Nhà tình báo vĩ đại Phạm Ngọc Thảo viết báo

GD&TĐ - Chúng ta đều biết Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một nhà tình báo vĩ đại, dù hoạt động đơn tuyến trong lòng chính quyền Sài Gòn, nhưng ông đã khuấy đảo chính quyền này và được mệnh danh là “chuyên gia đảo chính”...

Phạm Ngọc Thảo khi giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay).
Phạm Ngọc Thảo khi giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay).

Từ người thật lên thành ngôi sao điện ảnh

Ông chính là nguyên mẫu để nhà văn Trần Bạch Đằng xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết tình báo “Giữa biển giáo rừng gươm”, rồi sau đó chuyển thể thành kịch bản phim truyện dài tập nổi tiếng “Ván bài lật ngửa” vẫn được khán giả yêu mến suốt mấy chục năm nay.

Dù trong bộ phim dài tới 8 tập này, đoạn về hoạt động của nhân vật Nguyễn Thành Luân giai đoạn mới “về thành”, từ năm 1954 đến 1957, không được miêu tả nhiều, nhưng qua nhiều cuốn truyện tình báo khác, chúng ta được biết trong thời gian này, bên cạnh các công việc khác, Phạm Ngọc Thảo đã gia nhập làng báo, và ông dùng những bài viết để thể hiện tư duy quân sự sâu sắc của mình, nhằm xây dựng tên tuổi, giới thiệu năng lực với công chúng, với chính quyền Sài Gòn, để rồi bước thâm nhập chính quyền chế độ này.

Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 ở Cần Thơ. Tốt nghiệp Kỹ sư công chính ở Hà Nội, sau cách mạng tháng 8/1945, ông gia nhập quân đội Việt Minh đánh Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tiểu đoàn trưởng, Trưởng phòng Mật vụ Ban Quân sự Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève, ông nhận nhiệm vụ bí mật là ở lại Sài Gòn để hoạt động trong lòng địch.

Ban đầu, Phạm Ngọc Thảo dạy học ở Vĩnh Long, tại đây ông quan hệ thân thiết với Giám mục địa phận là Ngô Đình Thục, anh ruột Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm. Nhờ Giám mục Ngô Đình Thục giới thiệu với Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, Phạm Ngọc Thảo chuyển lên Sài Gòn, làm việc tại Sở Tài chánh Nam Việt và dần dần tham gia sâu vào đảng Cần Lao do Diệm – Nhu thành lập.

Phạm Ngọc Thảo (cầm micro) nói chuyện với nhân dân trong cuộc đảo chính khuấy động chính trường Sài Gòn.
Phạm Ngọc Thảo (cầm micro) nói chuyện với nhân dân trong cuộc đảo chính khuấy động chính trường Sài Gòn.

Tháng 1 năm 1957, ông cùng Giám đốc Viện Hối đoái Huỳnh Văn Lang, và ông Hoàng Minh Tuynh, một chuyên gia ngân hàng, sáng lập và xây dựng bán nguyệt san Bách Khoa. Với khả năng của các ông, Bách Khoa trở thành một tờ tạp chí uy tín và nó sống mãi đến cuối tháng 4 năm 1975, được độc giả trí thức đánh giá cao, dù hoàn toàn không nhận đồng tài trợ nào của chính quyền.

Phạm Ngọc Thảo tham gia viết bài đăng trên Bách Khoa ngay từ số đầu tiên. Ông đã dùng chính những trang viết của mình để thể hiện kiến thức quân sự sâu sắc, xây dựng thành công uy tín cho bản thân. Chỉ trong hơn một năm, ông đã viết 20 bài báo nói về các vấn đề chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo... Với kiến thức của một kỹ sư và kinh nghiệm thực tế 9 năm cầm quân đánh Pháp, các bài viết của ông luôn sâu sắc về lý luận nhưng lại rất thiết thực, hoàn toàn không chỉ lý thuyết suông. Từ đó, ông được anh em nhà Ngô tín nhiệm về mặt quân sự, và cuối năm 1957, ông được điều về làm việc tại Phòng Nghiên cứu chính trị của Phủ tổng thống, tức cơ quan mật vụ của nhà Ngô.

