Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đóng góp

GD&TĐ - Theo số liệu thống kê, năm 2024, cả nước có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, sau gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh…

Lực lượng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Theo số liệu thống kê, năm 2024, cả nước có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Riêng tháng 1/2025, có gần 10.700 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 94.100 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt gần 22.800 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động lên hơn 33.400 doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024…

Môi trường đầu tư, kinh doanh những năm qua cũng được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá mà điển hình nhất là việc sửa đổi các luật về quy hoạch, đầu tư, PPP, đấu thầu và 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó đáng chú ý là thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Bên cạnh đó, những yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, biến động chính trị, cạnh tranh chiến lược… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra ít nhất là 8% nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nên vị trí, vai trò của các doanh nghiệp càng trở nên quan trọng và nặng nề hơn, đòi hỏi sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như của doanh nghiệp.

Sự chung sức, đồng lòng này, như “gợi mở” của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng là phải tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất…

Thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Bên cạnh đó, cần khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế...

Nước ta đang trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng. Nên cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình.

Như thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn và chờ đợi thì Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