Xã Tân Hóa (Minh Hoá – Quảng Bình) xưa nay được xem là “rốn lũ” bởi vùng đất thấp trũng, bốn bề là núi đá vôi dựng đứng. Vùng này có rất nhiều con sông, suối nên mỗi mùa mưa lũ lượng nước đổ dồn về nhanh nhưng thoát rất chậm dẫn đến cả vùng như một túi đựng nước khổng lồ.
Có những năm, 100% nóc nhà chìm sâu trong nước lũ, mỗi mùa lũ về trở thành nổi ám ảnh của người dân nơi đây. Cứ như vậy cuộc sống của người dân phó thác cho thiên nhiên.
Những năm mưa lũ nhỏ mọi người vẫn bình yên nhưng những năm lũ lớn cả làng nhiều lúc phải bỏ tài sản để chạy lũ trong đêm và chấp nhận sống cảnh màn trời chiếu đất…
Ông Ngô Thanh Đá, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Hoá tâm sự: Hàng năm, khi biển nước ở “rốn lũ” Tân Hoá bắt đầu rút dần là lúc hiện ra một “chiến trường” ngổn ngang bao bùn đất và rác rưởi do nước lũ dồn về.
Người dân Tân Hoá người chèo thuyền, kẻ lội bùn non trở về nhà sau những ngày lũ với hai dòng nước mắt mặn chát bởi bao nhiêu tài sản, lương thực tích góp bấy lâu trong phút chốc tan biến trong dòng nước lũ đục ngầu. Nhiều hộ dân không còn lương thực, thực phẩm do bị ngâm nước lũ nhiều ngày, đời sống sau lũ càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, phương án nhà nổi tránh lũ có thể giúp bà con Tân Hoá thoát cảnh cơ hàn mùa nước lũ. Những căn nhà tránh lũ đặc biệt này nổi trên mặt nước khi lũ lên đã cứu giúp bà con có chốn nương thân, bảo vệ lương thực và tài sản của mình.
Cho đến thời điểm này, xã Tân Hoá không có sự cố đáng tiếc về con người trong mỗi mùa mưa lũ mới.
Clip “rốn lũ” Tân Hoá trong những ngày mưa lũ: