Không biết chồng là nhà tình báo
Năm 1927 Rihard Zorge đến Moskva với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản và nhận lời mời hợp tác với cơ quan tình báo Liên Xô. Anh được bạn bè giới thiệu với Katya (tên thân mật của Ekaterina) để nhờ chị dạy tiếng Nga. Katya sinh năm 1904 ở thành phố Petrozavodsk (LB Nga) trong một gia đình công chức. Chị đọc rất nhiều, đã từng tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Leningrad và tham gia diễn kịch ở nhiều nhà hát khác nhau, nhưng sau đó chị bỏ nghề, và vào làm việc tại nhà máy “Dụng cụ mài” ở Moskva.
Rihard (thường được gọi là Ika) và Katya rất quý mến nhau. Ngoài những giờ học tiếng Nga, họ thường đi dạo trên những đường phố Moskva, đọc sách, nghe nhạc, nói chuyện chính trị. Năm tháng trôi qua, tình bạn của họ trở thành tình yêu, và họ hiểu rằng không thể sống thiếu nhau.
Đám cưới của họ được tổ chức đơn giản. Chỉ là một cuộc liên hoan nhỏ với bạn bè thân thiết sau khi đăng ký kết hôn. Một chai vang nhẹ, những cuộc đàm đạo về âm nhạc, sân khấu và thời cuộc. Đó là những năm tháng khó khăn, ở Đức bọn phát xít vừa mới lên cầm quyền.
Hạnh phúc gia đình của họ chỉ kéo dài vẻn vẹn ba tháng. Đã đến ngày Katya tiễn chồng lên đường. Anh phải sang Nhật Bản công tác. Tổ chức do anh thành lập đã hoạt động ở đấy được 9 năm. Anh hứa sẽ sớm trở về. Lúc chia tay, Rihard dịu dàng lấy hai tay ôm mặt vợ như để khắc sâu hình ảnh chị (vì anh không được mang theo ảnh). Mặc dù hứa là sớm trở về, nhưng phải mất hai năm sau Rihard mới có dịp nghỉ phép hai tuần. Sau đó họ lại chia tay nhau, và Katya nóng lòng chờ đợi những lá thư ngắn ngủi của chồng.
Katya không biết chị là vợ của một nhà tình báo, nhưng chị đoán rằng công việc của chồng rất phức tạp và quan trọng. Chị không một lời ca thán, mà chỉ biết chờ đợi, bình tĩnh và kiên nhẫn. Chị viết những lá thư động viên chồng an tâm công tác. Trong một lá thư, Katya thông báo rằng chị sắp có con. Được tin, không nói với ai,
Rihard phóng xe khắp thành phố Tokyo để mua sắm đồ chơi và quần áo trẻ sơ sinh. Rihard viết: “…Xin em hãy thường xuyên viết thư cho anh. Hôm nay anh sẽ đi mua đồ gửi về cho con, quả thật, anh không biết bao giờ thì đến tay em. Người ta nói rằng anh sắp nhận được thư em. Và thế là anh đã nhận được. Tất nhiên, anh rất và rất vui mừng.
Em có chuyển đến sống ở nhà bố mẹ em không? Hãy cho anh gửi lời chào tới bố mẹ. Mong rằng các cụ không giận anh vì đã bỏ lại em một mình.
Sau này anh sẽ cố gắng bù lại bằng tình yêu và sự dịu dàng đối với em.
Công việc của anh rất tốt, mọi người hài lòng về anh. Chúc em mạnh khỏe, nắm chặt tay em và hôn em. Ika của em”.
Trong một lá thư khác, anh trao đổi với vợ về việc đặt tên con: “Em còn nhớ thoả thuận của chúng ta về việc đặt tên con không? - Về phía anh, anh muốn thay đổi thỏa thuận này như sau: Nếu là con gái, nó phải mang tên em. Ít ra thì cũng phải là tên bắt đầu từ chữ “K”. Anh không muốn tên khác, thậm chí là tên em gái anh...
Hay ta đặt cho đứa con tương lai của chúng ta hai tên, một nhất định là tên em. Mong em hãy thực hiện nguyện vọng của anh, nếu như đó là con gái. Còn nếu là con trai thì em có thể trao đổi ý kiến với V.”
Mãi rất lâu sau đó Rihard mới biết được đứa con của họ không thành. Anh viết cho vợ một lá thư ngắn thay những lời an ủi: “Anh rất yêu em và chỉ nghĩ về em”. Rihard sống mạo hiểm từng giờ, từng phút, nhưng anh lo lắng cho vợ hơn cả bản thân mình. Cũng trong thời gian này, Rihard gửi về Trung tâm một thông tin cực kỳ quan trọng. Theo ý kiến của tham tán quân sự của Sứ quán Đức ở Nhật, Đức sẽ bắt đầu cuộc chiến tranh chống Nga khoảng 5 – 6 năm nữa, tức là khoảng năm 1941.
Katya làm việc hăng say, chị trở thành trợ lý quản đốc, rồi quản đốc phân xưởng. Chị vẫn đọc sách nhiều, vui vẻ, yêu đời.
Tháng Giêng năm 1937, Rihard viết: “K. thương yêu! Thế là Năm mới đã đến. Chúc em mọi điều tốt lành nhất trong năm nay và hy vọng đây sẽ làm năm cuối cùng chúng ta phải sống trong xa cách…”.
