Hai lần ghi danh bảng vàng
Nguyễn Viết Thứ (1644 - 1692) người làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, thi thư. Thân phụ của ông là Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng - Tế tửu Quốc Tử Giám, và từng giữ chức Thừa chính ty Hải Dương.
Sống trong môi trường gia đình khoa danh bảng vàng nên Nguyễn Viết Thứ sớm bộc lộ tài năng hay chữ. Tương truyền, ông học rất giỏi và có tài ứng đối hơn người, lại ham học hỏi. Năm 14 tuổi, Nguyễn Viết Thứ đã dự thi Hương đỗ Sinh đồ, năm 17 tuổi đậu Hương cống và năm 21 tuổi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị (1664) do Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Nham vâng sắc soạn, Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quý Đức vâng sắc sắc nhuận, có đoạn: “Hội thí các Cử nhân trong nước, đặc sai các viên Đề điệu, Tri Cống cử và Giám thí chia giữ các việc, lấy được hạng trúng cách là bọn Vũ Duy Đoán 13 người.
Đến tháng 6 vào thi Đình làm bài thi văn sách, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự trên dưới, ban cho Nguyễn Viết Thứ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lương Mậu Huân 12 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Nêu tên trên bảng vàng, ban yến Quỳnh Lâm, thứ lớp ban ơn đều theo lệ cũ. Lễ nghi đãi ngộ hết sức long trọng đầy đủ”.
Trên văn bia này, Nguyễn Viết Thứ đứng đầu ở hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Vì khoa thi này, triều đình không lấy Tam khôi nên Nguyễn Viết Thứ là người đỗ đầu – thủ khoa, nên dân gian gọi ông là Đình nguyên Hoàng giáp. Ngay sau khi đỗ, ông được lĩnh chức Hàn lâm viện hiệu lý, tham gia soạn “Đại Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên”.
Cuộc đời cống hiến cho đất nước của ông trải qua nhiều cương vị, từ Nội tán Binh phiên Thủy sư, Hiến sát sứ Thanh Hóa, đến Thiêm đô Ngự sử, Bồi tụng. Một số nguồn tư liệu cũng cho rằng, năm 31 tuổi (1673), Tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ đỗ thứ hai trong khoa Đông các - khoa dành cho những người đã đỗ đầu trong các kỳ thi, được thăng chức Đông Các học sĩ.
Sau đó, ông lĩnh chức Đốc đồng Cao Bằng. Năm 1681 ông được phong Hồng Lô tự khanh và làm chánh sứ sang Trung Quốc. Trở về ông được thăng Tả thị lang bộ Công rồi Tả thị lang Hình bộ, tước Mai Sơn nam.
Năm 1685 thăng Tả thị lang bộ Lại, chuyên trách việc soạn thảo, nhuận sắc văn thư ngoại giao với nhà Minh, đồng thời làm phụ tá cho Tấn Quang Vương. Năm 45 tuổi, ông được thăng chức Tham tụng (Tể tướng) Thượng thư bộ Hình. Ông qua đời năm 49 tuổi, được phong tặng Thiếu bảo Mai Quận công, Thượng trụ quốc, thượng trật.
Cứu bạn khỏi tội
Trải qua quyền cao, chức trọng nhưng Tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ vẫn giữ mình, không để quyền lực làm cho nhơ nhớp. Bởi vậy, trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đánh giá ông “cầm quyền chính giữ đúng pháp luật, không có tư vị; lại tiến cử người giỏi, là bậc danh thần lúc bấy giờ”.
Cả đời cống hiến cho đất nước, cho triều đình “trong trắng tựa băng mai, ngọc tảo, tiết tháo trung trinh như kiên bách trường tùng”, không một vết bụi mờ. Đức tính này cũng được Ngô Cao Lãng ghi chép trong “Lịch triều tạp kỷ”. Gia phả họ Nguyễn cũng ghi lại câu chuyện cho thấy sự chính trực của ông.
Có người mang hai dật bạc đến nhờ ông huyện thừa là em vợ của Nguyễn Viết Thứ để xin một chức quan nhỏ. Ông vô tư xem xét bổ nhiệm. Khi được đăng ký vào sổ quan rồi người ấy mới đến tạ ơn và nói: “Hân hạnh được như điều mong muốn, xin đội ơn quan lớn vô cùng”.
Nguyễn Viết Thứ thấy lạ mới tra hỏi kỹ, người kia đành phải nói thật. Ông bèn gọi ông huyện thừa đến trách mắng là kẻ dối trá, khinh nhờn phép nước, bắt phải trả lại số bạc đó và xóa tên kẻ cầu cạnh khỏi sổ quan để làm gương cho những kẻ luồn lọt.