Từ đó, Phạm Ngọc Thảo trở thành sĩ quan trung cấp trong quân đội VNCH, lần lượt được cử làm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an các tỉnh Vĩnh Long, Bình Dương, sau đó là Thanh tra Khu trù mật. Công việc bận rộn nên ông không có thời giờ viết báo nữa.

Bìa tạp chí Bách Khoa số 1 với bài viết của Phạm Ngọc Thảo.
Bìa tạp chí Bách Khoa số 1 với bài viết của Phạm Ngọc Thảo.

Ngòi bút khéo léo

Chúng ta có thể đọc lại những bài báo của nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo để hiểu thêm về tài năng, về tư duy quân sự của ông, và tìm hiểu kỹ hơn về những ẩn ý sâu xa của ông muốn thể hiện sau con chữ.

Ở Tạp chí Bách Khoa số 1, Phạm Ngọc Thảo “trình làng” bằng bài viết “Thế nào là một quân đội mạnh”. Ngay ở phần đầu bài viết, ông đã dẫn dắt: “Người ta thường phân bản chất con người ra làm hai phần: Vật chất và tinh thần. Một số quần chúng cho rằng vật chất chi phối tất cả và là căn bản của tinh thần. Trong số này có nhóm Cộng sản”. Viết điều này trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, khi đang sống trong chế độ VNCH thù ghét cộng sản, Phạm Ngọc Thảo đã thể hiện rõ “thế đứng” và phong cách viết của mình: Khách quan, trung thực, không ngần ngại!

Từ đó ông phân tích sâu: “Áp dụng vào quân đội lý luận mộc mạc trên, ta có thể nói: Người lính gan dạ mà không có súng không làm được gì; người lính có súng tốt nhưng không gan dạ cũng không làm gì hơn”.

Sau khi phân tích yếu tố trang bị, kỹ thuật, tinh thần, cùng mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân, ông đi đến kết luận “Quân đội chẳng những phải có vũ khí tốt, còn phải có tinh thần chiến đấu cao. Ngoài ra phải được nhân dân coi nó là quân đội của dân, chiến đấu cho dân nên được dân thương, dân giúp đỡ và dân giáo dục”.

Đọc những dòng này, chúng ta có thể cảm nhận được rằng Phạm Ngọc Thảo muốn ngầm nhắc đến quân đội Việt Minh, một quân đội luôn xác định là “quân đội nhân dân”, “từ nhân dân mà ra” nên đã đánh đuổi thành công thực dân Pháp. Tuy nhiên, ông không viết thẳng ý ca ngợi Việt Minh nên các cơ quan kiểm duyệt, chính quyền Sài Gòn không thể bắt bẻ được.

Trên số 2 của Bách Khoa, Phạm Ngọc Thảo tiếp tục trình bày một quan điểm độc đáo của mình trong lĩnh vực quân sự với chủ đề “Đánh giặc mà không giết người”. Trong bài báo, ông đề cập đến một nhân vật quân nhân Việt Nam, xuất thân từ sinh viên mà thời thế biến thành người cầm quân, cái xuất xứ giống hệt bản thân ông. Người quân nhân này trong bài tranh luận với một quân nhân Nhật về cách đánh nào tốt hơn, cách giết nhiều đối phương hay giết ít, thiệt hại ít.

Ông đưa câu giải thích của người quân nhân Việt Nam: “Tôi đi đánh giặc để giải phóng cho nước tôi, chứ không phải để giết người. Địch có chết ít thì càng hay, miễn là tôi trừ được họ”. Tư duy nhân đạo và lý luận đánh giặc giải phóng này nghe cũng rất quen thuộc với những gì nói về quân đội Việt Minh mà độc giả có thể đoán ra. Cuối bài báo, ông kết luận: “Nếu đức Nhân chi phối lòng quân nhân, và do đức Nhân xây dựng đức Dũng, ta tin chắc người đó chẳng những sẽ thắng giặc, hăng hái chiến đấu, mà sẽ còn được lòng nhân dân, là một yếu tố rất quan trọng cho giá trị của một quân đội”.

