Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu: Viết “Bão ngầm” bởi nhớ nghề… hình sự

GD&TĐ - “Nếu như tiểu thuyết “Bão ngầm” tôi viết gọn gàng trong khoảng 1 tháng thì kịch bản phim “Bão ngầm” tôi phải “trốn ngủ” 2 năm. Cả hai tác phẩm đầu tay này đều được tôi viết trong nỗi nhớ nghề chưa bao giờ nguôi ngoai…”, Trung tá - nhà văn Đào Trung Hiếu bộc bạch trước ngày bộ phim truyền hình “Bão ngầm” được bấm máy.

Trung tá - Nhà văn Đào Trung Hiếu trò chuyện tại lễ ra mắt đoàn làm phim “Bão ngầm”. Ảnh: Bình Thanh.
Trung tá - Nhà văn Đào Trung Hiếu trò chuyện tại lễ ra mắt đoàn làm phim “Bão ngầm”. Ảnh: Bình Thanh.

Ký ức của gần 20 năm làm cảnh sát hình sự

- Đó có phải là nỗi nhớ nghề hình sự mà anh đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình?

Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu: Tôi đã gần 20 năm làm nghề điều tra hình sự, công tác tại Công an tỉnh Yên Bái, sau đó là Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội (số 7 Thiền Quang).

Tôi từng trải qua các vị trí, công việc khác nhau, như trinh sát phòng chống tội phạm ma túy, điều tra viên đội điều tra trọng án, Phó Đội trưởng Đội Phòng - chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

20 năm ấy là 20 năm của tuổi trẻ, của nhiệt huyết, của tình yêu trong sáng với nghề. Vậy nên, dù có đến công tác ở bất cứ môi trường nào thì ký ức về 20 năm ấy sẽ chẳng bao giờ phai lạt trong tôi.

Và, dù đã chuyển sang nghề văn chương, báo chí được vài năm, nhưng sâu thẳm trong tôi vẫn đau đáu nỗi nhớ nghề. Không nhớ sao được những tháng năm cùng đồng chí, đồng đội nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử…

- Thế nên, anh đã giãi bày nỗi nhớ nghề ấy qua những trang văn như tiểu thuyết “Bão ngầm”?

Nhớ nghề xưa, tôi vẫn làm những việc có liên quan, như cộng tác làm giảng viên thỉnh giảng của Đại học Kiểm sát Hà Nội, là huấn luyện viên võ, tham gia giảng dạy và viết sách tư vấn các lớp kỹ năng phòng chống và ứng phó tội phạm…

Nhưng, hơn tất cả, những trang văn mới thực sự giúp tôi được thỏa sức giãi bày những ký ức một thời hoa lửa, để thỏa nỗi nhớ nghề quay quắt… Thế nên tôi đã viết không ngừng.

Trước tiểu thuyết “Bão ngầm” (2015), tôi đã viết sách “Chuyện ngoài hồ sơ” (2012), “Tiếng súng lạc bầy” (2014); sau đó là “Phía sau vụ án” (2017) và “Tội phạm - đọc vị và ứng phó” (2019).

Với tiểu thuyết Bão ngầm, tôi viết chỉ trong khoảng 1 tháng là xong. Thực ra, chuyện này không có gì khó lý giải khi tất cả những gì được viết trong “Bão ngầm” đã có sẵn trong từng ngăn ký ức của gần 20 năm làm cảnh sát hình sự. Những dòng ký ức ấy luôn ngồn ngộn, chỉ đợi có dịp được tuôn trào.

Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu: Viết “Bão ngầm” bởi nhớ nghề… hình sự ảnh 1
  • Nhớ nghề hình sự Trung tá - Nhà văn Đào Trung Hiếu trải lòng mình vào những trang văn.

Để khán giả không phải “xem phim hình như là sự”

- Tiểu thuyết “Bão ngầm” được anh chuyển sang series phim cảnh sát hình sự cùng tên vẫn tiếp tục là sự hối thúc của những ký ức, những nỗi nhớ ấy?

Không chỉ nỗi nhớ và ký ức mà còn là cả những ân tình đồng đội, kết hợp với chất liệu có được từ những trận đánh đã qua của chúng tôi mang chất anh hùng ca, sử thi, đã tiếp tục hối thúc tôi mạnh dạn chuyển thể 270 trang tiểu thuyết “Bão ngầm” sang 2.250 trang kịch bản phim - sau hai năm “trốn ngủ” (mỗi đêm chỉ ngủ chừng 1- 2 giờ).

Bên cạnh đó, “Bão ngầm” được giải A của cuộc thi tiểu thuyết và được độc giả đón nhận đã tiếp thêm cho tôi sự tự tin trong suy nghĩ: Đề tài trinh thám nếu được chuyển thành phim sẽ càng hấp dẫn, ăn khách.

Ngoài ra, có một nguyên do nữa đã khiến tôi ấp ủ ý định cầm bút. Đấy là lần tôi cùng anh em trong phòng cảnh sát hình sự trực tối để chuẩn bị đi đánh án. Trước giờ xuất quân, chúng tôi xem tập phim cảnh sát hình sự trên truyền hình.

