Về nơi nông dân mê làm thơ, viết báo

GD&TĐ - Đến Lâm Hà (Lâm Đồng), ấn tượng sâu sắc và thú vị nhất đối với tôi là hình ảnh những nông dân ban ngày cần mẫn với ruộng nương, đêm về lại miệt mài viết báo, làm thơ. Nhiều người cần mẫn với chữ nghĩa và trở thành cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo. Có người còn tạo dựng được tên tuổi và giành nhiều giải thưởng uy tín về báo chí, thơ ca.

Ngoài làm rẫy, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã còn siêng năng viết báo, làm thơ
Ngoài làm rẫy, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã còn siêng năng viết báo, làm thơ

Để cất lên tiếng lòng

Bây giờ thì những cái tên ở Lâm Hà như Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn Hiếu, Vũ Bá Chữ… không còn xa lạ với nhiều tờ báo và bạn đọc cả nước. Những tản văn, phóng sự, thơ ca của họ mang đậm hơi thở của khát vọng về những điều tươi mới, đẹp đẽ trong cuộc sống, lao động và sản xuất. Với họ, viết báo và sáng tạo văn chương là cách để cất lên tiếng lòng, vơi đi nhọc nhằn và còn phản ánh được những giá trị cần lưu giữ của vùng đất mình đang sống, nơi mình từng qua.

Bao lần ngồi với nhau, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã vẫn ghim vào ý nghĩ của tôi những bất ngờ lẫn thán phục. Dù là bài thơ ngắn hay bài báo dài, Nguyễn Thánh Ngã cũng trau chuốt từng câu, từng chữ mà vẫn chuyển tải được những điều mình cần nói. Tinh thần trăn trở với sáng tạo luôn thường trực trong anh. Nhiều nhà báo ở Nam Tây Nguyên bảo với tôi rằng, vừa lao động trên rẫy nương, vừa dắt theo cuốn sổ ghi chép ở lưng để có thể ghi chép, sáng tạo bất cứ khi nào cảm xúc đến.

Chính tinh thần lao động đó đã giúp Nguyễn Thánh Ngã làm nên những bài báo, tản văn xúc động lòng người như: Đổi gió, Tháng Giêng Đà Lạt mưa phùn, Dùng dằng sông Hương… Những lời văn như: “Trên đường phố đã phả heo may. Đôi mắt em long lanh hơn, má em ửng đỏ. Và chút lạnh sững sờ hôn lên môi mọng. Có thể mọng quá sẽ nứt nẻ, nên hoa mai chúm chím cười. Và bờ vai gầy thả xuống chiếc khăn len hờ hững. Chạnh nhớ đôi vai miền Trung lũ chồng lũ chất, gánh mọi sức nặng cho quang thúng phù sa đựng hai vựa lúa: Vựa lúa Đồng bằng Bắc bộ và vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Thương thay chiếc đòn gánh nhỏ hẹp, mẹ lặn lội bươn chải mà thành gạo thành cơm nuôi con người khôn lớn. Mới biết cái lớn khôn của chúng ta đã được mẹ cha trả giá bằng mồ hôi nước mắt...” của Nguyễn Thánh Ngã thực sự đã chạm vào trái tim người đọc, những con chữ đạt độ điêu luyện, chuyên nghiệp. Không ngừng lao động với chữ nghĩa, Nguyễn Thánh Ngã cũng đã xuất bản gần chục tập sách, đạt được nhiều giải thưởng danh giá về thơ ca như Giải thưởng thơ về Hà Nội, Giải thơ Haiku…

Nhà thơ Lê Văn Hiếu tìm sáng tạo sau những ngày nhọc nhằn với nương rẫy
 Nhà thơ Lê Văn Hiếu tìm sáng tạo sau những ngày nhọc nhằn với nương rẫy

Cũng như Nguyễn Thánh Ngã, sau bao nhọc nhằn lo toan cuộc sống, Lê Văn Hiếu cũng dốc tâm tư, xúc cảm, khát vọng vào những con chữ. Hơn 20 năm vừa làm nông dân vừa viết lách, đến nay Lê Văn Hiếu đã in nhiều tập sách riêng. Nhiều bài thơ của Lê Văn Hiếu ám ảnh người đọc như: Lay động, Ở trọ, Anh nguyện làm lá mục để em vươn, Trưa ở đồi gió hú, Với rác nhà mình… Hầu hết các tác phẩm sáng tạo của Lê Văn Hiếu đều được các tờ báo uy tín đón nhận.