Trên Bách Khoa số 3, Phạm Ngọc Thảo viết bài “Góp ý về thiên ‘Mưu công’ của Binh thư Tân Tử”, chủ đề gần giống với bài trên số 6 tựa đề “Thiên ‘Kế’ trong binh thư của Tôn Tử”. Còn ở số 4, ông viết bài “Một ý kiến về vấn đề lãnh đạo tinh thần một đơn vị quân đội”. Trong đó ông đưa ra thực trạng: Trong đơn vị chiến đấu, có những chỉ huy giỏi về lý thuật quân sự, nhưng không nắm được đơn vị vì không biết tinh thần của anh em binh sĩ. Qua bài viết, ông nêu ra rất nhiều dẫn chứng cụ thể về quan hệ giữa sĩ quan, binh sĩ, kinh nghiệm chiến đấu có liên quan rồi đưa ra kết luận “Chỉ khi giữa sĩ quan và binh sĩ không còn sự ngăn cách, trên dưới một lòng, thì quân đội mới hùng mạnh và sĩ quan mới có thể làm tròn nhiệm vụ”.

Số 5, ông viết bài “Vấn đề kinh tế tự túc trong quân đội”, trong đó, viết rõ kinh nghiệm về thời kháng chiến chống Pháp năm 1951 của mình, khi các đại đội trực tiếp khai hoang, canh tác để tự túc lương thực. Kết luận của ông “Vấn đề quân đội tham gia sản xuất không phải là một việc sợ mơ mộng. Nó là một việc đã thực hành và đã có thành công” cùng các dẫn chứng trước đó cho thấy Phạm Ngọc Thảo vẫn có thể viết ca ngợi quân đội Việt Minh trên mặt báo chí Sài Gòn. Bài viết của ông trên tờ Bách Khoa số 7 cũng tương tự, ông bàn về “Vấn đề học tập văn hóa trong quân đội”, trong đó đưa ra nhiều dẫn chứng về việc có những quân nhân chiến đấu tốt, nhưng quân đội không thể cất nhắc lên cao vì văn hóa thấp kém. Chúng ta cũng biết, vấn đề học tập văn hóa trong QĐNDVN luôn được chú trọng.

Mộ phần Đại tá, Anh hùng Phạm Ngọc Thảo trong Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.
Mộ phần Đại tá, Anh hùng Phạm Ngọc Thảo trong Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.

Bài “Vấn đề tập trung lực lượng trong quân đội”, của Phạm Ngọc Thảo được in trên Bách Khoa số 9 ra tháng 9/1957. Trong bài viết, ông phân tích về công cuộc các lực lượng kháng chiến Việt Nam chống lại chiến lược của Pháp từ năm 1951 đến 1954 để minh họa cho sự cần thiết của việc tập trung lực lượng, đặc biệt nhấn mạnh rằng để chiến thắng, không nhất thiết phải có lực lượng đông hơn quân đối phương, mà chỉ cần tập trung uy thế tại một địa điểm nào đó, trong một thời gian nào đó mà thôi. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà chắc chắn rằng các cấp chỉ huy của quân đội VNCH đang thèm muốn.

Phạm Ngọc Thảo tiếp tục vắng mặt trên tờ Bách Khoa số 10 và trở lại trên số 11 với bài viết “Vấn đề sử dụng người”, với đề tài mở rộng chung trong việc quản trị nhân sự chứ không giới hạn trong lĩnh vực quân sự như các bài viết trước của ông. Ông kết luận: “Ngày nay, dùng người đòi hỏi mình phải thương người, kính người, tin tưởng nơi người và hết tâm giúp đỡ người”.

