy như NSND Xuân Huyền, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng…; các đạo diễn tài năng như NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Anh Tú, NSND Hoàng Dũng… dàn dựng từ những kịch bản hay, không thuận theo một chiều ngợi ca mà mang tính dự báo cao được các tác giả như Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, Chu Lai, Trương Minh Phương, Nguyễn Quang Vinh, Phạm Văn Quý, Nguyễn Đăng Chương, Nguyễn Thị Minh Thái... chắp bút bằng cả niềm say mê.
Trong đó, nổi bật nhất là vở kịch “Lời thề thứ 9” của tác giả Lưu Quang Vũ, kể câu chuyện gai góc về chính sách hậu phương đối với người lính đang trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Từ câu chuyện của ba anh lính trẻ: Đôn, Xuyên, Hiến xốc nổi quyết tâm đào ngũ để về hỏi tội chính quyền xã vì sao lại bắt giam bố Xuyên mà biết bao tình huống nảy sinh. Khi đó, khán giả được khóc cười trước những thói đời: Quan liêu và mang trái tim nguội lạnh như ông Hà (chủ tịch tỉnh); hách dịch, quan gian như Quách Văn Tuần (chủ tịch xã); cứng nhắc, hình thức như thủ trưởng đơn vị quân đội; nghĩa tình nhưng coi thường kỷ luật, vi phạm lời thề thứ 9 trong quân đội như Hiến, Xuyên, Đôn…
Vở kịch được khép lại bằng hình ảnh người mẹ ôm trọn những đứa con trung kiên nhưng dại khờ vào lòng để gieo cho khán giả không ít bâng khuâng, trăn trở: Liệu rằng, người lính có thể đặt niềm tin và yên tâm làm nhiệm vụ khi ở quê nhà người thân của họ bị quan tham, quan gian đối xử tệ bạc, oan sai; bị thờ ơ ghẻ lạnh?
Hay như vở kịch “Bão tố Trường Sơn” là lát cắt ám ảnh về thời hoa lửa của những người lính Trường Sơn năm xưa có khi căng tràn tinh thần chiến đấu trung kiên, anh dũng mà cũng có cả những vị đắng chát nảy sinh từ lòng ích kỷ, hãnh tiến, hám lợi danh âm thầm nảy nở ngay từ những con người đang cầm súng trực tiếp chiến đấu như Đại đội trưởng Vũ Bông.
Để bảo vệ bản thân, anh ta “trở mặt” khi hay tin người yêu là bác sĩ Diễm Lệ mang thai và phải chịu án kỷ luật nặng nề. Bắt đầu từ đó, bi kịch bủa vây những người lính Trường Sơn, không chỉ trong bom đạn mà ngay cả khi đã hòa bình.
Những lựa chọn được đặt ra cho mỗi người lính để đưa họ đến con đường riêng, có khi là ngược gió… Nhưng cuối cùng đều được hóa giải bởi lòng bao dung, tha thứ, hy sinh vô bờ bến của những người mẹ, người vợ năm xưa cũng là lính Trường Sơn vào sinh ra tử…
Còn ở vở cải lương “Hà Nội gió mùa” lại thổi vào lòng khán giả những hơi lạnh se thắt trước nỗi đau, sự hận thù của những đứa con trong gia đình trí thức ở Hà Nội. Đó là nỗi đau xuyên suốt từ chiến tranh đến hòa bình của hai anh em cùng cha khác mẹ - Hiếu và Phong - tưởng như chẳng thể hòa giải, nhất là khi mỗi người ở một bên chiến tuyến.
Và, câu chuyện này không dừng lại ở một gia đình, mà còn mang tính khái quát cao khi đề cập đến câu chuyện hòa hợp dân tộc. Đó cũng là lý do tác giả Nguyễn Thị Minh Thái quyết định phóng tác truyện ngắn “Nhiệt đới gió mùa” của nhà văn Lê Minh Khuê thành kịch bản “Hà Nội gió mùa” và được đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng cho Đoàn 2, Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn, gặt hái không ít thành công.
Vở kịch 'Trái tim người Hà Nội' được dàn dựng từ kịch bản của cây bút mới Phùng Nguyễn. Ảnh: Bình Thanh. |
Đừng để mãi là… 'tình thế'
Dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn “Tình mẹ” và Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt “Trái tim người Hà Nội”.
Cả hai vở diễn này đều được dàn dựng từ kịch bản khai thác đề tài chiến tranh và đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Tuy nhiên, kịch bản vở chèo “Tình mẹ” đã được tác giả Phạm Văn Quý viết cách đây khá lâu.
