Nỗ lực vượt bậc trong quá trình nghiên cứu
Tư liệu đa dạng, được nghiên cứu tại 7 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ cùng với tính ứng dụng cao, đề tài “Những biến đổi trong đời sống Văn hóa của Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay” đã giúp Đại đức Danh Út bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Đại diện Trường Đại học Trà Vinh cho biết, Đại đức Danh Út vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường, ngành Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ. Luận án nghiên cứu về “Những biến đổi trong đời sống Văn hóa của Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay”.
Đại đức Danh Út, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Rạch Giá (Kiên Giang), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước TP Rạch Giá, Trụ trì chùa Thôn Dôn (Kiên Giang).
Luận án Tiến sĩ của Đại đức Danh Út thuộc ngành Văn hoá học, chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ, nghiên cứu về “Những biến đổi trong đời sống Văn hoá của Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay” do PGS.TS Trần Hồng Liên hướng dẫn.
Hội đồng đánh giá luận án của Đại đức Danh Út có PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Trà Vinh là Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án; các chuyên gia phản biện gồm PGS.TS Lâm Nhân, TS Phan Anh Tú, TS Mai Mỹ Duyên cùng các thành viên hội đồng.
Luận án được đánh giá là có kết cấu gồm 4 chương chặt chẽ, luận chứng khoa học rõ ràng, có giá trị trong đời sống của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer, ảnh hưởng lớn đối với văn hoá của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay.
Luận án cho thấy rõ sự biến đổi trong đời sống văn hóa của các tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam bộ trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, sinh hoạt của các tu sĩ, phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội, với tình hình biến đổi chung của đất nước. Những giá trị ưu việt và hạn chế trong biến đổi đời sống của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong bối cảnh thực tế, đồng thời đưa ra các giải pháp góp phần ổn định đời sống xã hội Việt Nam...
PGS.TS. Trần Hồng Liên, hướng dẫn chính luận án Tiến sĩ của Đại đức Danh Út cho biết: Trong quá trình hướng dẫn, nghiên cứu sinh Danh Út đã có những nỗ lực vượt bật trong quá trình nghiên cứu. Đây là đề tài nghiên cứu hết sức ý nghĩa với tư liệu đa dạng được nghiên cứu sinh nghiên cứu gần như 7 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ. Tính ứng dụng của đề tài cao và không trùng với bất cứ đề tài nghiên cứu trước đó.
Tại buổi bảo vệ, 100% thành viên Hội đồng đánh giá bỏ phiếu đồng ý nghiên cứu sinh Danh Út bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học với kết quả tốt. Luận án làm nổi bật ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại...
Ban Giám hiệu Trường ĐH Trà Vinh và Hội đồng đánh giá luận án chúc mừng Đại đức Danh Út. |
Nêu gương để phật tử xem trọng việc học
Bước vào con đường tu học tại chùa Thôn Dôn năm 12 tuổi, sư Danh Út đã ý thức rằng, chỉ có học thì mới có thể giúp ích cho đạo và đời nên sư luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Sau 15 năm tu học, sư Danh Út luôn đạt được nhiều thành tích trong học tập và công tác xã hội. Thấy được sự trưởng thành và tiến bộ nhanh của sư Danh Út, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh suy cử sư Danh Út làm trụ trì chùa Thôn Dôn vào năm 2008.
Sau 5 năm làm trụ trì, Đại đức Danh Út nhận thấy, nếu không học tập nâng cao kiến thức, thì sẽ rất khó phát triển, bởi làm ruộng, rẫy cũng cần học tập về kỹ thuật, đồng bào dân tộc Khmer muốn phát triển kinh tế phải có kiến thức.
Làm trụ trì chùa Thôn Dôn, gắn bó với đồng bào phật tử Khmer, Đại đức Danh Út càng nêu gương để phật tử xem trọng việc học. Với ý chí vượt khó trong học tập, Đại đức Danh Út đã lần lượt có bằng cử nhân ngành Xã hội học (năm 2010) và cử nhân ngành Việt Nam học (năm 2012). Không chỉ lấy được tấm bằng cử nhân mà sư Út cũng đã tiếp tục học Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ - Đại học Trà Vinh và trở thành Tiến sĩ như ngày hôm nay.
Chia sẻ về việc học, Đại đức Danh Út cho biết: Muốn thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer mỗi cá nhân phải tự lực vươn lên để thoát nghèo.
Để nêu gương cho phật tử, mỗi vị sư cũng cần phải học, tích lũy kiến thức để vận động đồng bào phật tử thay đổi tư duy trước sự phát triển của xã hội, được như vậy thì mới phụng sự đất nước...