Mặc dù làm quan lớn của triều đình, cha lại đương chức Tế tửu Quốc Tử Giám nhưng ngôi nhà của gia đình ông ở Sơn Đồng vẫn nhà tranh vách đất, rất đơn sơ thanh bạch.
Vì thế, mới có ngôi nhà “nhất dạ tất thành” làm trong một đêm nổi tiếng trong lịch sử và còn cho đến ngày nay. Đây là chuyện có thật, nói về lòng biết ơn, tình nghĩa của những con người thanh liêm dù ở chức cao quyền trọng.
Chuyện được kể thế này: Cụ Nguyễn Viết Thứ người làng Sơn Đồng bấy giờ đang giữ chức Hình bộ thượng thư, Tham tụng, Tể tướng của phủ Chúa (thời Lê - Trịnh) thì có một chuyện xảy ra ở thôn Đông Lao cũng ở huyện Hoài Đức cách Sơn Đồng không xa, có ông Nguyễn Công Triều làm quan Trấn phủ xứ Sơn Tây.
Vì muốn giúp quê xây dựng đền, chùa, nên khi vâng lệnh vua đi đắp đê ở khu vực Sơn Tây, ông Triều có mượn con voi của triều đình, tranh thủ về kéo gỗ, giậm nền nhà. Chẳng may con voi ấy bị chết. Theo luật triều đình bấy giờ, muốn thoát tội thì phải đền, bằng cách làm con voi bằng tre to đúng bằng con voi thật, đổ đầy tiền vàng vào đấy nộp cho triều đình thì thoát tội, bằng không thì bị xử rất nặng.
Thực tế toàn bộ gia sản của ông Nguyễn Công Triều bấy giờ có đổ vào cũng không đủ cho bốn cái chân voi. Bí quá ông Nguyễn Công Triều tìm đến Tể tướng Nguyễn Viết Thứ cầu cứu. Cụ Nguyễn Viết Thứ rất ái ngại, vì nể tình ông Nguyễn Công Triều về tuổi tác, lại là đồng hương nên nhận lời tìm cách giúp đỡ.
Thân làm quan Tham tụng nên rất gần gũi với chúa Trịnh Căn, nhân lúc rảnh rỗi chúa lại mời Nguyễn Viết Thứ đánh cờ. Một lần hai người chơi cờ, quan Tham tụng giả thua liền ba ván. Thấy vậy chúa Trịnh Căn hỏi: “Sao khanh hôm nay lại đánh cờ như vậy?”. Nguyễn Viết Thứ nói: “Thần đang có một việc khó xử”. Chúa hỏi: “Chuyện gì thì cứ nói ra”.
Bấy giờ quan Tam tụng mới nói: “Có anh nông dân đi cày thuê, hôm dắt con trâu của chủ đi cày, không may bị gió, trâu chết, nhà chủ lại bắt đền con trâu, thấy tội quá”. Chúa nghe thì bảo: “Nó nghèo thế thì lấy gì mà đền, thôi cứ giải hòa, không phải đền”.
Lúc đó, Nguyễn Viết Thứ liền quay sang hỏi chúa: “Dạ, thế việc của Nguyễn Công Triều, ý chúa thế nào?”. Chúa Trịnh nghe rồi cười, bảo: “Thôi không bắt đền nữa”. Thế là Nguyễn Công Triều thoát tội.
Ân nghĩa người xưa
Nghe tin nhờ Tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ nói đỡ mà mình thoát tội, ông Nguyễn Công Triều mang theo vàng bạc đến xin gặp để trả ơn. Lúc ông Triều đến thì trời vừa chập tối, ông Thứ đón tiếp niềm nở nhưng nhất quyết không nhận những thứ ông Triều mang đến.
Biết không thể lay chuyển được lòng quan Tham tụng, ông Triều nhìn quanh ngôi nhà rồi nói: “Tổ tiên là tổ tiên chung, mà quan lớn ở ngôi nhà xuềnh xoàng thế này, cho tôi làm một cái nhà để thờ tổ tiên”. Ông nghè Thứ không muốn nhận, nên nói thách là nếu làm xong trong một đêm thì nhận, nếu quá một đêm thì xin từ và xin đại nhân không nhắc lại chuyện này nữa. Lúc đó, ông nghĩ từ xưa tới nay không ai có thể làm được ngôi nhà trong một đêm.
Tưởng đó là cách từ chối khéo nhưng Trấn thủ Nguyễn Công Triều quyết làm bằng được. Khi đó ông cũng đang cho thợ làm ngôi nhà gỗ năm gian hai chái ở Đông Lao. Khi hoàn thiện ngôi nhà, ông cho tháo ra chuyển sang Sơn Đồng.
