Nhà ở đang ế khoảng... 85%

Nhà ở đang ế khoảng... 85%

Thấp nhất trong 4 năm qua

Thông tin với Báo GD&TĐ chiều 15/4, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, thị trường BĐS quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm (s/p), giao dịch: 7.641 s/p (tỷ lệ hấp thụ: 14,3%).

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.307 s/p. Còn tại TPHCM có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 s/p. Ghi nhận tại các khu vực khác, giao dịch chủ yếu là các dòng sản phẩm thấp tầng (đất nền, liền kề...).

100% các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS đều chịu ảnh hưởng. Thiếu nguồn hàng để bán. Không có được sự quan tâm từ khách hàng. Khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa. Nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp. Tín dụng siết chặt cộng hưởng với không bán được sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu chào mời, chuyển nhượng hoặc cổ phần dự án.

Đồng thời, có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá. Nó tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thạch Thất (Hà Nội)…

Ông Đinh Thế Quỳnh - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Công ty Hải Phát - PV) cho biết, thanh khoản giảm khoảng 50 - 60%. Lượng giao dịch chủ yếu tại phân khúc nhà ở mới hình thành.

“Các dự án nằm trong phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng và đất nền mà chưa hình thành đô thị trong thời gian này khó giao dịch. Bởi phân khúc này phục vụ cho nhu cầu của nhà đầu tư. Mà nhà đầu tư trong thời gian dịch bệnh nên có tâm lý tích tiền mặt. Kể cả các ngành nghề khác cũng thế…”, ông Quỳnh chia sẻ.

Trước đó Hiệp hội BĐS Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ với những nội dung như, đưa các DN đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ. Đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục cho các dự án BĐS. Phê duyệt chính sách bù lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội...

Covid-19 sẽ “triệt tiêu” doanh nghiệp yếu kém

Nhà ở đang ế khoảng... 85% ảnh 1

Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết, thời gian tới thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TPHCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TPHCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Về giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân sẽ không tăng vì lực cầu giai đoạn này yếu. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm. Áp lực vốn cũng khiến cho các chủ đầu tư phải giảm giá.

Cùng với quan điểm với Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC khẳng định, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thị trường BĐS sẽ phục hồi nhanh. “Giá BĐS phân khúc giá thấp, nhà ở xã hội không giảm. Nếu có giảm cũng không nhiều. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm… Theo cách nhìn tích cực thì Covid-19 có khả năng là động lực để loại bớt các doanh nghiệp BĐS yếu. Dự kiến quý III, quý IV thị trường BĐS phục hồi nhanh…”, ông Dũng nói.

Chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Trung thì cho rằng, Covid-19 cũng là một phép thử cho toàn xã hội nhận thấy mặt trái của việc sống ở những nơi đông đúc. “Covid-19 sẽ đẩy người dân ra sống giãn cách hơn. Từ “giãn cách” sẽ không chỉ nằm trong nghị định nữa mà thay vào đó là giãn cách trong tư tưởng một cách hiển nhiên. Lượng lớn người sẽ tìm ra vùng ven. Cụ thể, người trung lưu trở xuống sẽ tìm vùng ven sát cạnh Hà Nội như Hoài Đức, Đan Phượng. Người giàu sẽ ra vùng xa hơn. Người siêu giàu sẽ có xu hướng xa hẳn để có cuộc sống hoàn toàn khác biệt kèm một căn hộ ngoại ô sang trọng để tiện các ngày muốn nán lại nội đô…”, ông Trung phân tích.

Nói về chiến lược trong thời gian tới, ông Đinh Thế Quỳnh cho biết, doanh nghiệp đang tập trung vào khai thác những dự án tầm trung bình và thu nhập thấp.

“Để xảy ra khủng hoảng BĐS thì cũng tương đối khó. Bởi dù sao thì nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất nhiều. Trong khi đó nguồn cung khoảng 3 năm trở lại đây thì cực kỳ khan hiếm. Vì vậy, việc giảm giá là khó có khả năng xảy ra”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...