Và đây là lá thư hồi âm của Katya: “Cảm ơn anh, Ika thân yêu, về bức thư mà em vừa nhận được. Cảm ơn lời chúc mừng Năm mới tốt đẹp của anh. Em cũng hy vọng đây là năm cuối cùng chúng ta phải xa nhau”.
Họ không biết rằng sẽ không bao giờ được gặp lại nhau nữa.
Tình yêu và sự chờ đợi
Năm 1938, một người bạn và là chiến hữu của Rihard, Max Clausen, nhớ lại rằng Rihard bị tai nạn xe máy và phải vào bệnh viện, máu chảy rất nhiều, nhưng anh vẫn bình tĩnh, sáng suốt. Trước tiên, anh đề nghị gọi Max đến lấy các tài liệu có thể bị nghi vấn, rồi sau đó mới chìm vào hôn mê. Sau khi khỏi bệnh, Rihard viết một lá thư cho vợ, đồng thời chuyển về Trung tâm cuộn phim chụp những bản báo cáo của Trưởng phòng Kinh tế thuộc Bộ tổng Tham mưu của tướng Đức Thomas.
Rihard viết: “Katya thân yêu! Đôi khi anh rất lo lắng về em. Không phải vì sợ có điều gì đấy xảy ra với em, mà là vì em phải sống một mình và quá xa xôi. Anh thường xuyên tự hỏi mình: Em có đáng phải chịu đựng điều đó không? Liệu em có hạnh phúc hơn, nếu không gặp anh?”.
Cũng trong năm này, Katya viết cho chồng một lá thư bộc lộ tâm trạng mệt mỏi vì chờ đợi và sự vô vọng của mình.
Cuối tháng 5 năm 1941, Rihard gửi một thông báo về Trung tâm: “Chiến tranh sẽ bắt đầu vào ngày 22/6/1941”. Vài ngày sau anh lại viết tiếp: “Tôi xin nhắc lại: 9 tập đoàn quân trong số 150 tiểu đoàn của Đức sẽ tấn công vào biên giới Liên Xô ngày 22 tháng 6”. Nhưng người ta không tin anh, cũng như không tin những tin tức của các nhà tình báo khác.
Vụ án mơ hồ và cái chết oan nghiệt
Ngày 18/10/1941, Rihard bị cảnh sát Nhật bắt. Không có gì ngạc nhiên là anh bị theo dõi khắp nơi, thậm chí cả ở nhà. Thông tin cuối cùng của Rihard gửi đi nói về việc nước Nhật không tham chiến. Nó giúp Liên Xô cắt một phần lực lượng từ phía Đông để chuyển tới ngoại ô Moskva.
Trong khi đó, ngày 4 tháng 9 năm 1942, Ekaterina Maksimova bị bắt ở Moskva vì “hoạt động gián điệp”. Một người bạn gái của chị tình cờ có mặt lúc đó kể lại rằng khi khám nhà chị, người ta chỉ tìm thấy một tấm bản đồ Moskva, một dây chuyền và một cuốn sổ thơ. Chị bị giam 9 tháng tại nhà tù ở Lubyanka, Moskva, chỉ được ăn bánh mỳ và uống nước. Ngày 13 tháng 3 năm 1943, Hội nghị đặc biệt của Dân ủy Nội vụ Liên Xô đã quyết định đày chị tới vùng Krasnoyarsk ở Sibir vì “có những mối liên hệ đáng nghi vấn”. Tại đây, ngày 3 tháng 6 năm 1943, chị qua đời tại Bệnh viện quận
Bolshemutinsky. Nguyên nhân cái chết của chị là: Xuất huyết não dẫn tới tê liệt trung tâm hô hấp. Luybov Kozhemyakina, một cựu nữ y tá khẳng định: “Katya Maksimova rất đẹp. Và khi chị bị ốm, chúng tôi rất thương chị, cố gắng điều trị cho chị. Nhưng không có những thứ thuốc cần thiết. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ ai dám giúp đỡ một tù nhân? Chị ấy mất ngay trước mặt tôi…”. 18 ngày sau khi Rihard Zorge được truy tặng Anh hùng Liên Xô, ngày 14 tháng 10 năm 1964, toà án quân sự Moskva đã xem xét lại vụ án Maksimova và kết luận rằng không có bằng chứng gì buộc tội chị. Ekaterina Maksimova được phục hồi danh dự.
Ngày 7 tháng 11 năm 1944, tại Tokyo, vào lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương, đội áp tải dẫn vào sân nhà tù Sugamo một người đàn ông cao lớn, đẹp trai, với mái tóc thẫm màu. Anh bước đi bình tĩnh, mặc dù chân hơi khập khiễng. Đó là Rihard Zorge đang bước tới bục hành hình. Vào lúc 10 giờ 20 phút trái tim anh ngừng đạp. Tới tận giây phút cuối của đời mình, Rihard Zorge vẫn không biết rằng vợ anh bị bắt và đã qua đời ở tuổi 38. Năm 1956 trên mộ của Rihard người ta dựng một tấm bia với những dòng chữ bằng tiếng Nhật: “Nơi đây yên nghỉ người anh hùng đã hiến trọn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh vì hòa bình trên thế giới”. Sau đó người ta dựng thêm bên cạnh một tấm bia khác được viết bằng tiếng Nga: “Anh hùng Liên Xô: Rihard Zorge”.