Hôm đó, từ chập tối hàng trăm người tập trung, đèn đuốc sáng trưng trong thửa đất của gia đình quan Tả Thị lang để dựng nhà. Đến sáng, ngôi nhà hoàn thành, mái lợp ngói mũi hài, xung quanh bưng kín bằng vách gỗ.
Quan Trấn thủ cho người ra Thăng Long báo với Tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ và thân phụ ông là quan Tế tửu. Vậy là món quà tặng tình nghĩa, xưa gọi là ngôi nhà “nhất dạ tri ân”. Năm sau (1686), Trấn thủ Nguyễn Công Triều dựng ở Đông Lao ngôi nhà mới tương tự ngôi nhà ở Sơn Đồng và hai ngôi nhà đặc biệt song song trường tồn cho đến ngày nay.
Theo niên biểu cuộc đời Trấn thủ Nguyễn Công Triều, thì sau sự kiện làm chết voi, ông vẫn tiếp tục nghiệp võ quan. Năm 1689, ông tham gia dẹp được loạn Vũ Công Tuấn và đồ đảng. Ông không nghỉ hưu, mà vẫn trực tiếp cầm quân ra trận đến tận năm 76 tuổi.
Đến năm 1690, Nguyễn Công Triều qua đời ở tuổi 77, tên tuổi ông được ghi trong chính sử. Trong “Đại Việt sử ký tục biên” cho biết, ông được tặng Thái bảo và phong làm phúc thần. Làng Đông Lao thờ ông làm thành hoàng, các triều vua sau đó có sắc phong Thái bảo Nguyễn Công Triều lên Đại vương, Thượng đẳng thần.
Theo hậu duệ của dòng họ Nguyễn tại Sơn Đồng, ngôi nhà này tuy được quan Trấn thủ Nguyễn Công Triều xây tặng, nhưng sau này cụ Nguyễn Viết Thứ đã cho một người cháu ở và dựng một ngôi nhà khác làm nơi thờ tự. Ngôi nhà trải qua khá nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được phần khung chính.
Tương truyền, khi Tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ đã làm đến chức Thượng thư, mà nhà vẫn nghèo. Có năm đến 30 Tết, cụ bà Thượng thư vẫn chưa biết lấy gì gói bánh. Sinh thời ông hay giúp người, tình cờ đến đúng buổi chiều, có một người từng được quan Thượng gia ân đội đến một thúng gạo nếp để biếu. Như thế, gia đình mới có bánh chưng đón Tết.
Vì giữ mình nghiêm cẩn, thanh liêm, chính trực nhưng vì nhà đông người nên nhiều khi Tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ phải mượn tiền tạm ứng lương bổng từ quốc khố, có khi phải vay tạm người ngoài.
Bởi vậy, sau khi ông qua đời, chúa Trịnh đã ban chỉ dụ miễn hết những khoản vay của ông ở quốc khố. Riêng số tiền nợ bên ngoài, ai có văn tự mang đến trình cửa phủ, có con trai ông xác nhận thì quan công khố chiểu theo văn tự đó trả hết.
Nguyễn Viết Thứ có người con trai tên là Nguyễn Công Phái, tước Toàn Nhuận hầu, Hoài viễn tướng quân, Đô chỉ huy sứ ty; một con trai là Tự thừa Chính Bảo tự; con rể là nhà khoa bảng Phạm Quang Trạch, đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Quý Hợi (1683). Ông Trạch từng giữ chức Lễ bộ Hữu thị lang và là tác giả cuốn “Nam chưởng kỷ lục” nói về mối bang giao giữa Đại Việt và Ai Lao.
Hai bên của ngôi nhà hiện nay vẫn lưu giữ đôi câu đối do các học trò trong họ cung tiến: Cựu chỉ vĩnh lưu phương, tố tòng bát đại Thượng thư quan hất kim tương thừa dịch nghiệp/Tiểu tôn hoa kỳ kế, miến tự ngô chi Tú Lâm công nhi hậu biệt thành nhất gia (Nền nếp cũ của tổ tiên mãi lưu tiếng thơm, kể từ cụ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ đã tiếp nối được nếp nhà/Chi nhà ta kế tục được truyền thống, từ cụ Tú Lâm công Nguyễn Viết Thứ đến nay thành một dòng khác biệt).
Hiện nay, ngôi nhà cổ này vẫn được bảo quản tương đối nguyên vẹn từ hình dáng đến chất liệu ban đầu, và trở thành một trong những di sản minh chứng cho ân nghĩa người xưa, về đạo lý “thi ân bất cầu báo - làm ơn không mong báo đáp” và “thọ ân mạc khả vong - nhận ơn thì không thể quên”. Ở gian giữa có bức hoành phi nền đen có ba chữ “Đức dã viễn” thếp vàng rất đẹp, lấy từ câu “Minh đức dã viễn” - nghĩa là “đức sáng của tổ tiên có từ xa xưa”.