Từ nhiều năm trước đến nay, đều đặn hằng tuần, Vũ Bá Chữ đều viết một bài báo về các mô hình kinh tế, cách làm rẫy cà phê trên vùng đất Lâm Hà. Ông bảo, viết báo nó cũng giúp khỏe người ra vì cứ mỗi lần nhận được báo biếu, dù là đăng dòng tin hay bài viết phản ánh mấy trăm chữ thì cũng tràn ngập niềm vui. Tinh thần vui thì nhọc nhằn cũng được xóa bớt. Có hôm trời mưa bão lầy lội, biết trong nhiều buôn của huyện Lâm Hà người dân bị tốc mái nhà, thế là mình đến ghi chép ngay để gửi cho các báo kịp thời phản ánh. Nói lên được nỗi khổ, sự thiếu thốn của người nghèo để cộng đồng sẻ chia hay chuyển đi mô hình làm ăn tốt đến nhiều người đọc cũng là cách tạo hạnh phúc cho mình. Niềm vui từ viết báo, làm thơ còn góp phần làm cho tinh thần lao động trên rẫy cà phê, trên ruộng hoa được hăng say hơn.

Gìn giữ những nét đẹp

Viết báo, làm thơ với những người cần mẫn trên ruộng đồng ở Lâm Hà còn là cách để giữ gìn những điều cao đẹp. Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã tâm sự: Có nhiều hình ảnh, nhiều tấm gương rất đẹp quanh cuộc sống của chúng ta. Thế nên mình phải thúc giục chính mình ghi chép lại. Không sáng tạo được thành thơ thì ghi thành bài văn, bài báo. Mà để được các tờ báo sử dụng ngay tác phẩm của mình thì phải viết cẩn thận, viết có hồn. Ví dụ như nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tận tụy ở các buôn làng nghèo của Tây Nguyên, nếu không kịp viết về họ để khích lệ thì thấy trong lòng mình cũng bồn chồn không yên.

Tinh thần yêu lao động, sáng tạo luôn song hành nên ở Lâm Hà, hằng năm diễn ra hàng chục lễ hội văn hóa-thơ ca như: Ngày hội mở đất, Bừng sáng văn hóa Thăng Long… Cứ vài năm một lần, người Lâm Hà lại xuất bản một tuyển tập văn hóa, thơ ca, báo chí như: Lâm Hà nỗi nhớ, Những người đi mở đất, Thủ đô giữa cao nguyên…

Cần mẫn lao động, cả vùng Lâm Hà đã no ấm, trù phú
 Cần mẫn lao động, cả vùng Lâm Hà đã no ấm, trù phú

Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Huy Long (Trường ĐH Tây Nguyên) khẳng định: “Chính sự sống động này sẽ giúp không gian văn hóa, thơ ca ở Nam Tây Nguyên giàu có hơn, giá trị hơn, lâu bền và sâu lắng hơn trước sự ồn ào nhanh vội của quá trình đô thị hóa. Người dân ở Lâm Hà không chỉ viết báo, làm thơ theo thói quen hay sở thích bộc phát, mà họ còn có ý thức rèn giũa ngay từ đầu. Thói quen tốt này còn góp phần giáo dục và truyền thụ tinh thần ham mê đọc sách, đọc báo cho các thế hệ con cháu họ”.

Ông Vũ Bá Chữ và nhiều nông dân mê viết báo ở Lâm Hà tự tin rằng hiếm có nơi nào mà nông dân lại mang trên mình nhiều đam mê chữ nghĩa như Lâm Hà. Dù tất bật làm kinh tế nhưng ai cũng có ý thức giữ những nét đẹp văn hóa như một phần của cuộc sống. Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Chữ kéo chúng tôi về nhà bắt thức thâu đêm để nghe ông kể chuyện nông dân làm thơ và làm văn hóa tuyên truyền. Trước bất kể vấn đề xấu nào, ông đều ví von thành thơ và đi tuyên truyền khắp xã, từ đó tệ nạn giảm hẳn. Từ bài thơ đầu tiên viết về nỗi nhọc nhằn của cô đỡ thôn bản, đến nay Vũ Bá Chữ đã có hàng ngàn tác phẩm viết lưu giữ trong tủ sách cá nhân của mình.

Nông dân - nhà thơ Kiều Công Luận kể rằng: “Khó khăn ban đầu thì khỏi phải nói. Nhưng nay cuộc sống đã ổn định. Gia đình ai cũng khấm khá rồi. Đặc trưng ở đây là người dân mặn nồng với văn hóa, thơ ca, báo chí. Lâm Hà có hàng trăm nông dân làm thơ và nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, đó cũng là niềm tự hào của vùng đất này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.