Số 13, Phạm Ngọc Thảo có bài “Lực lượng quân sự địa phương và lực lượng quân sự cơ động”. Số 14, ông viết bài “Quân đội và nhân dân”, với kết luận “Người chiến binh cần nhớ căn bản sức mạnh của quân đội chính là nhân dân”.

Bài trên Bách Khoa số 15 của nhà tình báo có tiêu đề “Chiến tranh không mặt trận”, bàn về việc quân đội Anh đàn áp cuộc nổi loạn của dân chúng tại Oman để đưa ra ý kiến riêng mình: “Vũ lực dù tinh vi hay tàn nhẫn đến bực nào cũng không thể đàn áp và chiến thắng kẻ tranh đấu cho một lẽ phải”. Số 16 ra tháng 9/1957 “Quân đội đi bình định đem lại bình an hay oán hận”, bài viết đã sử dụng các dữ liệu và thuật ngữ của quân đội VNCH. Cuối bài báo, ông kết luận: “Người lính nào trong lòng thiếu tình thương, đi bình định chỉ gieo thêm mầm rối loạn và sẽ gặt lấy mối thù oán”.

Số 17, bài của Phạm Ngọc Thảo được xếp đầu tiên, tựa đề “Một ý kiến về quan niệm quân sự hiện đại”, trong đó ông khẳng định vũ khí không định đoạt tất cả mà phân tích các yếu tố mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân, vấn đề chính trị lãnh đạo chiến tranh hay vấn đề sử dụng quân đội để kiến thiết quốc gia. Ông kết luận: “Nếu tưởng rằng có vài yếu tố vũ khí mà có thể định đoạt mọi việc trên thế gian, thì thực ra kẻ đó đã coi rẻ con người quá và chắc chắn kẻ đó sai”. Thật bất ngờ, sau này kết cục cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vào Việt Nam cũng kết thúc đúng như dự đoán của Phạm Ngọc Thảo.

Trên số 21, Phạm Ngọc Thảo có bài “Một ý kiến để cho binh sĩ thêm gan dạ tại mặt trận” với những kinh nghiệm thực tiễn của người đã từng cầm súng trên chiến trường. Sau số báo này, cái tên Phạm Ngọc Thảo lùi ra khỏi các trang báo, nhường chỗ cho những người bạn văn chương, báo chí, các học giả như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Í, Võ Phiến, Vũ Hạnh… Nhà văn Nguyễn Hiến Lê kể rằng, chính phu nhân ông Phạm Ngọc Thảo, bà Phạm Thị Nhiệm, là người trực tiếp đến nhà, mời ông cộng tác với Bách Khoa và dẫn đến mối quan hệ cộng tác gắn bó giữa ông Lê và tòa báo suốt 18 năm liên tục.

Phạm Ngọc Thảo sau đó được thăng cấp Đại tá, được Ngô Đình Diệm bổ nhiệm là Tỉnh trưởng Kiến Hòa. Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 lật đổ nhà Ngô, Phạm Ngọc Thảo tiếp tục cùng các sĩ quan cao cấp của quân đội VNCH liên tiếp tổ chức các cuộc đảo chính làm điên đảo chế độ, cho đến khi bị chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu bắt và sát hại vào ngày 17/7/1965. Dù chính quyền Sài Gòn nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo, nhưng mãi đến sau ngày miền Nam giải phóng, khi ông được chính quyền nước ta công nhận là liệt sĩ và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, rất nhiều người quen biết, cộng tác gần gũi với ông lúc sinh thời cũng phải bất ngờ và cảm phục về một sĩ quan tình báo đã chui sâu, leo cao trong hàng ngũ đối phương để đơn phương thực hiện nghiệm vụ “chọc trời, khuấy nước”. Nhớ về ông, người ta không chỉ nhớ về một vị anh hùng quân đội, mà còn nhớ về một nhà lý luận quân sự sắc bén, một cây bút nổi danh trên Bách Khoa – tờ tạp chí trí thức và uy tín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.