Thầy là một trong 2 gương mặt của tỉnh Thanh Hóa tham dự chương trình “Thay lời tri ân 2021” do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Những cống hiến thầm lặng
Hơn 6 năm giảng dạy tại Trường THCS Quảng Ngọc (xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương) và gần 17 năm cống hiến tại Trường THCS Nguyễn Du, với thầy Lê Văn Giáo đó là những năm tháng không thể quên.
Nhớ lại thời điểm mới vào ngành những năm 1999, thầy Giáo xúc động: “Về giảng dạy tại Trường THCS Quảng Ngọc, điều kiện kinh tế của gia đình tôi khi đó còn khá khó khăn. Mỗi ngày, tôi đi 6 - 7 km đến trường bằng chiếc xe đạp cà tàng. Thật tình, đôi lúc tôi chỉ ước ao có chiếc xe đạp tốt hơn, để quãng đường đến trường bớt khó nhọc”.
Thầy Giáo là anh cả trong gia đình 5 anh, chị em ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hóa). Thầy luôn ý thức được bổn phận với cha, mẹ cũng như trách nhiệm đối với các em của mình. Những thiếu thốn về vật chất lại là động lực để thầy vươn lên.
“Chính niềm đam mê hòa quyện cùng sức trẻ, đã giúp tôi bỏ lại những gian nan vất vả ở phía sau mình. Những năm tháng giảng dạy tại Trường THCS Quảng Ngọc, là khoảng thời gian tôi “cháy hết mình”. Tất cả những gì gọi là tinh túy nhất của tuổi trẻ, tôi đã gửi gắm ở nơi đây”, thầy tâm sự.
Ngay từ năm đầu về Trường THCS Quảng Ngọc, thầy Giáo đã được phân công trọng trách bồi dưỡng học sinh giỏi thi cấp huyện, tỉnh. Ba năm sau, bằng sự nỗ lực, đội tuyển học sinh giỏi do thầy phụ trách đã có 6 em đoạt giải môn Tiếng Anh, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2003 – 2004 và 2004 – 2005.
Khép lại chặng đường hơn 6 năm gắn bó tại Trường THCS Quảng Ngọc, đến năm học 2005 – 2006, thầy chuyển công tác về Trường THCS Nguyễn Du (thị trấn Quảng Xương). Đây chính là nơi chứng kiến nhiều cột mốc trong sự nghiệp “trồng người” của thầy giáo trẻ Lê Văn Giáo.
Điểm nhấn trong phương pháp giảng dạy môn Tiếng Anh của thầy là thay đổi tư duy và cách tiếp cận môn học. Đây là lý do giúp môn học của thầy Giáo luôn được học sinh yêu thích, đón nhận.
“Tiếng Anh là môn năng khiếu, không phải học sinh nào cũng học tốt được. Vì vậy, tôi sử dụng sơ đồ tư duy (Mind Map), kết hợp các trò chơi để tạo sự hứng thú cho học sinh, từ đó khơi nguồn sáng tạo của các em.
Một sự khích lệ không nhỏ đối với đội ngũ giảng dạy ở Trường Nguyễn Du đó là học sinh rất đam mê, sáng tạo và thông minh. Đây là điều tôi rất ấn tượng khi về công tác ở ngôi trường này”, thầy chia sẻ.
Trường THCS Nguyễn Du nhiều năm nay luôn đảm nhận trọng trách bồi dưỡng học sinh cho toàn huyện đi thi cấp tỉnh. Đó là niềm vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm, áp lực của đội ngũ chuyên trách.
“Với học sinh đội tuyển, không phải em nào cũng giống nhau. Có những em điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, nhiều em lại ở quá xa trường… Vì vậy, chúng tôi luôn phải đồng hành, sát cánh cùng các em, chấp nhận hy sinh nhiều thứ, bao gồm thời gian, gia đình và sức khỏe”, thầy Giáo bộc bạch.
Được đền đáp
Sau những hy sinh, tận tụy đó chính là quả ngọt. Tròn 23 năm giảng dạy, thầy Lê Văn Giáo đã bồi dưỡng cho hơn 100 em đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, có 6 em đoạt giải Olympic quốc gia. Thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi của trường luôn nằm ở tốp 3 của tỉnh Thanh Hóa nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, thầy còn nhiều đề tài khoa học và sáng kiến kinh nghiệm được công nhận. Cụ thể, năm học 2019 – 2020, Đề tài “New teaching techniques in a reading comprehensive lessons for secondary students” của thầy được Hội đồng khoa học sáng kiến tỉnh Thanh Hóa đánh giá xếp loại B.
Đặc biệt, trong 5 năm học gần đây, lớp do thầy Giáo phụ trách luôn đạt từ 80% - 95% học sinh xếp loại giỏi. Không có học sinh xếp loại học lực trung bình và yếu, kém.
Nhiều thế hệ học sinh do thầy dìu dắt đã khẳng định được bản thân, vị trí trong xã hội. Có những em được thầy “truyền lửa” tiếp nối sự nghiệp “trồng người”.
Không chỉ dìu dắt các thế hệ học sinh trưởng thành, thầy Lê Văn Giáo còn hết mình với đồng nghiệp. Đến nay, đã có 5 thầy, cô được thầy hỗ trợ đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, năm 2021, thầy Lê Văn Giáo vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NGƯT.
“Khi đứng lớp, tôi chỉ nghĩ đơn giản là dạy bằng đam mê, nhiệt huyết nhưng thành quả lại đến như tạo thêm động lực. Những gì mình hy sinh đó chính là sự trưởng thành, phát triển của các thế hệ học sinh”, thầy Giáo trải lòng.
23 năm gắn bó với nghề, chưa một phút giây nào thầy Lê Văn Giáo cảm thấy hối hận với sự lựa chọn này. “Bố, mẹ đặt tên tôi là Giáo, để rồi cả cuộc đời tôi gắn bó với trường, lớp. Tôi nghĩ rằng, sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với năng lực, đam mê của bản thân”, thầy tâm sự.
Nói về thầy giáo của mình, em Mai Thị Linh (lớp 7D1, Trường THCS Nguyễn Du) chia sẻ: “Thầy không chỉ dạy kiến thức, mà còn tạo không gian, thời gian để chúng em thực hành vào cuối tiết học. Trước đây, em cũng không đam mê với môn Tiếng Anh nhiều, nhưng khi được thầy dìu dắt em cảm thấy môn học do thầy dạy không còn quá khó với em”.
Cô Phạm Thị Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - cho hay: Thầy Lê Văn Giáo là người giỏi về chuyên môn. Đặc biệt, phương pháp giảng dạy của thầy cũng khác biệt, đáp ứng yêu cầu của bộ môn cũng như của ngành Giáo dục.
“Ngoài chuyên môn, thầy còn là một giáo viên tâm huyết, hết lòng vì học trò. Việc thầy được phong tặng danh hiệu NGƯT là niềm vinh dự. Đồng thời, góp phần khích lệ đội ngũ giáo viên của nhà trường”, cô Thủy chia sẻ.
Theo cô Thủy, năm học 2021 – 2022, nhà trường có quy mô hơn 700 học sinh, phân bổ tại 18 lớp. Trong đó, có 6 lớp 9, còn lại mỗi khối 4 lớp. Chất lượng giáo viên 100% đạt chuẩn, trong đó có 4 thạc sĩ và một NGƯT.