Nhà khoa học 5 lần lọt vào top 1% thế giới

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành (CIRTECH) Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) là người Việt Nam duy nhất 5 năm liên tiếp lọt top 1% các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018 vừa được tổ chức Clarivate Anlysis công bố.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng
PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng

Việt Nam luôn trong trái tim

Xác định bể học là vô biên và kiến thức là vô tận nên khi là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, (ĐHQG TPHCM) chàng trai quê Quảng Trị nắng gió Nguyễn Xuân Hùng luôn cố gắng, nỗ lực học tập. Ngoài những giờ lên giảng đường, cứ có thời gian rảnh là anh kiếm việc làm thêm để có chút thu nhập, đỡ đần cha mẹ.

Sau khi nhận bằng cử nhân chuyên ngành Toán cơ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, anh tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ lĩnh vực Cơ học môi trường liên tục và Tiến sĩ lĩnh vực Cơ học tính toán tại ĐH Liège (Bỉ). Làm việc và nghiên cứu khoa học một thời gian ở các nước Singapore, Đức, Anh, Mỹ..., năm 2010, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng quyết định trở về Việt Nam làm việc và cống hiến.

“Với nhiều người, việc suy nghĩ ở lại nước ngoài hay trở về Việt Nam có thể là một sự đấu tranh tư tưởng dữ dội nhưng với tôi là một vấn đề nhẹ nhàng. Lý do tôi trở về Việt Nam khá đơn giản. Tôi được ở gần ba mẹ nhiều hơn và như một lẽ tự nhiên, tôi muốn gắn bó với môi trường làm việc nơi đây. Ai cũng có quyết định tương lai của mình. Với tôi, quê hương vẫn là lựa chọn đầu tiên”- PGS.TS Hùng nói.

Trở về Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng làm việc tại Trường ĐH Giao thông - Vận tải TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng hay HUTECH… Ở nơi nào, mong muốn lớn nhất của anh là được hỗ trợ, khơi gợi tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH) cho sinh viên. Bởi theo anh, khoa học chính là nền tảng cho mọi sự cống hiến.

“Sinh viên hay một nhà nghiên cứu, khi làm công việc của mình, đến một lúc nào đó sẽ có tình yêu với công việc đang theo đuổi. Do đó, nếu sinh viên được cuốn vào sự say mê NCKH lúc đó không cần phải nói với họ, phải học thế này, phải học thế kia, họ sẽ tự trải nghiệm. Khi tình yêu với NCKH lớn dần, lúc đó làm NCKH không phải vì mục đích cá nhân, mà làm vì lý tưởng, vì sự dấn thân” -PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

PGS Hùng (đứng giữa) tại Lễ vinh danh và công bố các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2017.
PGS Hùng (đứng giữa) tại Lễ vinh danh và công bố các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2017.

Chắp cánh ước mơ

Cứ mỗi lần đi nước ngoài công tác, ngoài làm chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng còn kết nối với các nhà khoa học, các trường đại học trên thế giới để tìm học bổng cho sinh viên trong nước.

“Dựa vào mối quan hệ quốc tế của cá nhân, ít nhiều tôi có thể giới thiệu cho các em đến những địa chỉ tin cậy và chất lượng tốt để học tập. Tuy nhiên, mỗi em tôi giới thiệu phải thật sự có khả năng và đam mê nghiên cứu, cũng như ý thức cộng đồng. Bởi các em ra nước ngoài còn đại diện cho hình ảnh của đất nước. Nếu đánh mất hình ảnh cũng là làm mất đi cơ hội cho những người đi sau” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng trao đổi.

Một mục tiêu khác của PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng trong những chuyến đi nước ngoài còn để tìm kiếm và đưa dự án về Việt Nam. Có dự án anh mất hơn 4 năm theo đuổi, đàm phán, nộp hồ sơ ứng tuyển đến 3 lần mới được chấp nhận.

“Hợp tác với nước ngoài mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc nhưng đổi lại tôi học được những điều quý giá từ cách làm việc nhóm hiệu quả đến ứng dụng thực tế các vấn đề nghiên cứu. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi không từ bỏ vì tôi không cam lòng nhìn các dự án thuộc về các nước bạn láng giềng trong khi nghiên cứu sinh của mình đang cần”, PGS Hùng tâm sự.

Việc kết hợp với các học trò trong nước và ngoài nước thông qua các dự án nghiên cứu đã giúp anh cho ra đời hơn 150 bài báo quốc tế công bố trên các tạp chí ISI có hệ số trích dẫn cao…

“Những thành quả NCKH không của một mình tôi. Có nhiều bài nghiên cứu là thành quả dựa trên sự cộng hưởng của một tập thể cả thầy và trò.

Ở nửa vòng Trái đất, khi tôi ngủ thì các học trò làm việc và khi tôi làm việc thì các trò ngủ nên có thể nói thời gian làm việc là 24/24 giờ. Đó là một trong số cách để có thể duy trì mạch nghiên cứu và công bố bài báo khoa học có chất lượng. Là phương thức để các bạn sinh viên mài dũa kỹ năng NCKH, chắp cánh cho ước mơ chinh phục của mình” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng nhận định.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng có hơn 150 bài nghiên cứu khoa học đã công bố trên các kỷ yếu, tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI tại Mỹ, Hà Lan, Anh, Singapore, tập trung chủ yếu vào phát triển các công cụ tính toán mô phỏng số trên máy tính, ứng dụng và lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu và R&D sản phẩm công nghệ tiên tiến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