Còn với những vở diễn xuất sắc về đề tài chiến tranh được công diễn trong những năm qua phần lớn đều có “tuổi đời” kha khá với mấy mươi năm. Thậm chí có vở đã ngoài ngũ tuần như “Những người ở lại”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố” đều được các tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Trình viết từ những năm 70, 60, thậm chí là năm 50 của thế kỷ trước…
Còn vở “Lời thề thứ 9” được tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1986, cũng đã gần 40 năm. Vở “Bão tố Trường Sơn” được tác giả Trương Minh Phương viết đã lâu, năm 2017 đạo diễn, NSND Anh Tú biên tập lại và dàn dựng... Những kịch bản ấy đều được các đơn vị nghệ thuật phục dựng lại vì tình cảnh gặp khó trong quá trình tìm kiếm kịch bản về đề tài chiến tranh.
Tất nhiên, họ phải chọn những kịch bản chất lượng, mang thông điệp thời đại và mời các đạo diễn tài năng có cách kể chuyện hiện đại thì mới có thể tiếp tục sáng đèn trong nhiều năm qua, thậm chí còn tạo ra những đợt diễn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả và đủ sức cạnh tranh vị trí với những loại hình giải trí khác (như vở “Bão tố Trường Sơn”, “Lời thề thứ 9”… thường xuyên được Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ khai thác và các suất diễn luôn kín rạp).
Trên thực tế, kịch bản hoàn toàn mới về đề tài chiến tranh rất ít ỏi. Có thể tạm tính đến “Biệt đội báo đen”, “Dưới cát là nước”, “Vú cát”, “Hà Nội gió mùa”, “Điều còn lại”… là những kịch bản “trẻ” nhưng cũng đều được viết cách đây trên dưới 10 năm.
Có chăng “Mưa đỏ” và “Trái tim người Hà Nội” là mới được viết cách đây vài năm, trong đó “Mưa đỏ” do cây bút quen thuộc – nhà văn Chu Lai chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của ông. Chỉ có “Trái tim người Hà Nội” là được cây bút mới Phùng Nguyễn phóng tác từ tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh.
Một cảnh trong vở kịch 'Biệt đội báo đen' của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN. |
Vở diễn này được công diễn dịp Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022, tuy còn chút vụng về trong việc tổ chức, phát triển tình huống kịch, song vẫn đem đến cho khán giả không ít khoảnh lặng để cùng ngẫm suy về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc với bao mất mát, đau thương mà rất đỗi kiêu hãnh, tự hào.
Thực tế này đem lại không ít băn khoăn, nhất là, phải chăng đề tài chiến tranh không còn hấp dẫn biên kịch hôm nay? Không hẳn, vì hằng năm các hội văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương vẫn tổ chức các trại sáng tác và lượng kịch bản viết về đề tài này được nghiệm thu không ít.
Tuy nhiên, để có thể chọn được kịch bản chắc tay, có chiều sâu để dàn dựng thành vở diễn thì rất hiếm. Bởi thế, nguyên do cơ bản vẫn là ngày càng thiếu vắng những cây bút tài năng, dám xông vào đề tài gai góc này để khai thác, viết thành những kịch bản hay, chuyển tải những giá trị hữu ích cho khán giả hôm nay.
Hoặc cũng có khi có cây bút mạnh dạn bước vào khai thác, song còn nhiều non nớt, hoặc đưa ra những góc nhìn thời nay mang tính phản biện chứ không theo truyền thống sẽ dẫn đến sự lạ lẫm mà chưa được thế hệ đi trước quan tâm, khích lệ, đón nhận chỉ bảo tận tình nên dễ rơi vào trạng thái nản rồi bỏ cuộc...
Vì thế, một khoảng trống kịch bản hay, có điểm nhìn mới, đặt ra những vấn đề thời đại của chiến tranh ngày càng bị khoét rộng mà đến nay vẫn chưa thể có những biên kịch đủ sức bù lấp.
Trong khi đó, việc các đơn vị nghệ thuật hiện nay gắng gỏi bù lại bằng những bản diễn phục dựng từ kịch bản năm xưa chỉ là giải pháp tình thế, tức thời.
Thực tế, đơn vị nghệ thuật nào cũng “khát” kịch bản chắc tay về đề tài này, để từ đó dàn dựng thành những tác phẩm sân khấu đủ sức lay động trái tim khán giả, nâng cao thương hiệu của mình giữa lúc sàn diễn vẫn chưa thể đỏ đèn thường xuyên.
Thế nên, rất cần một cú hích cho những cây bút mới từ các chính sách bảo hộ, nâng đỡ thiết thực bằng cơ chế nhuận bút xứng đáng đến đào tạo bài bản. Nhất là cần lắm những “bà đỡ” mát tay (các đơn vị nghệ thuật, các nhà lý luận phê bình, giới truyền thông…) cho những đứa con tinh thần đầu tiên để biên kịch được an tâm sáng tạo, tự tin, bản lĩnh viết nên những kịch bản chân thực, sâu sắc về chiến tranh.
Mong rằng, từ đây sẽ có những tác phẩm sân khấu mới về đề tài chiến tranh và người lính cùng song hành với những vở diễn nổi tiếng của các tác giả thế hệ trước để cùng góp sức đem đến cho sân khấu nước nhà một đời sống thực sự sôi động…