Một số doanh nghiệp thậm chí đã có đầy ắp đơn hàng kéo dài đến giữa năm, báo hiệu một năm mới đầy triển vọng và khởi sắc.
Nhiều tín hiệu khả quan
Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ kéo dài, công nhân Công ty TNHH May mặc Dony tất bật bắt tay làm việc cho kịp đơn hàng xuất khẩu sang châu Phi. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc công ty cho biết, năm 2024 Dony khá thành công khi doanh số xuất khẩu đã vượt lên mức 20% tổng doanh số công ty.
“Tăng trưởng của Dony đến từ hoạt động mở rộng thị trường. Theo đó, ngoài tăng trưởng từ thị trường nội địa và các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông, phải kể đến việc Dony mạnh tay khai phá nhiều thị trường mới trong năm 2024 như
Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga… Mới đây, công ty đã ký hợp đồng với khách hàng ở châu Phi, hứa hẹn mở ra một thị trường đầy tiềm năng trong năm mới 2025”, ông Quang Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (chuyên sản xuất và xuất khẩu nước giải khát Bidrico) thông tin, công ty chia 2 đợt đi làm, đợt 1 là mùng 4 Tết, tương ứng với 75% số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại các dây chuyền sản xuất; đợt 2 trễ hơn 2 ngày, tức mùng 6 Tết. Kế hoạch sản xuất cũng được công ty thiết lập kỹ càng nhằm đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho đối tác Mỹ, với đơn hàng hơn 30.000 USD.
Tương tự, ngay trong những ngày đầu năm mới, thương hiệu cà phê Meet More đã khai xuân bằng những đơn hàng khá khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng Giám đốc thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho hay, những ngày đầu năm công ty đã nhận được đơn hàng 1 container các loại sản phẩm như cà phê khoai môn, cà phê muối biển và cà phê dừa xuất khẩu cho thị trường Úc.
Thị trường Mỹ cũng đã có thêm khách hàng mới và sau ngày 20 tháng Giêng âm lịch, doanh nghiệp sẽ tập trung sản xuất cho thị trường Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc.
“Ngay những ngày đầu năm 2025 đã xuất hiện những tín hiệu tốt cho thị trường cà phê hòa tan. Thương hiệu Meet More đã có vị trí nhất định trên thị trường quốc tế sau nhiều năm nỗ lực khai phá và quảng bá, người tiêu dùng nhiều nước cũng đã biết đến và sử dụng quen những dòng sản phẩm cà phê nông sản. Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm nông sản chế biến sâu của Việt Nam từng bước chinh phục thị trường quốc tế”, ông Luận cho biết.
Trước đó, trong ngày đầu tiên làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty Phân bón Cà Mau (PVCFC) đã đàm phán thành công 5 tàu hàng xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 100.000 tấn urê, trong đó 2 tàu đi Úc với khối lượng hơn 30.000 tấn. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc PVCFC cho biết, các nhà máy của PVCFC vẫn sáng đèn nhộn nhịp sản xuất ngay trong dịp Tết Nguyên đán để triển khai hiệu quả các đơn hàng đầu năm.
“Hiện tại, giá phân bón thế giới đang cao và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng nhẹ trên toàn cầu từ 3% - 5% trong năm 2025. Do đó, việc xuất khẩu 100.000 tấn urê trong thời điểm thấp vụ trong nước như hiện tại là một tín hiệu tích cực, hứa hẹn một năm 2025 đầy khởi sắc của PVCFC”, bà Hiền thông tin.
Còn nhiều thách thức cho xuất khẩu
Năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ nền tảng vững chắc từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Các ngành xuất khẩu như: Điện tử, dệt may, và nông sản được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ đối diện với nhiều thách thức như tình hình xung đột chính trị, quân sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đặc biệt, sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng đa chiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, trọng điểm là các yếu tố phát triển bền vững như sản xuất xanh, giảm phát thải carbon, nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng và yêu cầu từ các thị trường phát triển…
Về phía các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu, không khí sản xuất sôi động ngay từ đầu năm là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tận dụng tốt những cơ hội hiện tại, vượt qua thách thức để đạt được những thành công mới.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng khi vẫn đối mặt với không ít thách thức: Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics có xu hướng tăng, trong khi chuỗi cung ứng quốc tế chưa ổn định; yêu cầu cao hơn từ đối tác về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng…
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương nhận định, trước đây ảnh hưởng từ thuế quan của thị trường Mỹ chưa lớn, tuy nhiên trong nhiệm kỳ mới này của Tổng thống Donald Trump, dự báo có 2 kịch bản với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Theo đó, ở kịch bản khả quan là như giai đoạn trước, Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Ngược lại, ở kịch bản thứ hai, nếu tác động chính sách thuế của Mỹ gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Mỹ nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Mỹ do bị áp thuế sẽ đẩy mạnh bán ra các thị trường khác, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, để đứng vững và phát triển trong bối cảnh này, các công ty cần linh hoạt thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và không ngừng đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh.
“Ngay từ đầu năm, việc tăng thêm lượng hàng dự trữ kết hợp tìm hiểu và khai thác thêm nhiều thị trường mới tiềm năng để chủ động sản xuất, giảm rủi ro xuất khẩu tại các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu… phải được doanh nghiệp thiết lập sẵn sàng”, ông Đức đề xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, kể từ quý IV/2024, đơn hàng quay trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả quý I và quý II/2025.