Hết phim, một đồng nghiệp nói lớn: “Chúng ta vừa xem xong phim cảnh sát hình như là… sự!”. Câu nói ấy của đồng nghiệp đã khiến tôi trăn trở rồi ấp ủ ý định sẽ có một ngày viết tiểu thuyết, làm phim về nghề của mình để có thể kể đúng nhất những gì đã xảy ra trong thế giới ấy, trong nội tâm người trinh sát khi đối diện với thử thách sống chết ở nơi hang hùm, miệng rắn.

Tôi muốn khán giả được hiểu đúng về cảnh sát hình sự chứ không phải “hình như là… sự” nữa. Thật vui, sau gần 10 năm tôi đã biến điều ấp ủ đó thành hiện thực.

- Anh kỳ vọng gì khi gửi gắm đứa con tinh thần đầu tay của mình cho nhà sản xuất Hãng phim Phương Sáng, đạo diễn Đinh Thái Thụy?

Ngay khi hoàn thành kịch bản phim “Bão ngầm” tôi đã lựa chọn ngay Hãng phim Phương Sáng để gửi gắm. Cũng vì tôi biết Phương Sáng là đơn vị sản xuất phim truyền hình uy tín và anh Đoàn Nam Phương - Giám đốc Hãng phim là người giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề.

Còn về đạo diễn, ban đầu chúng tôi có ý định gửi gắm “Bão ngầm” cho một đạo diễn chuyên về phim truyền hình nhưng không được chủ đầu tư duyệt, vì ông mong muốn “Bão ngầm” không chỉ dừng lại ở những khuôn hình của phim truyền hình, mà phải có chất lượng nghệ thuật như phim điện ảnh.

Với yêu cầu này, chúng tôi lựa chọn đạo diễn Đinh Thái Thụy. Đạo diễn này đã rất thích thú kịch bản “Bão ngầm” và có nhiều góp ý rất xác đáng. Chẳng hạn như bạn ấy đã chỉ ra kịch bản của tôi “hơi mất cân bằng giới tính” vì các tuyến nhân vật gần như toàn… đàn ông.

Thực ra, tôi chưa một ngày nào học viết văn hay biên kịch mà tất cả đều viết theo bản năng. Mà trong trải nghiệm tác chiến, trong sâu thẳm vô thức của tôi thì công an và thế giới tội phạm đa số là đàn ông (cười). Lúc viết, tôi cũng đã rất cố gắng đưa một vài nhân vật nữ nhưng mờ nhạt, chưa thuyết phục.

Được Đinh Thái Thụy góp ý, tôi đã dành gần 1 tháng, để chỉnh sửa kịch bản sao cho cân bằng về giới (thêm tuyến nữ với những câu chuyện gần gũi, mang chiều sâu tâm lý) và “giấu mối” (giấu ý đồ câu chuyện) cho đến tận tập cuối cùng của phim.

- Tại lễ ra mắt đoàn làm phim vừa qua, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên… đều bày tỏ rất xúc động khi lần đầu tiên được thăng hoa cùng nghệ thuật mà không phải nghĩ đến… tài chính. Ông có thể tiết lộ đôi điều về “bà đỡ” rất hào phóng của phim Bão ngầm”?

Người bạn tốt của tôi - doanh nhân Trịnh Minh Phúc ở tỉnh Bình Dương là một người hào sảng, có tâm và có tầm. Bao năm qua, anh đã không tiếc công, tiếc của khi tài trợ hàng chục tỉ đồng cho các hoạt động văn hóa tại nhiều địa phương - điều hiếm thấy ở các doanh nhân, vì nó không mang lại giá trị gia tăng nào cho sản nghiệp của nhà tài trợ.

Chất anh hai Nam Bộ hào phóng, hiệp nghĩa rất đậm đặc trong con người anh. Khi biết tôi “trốn ngủ” gần 2 năm để viết kịch bản “Bão ngầm”, thấu hiểu tâm huyết của tôi, anh đã quyết định đầu tư số tiền lớn để sản xuất bộ phim này, với yêu cầu đây phải là phim truyền hình về đề tài hình sự chưa từng có tại Việt Nam, phải có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao nhất.

Nói là làm, anh đã đầu tư để Hãng phim Phương Sáng sắm máy quay 4K dùng cho phim chiếu rạp. Anh vẫn luôn nói với chúng tôi và tất cả mọi người, anh không quan tâm đến lời lãi từ việc làm bộ phim này.

Lý do duy nhất là anh muốn giúp tôi thỏa mãn đam mê và cũng là anh thỏa mãn tình yêu với nghệ thuật thứ Bảy. Tham vọng là vậy và chúng tôi đang một lòng quyết tâm đưa điều ấy thành hiện thực.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ phim cảnh sát hình sự “Bão ngầm” dự kiến công chiếu vào đầu năm 2020, sẽ không chỉ phản ánh cuộc đấu tranh khốc liệt, đầy gay cấn, mưu lược của lực lượng công an đối với bọn tội phạm, mà còn đề cập đến một cuộc chiến khác trong nội bộ và trong đáy sâu nội tâm người lính. Phim có sự tham gia của các nghệ sĩ: Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà, Thanh Bi, NSND Trần Nhượng, NSND Minh Châu, NSƯT Nguyễn Hải, Trọng Hải…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