Nhà giáo ưu tú của học trò vùng cao

GD&TĐ - Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi là một trong 3 gương điển hình của ngành Giáo dục Lào Cai vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2021.

NGƯT Bùi Thị Kim Chi luôn trăn trở tìm cách nâng cao hiệu quả giáo dục vì học sinh. Ảnh: NVCC
NGƯT Bùi Thị Kim Chi luôn trăn trở tìm cách nâng cao hiệu quả giáo dục vì học sinh. Ảnh: NVCC

Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến, nỗ lực đổi mới sáng tạo thời gian dài và trên nhiều cương vị công tác. 

Hành trình lên vùng cao

Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi sinh ra, lớn lên tại huyện Giao Thủy, Nam Định. Trước khi gắn bó với giáo dục Lào Cai, chị là giáo viên Trường cấp 1, 2 xã Giao Hương (Giao Thủy).

Năm 1993, chị quyết định lên Lào Cai công tác để đoàn tụ gia đình. Khi chuyển vùng, cô giáo trẻ không được gia đình 2 bên nội ngoại, bạn bè ủng hộ với lý do “Ở Nam Định đã là giáo viên được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá tốt, có cơ hội phát triển. Lên Lào Cai phải làm lại từ đầu. Ở lại quê hương sẽ ổn định, thuận tiện cho cuộc sống, công việc… ”.

Mặt khác khi ấy, Lào Cai thuộc tỉnh miền núi nghèo mới tái lập, kinh tế xã hội khó khăn, nên bạn bè chị càng lo lắng can ngăn “Lên đó chẳng có nổi chai nước mắm mà ăn...”. Người thân cũng ôm chị khóc, khuyên đừng chuyển… Với cá tính mạnh mẽ, kiên định và suy nghĩ “mọi người sống được thì mình sống được; mọi người làm được mình cũng làm được” chị không ngần ngại lên đường. Với chị, quan trọng nhất khi chuyển vùng là không chuyển nghề. Chị đặt quyết tâm, dù ở đâu vẫn phải làm cô giáo.

“Tôi lên Lào Cai khi chưa kịp rút hồ sơ công tác vì gia đình giữ. 2 tháng sau thấy tôi không thay đổi quyết định, bố tối mới rút và gửi lên để tôi xin việc. Ở nơi hoàn toàn xa lạ, không người thân, bạn bè… dù khó khăn chồng chất nhưng chưa khi nào tôi nản trí hoặc có ý định quay về. Được làm cô giáo thì ở đâu với tôi cũng là hạnh phúc…”, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi bày tỏ.

Năm 1993, nơi đầu tiên cô Chi nhận công tác là Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị xã Lào Cai) vừa được xây dựng. Trường hoàn thành nhưng đường chưa làm, thầy và trò người đi ủng, người lội bùn đất tới trường. Từ nhà tới trường, từ trường tới phòng GD&ĐT chỉ vài ba cây số nhưng đi lại vất vả vô cùng, hơn thế cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy cũng thiếu thốn.

Tuy nhiên, điều khiến cô giáo trẻ Bùi Thị Kim Chi thấy may mắn, hạnh phúc là đa số HS thuộc con em cán bộ, công chức… lên Lào Cai lập nghiệp, ý thức, và nền tảng tốt. Điều đó giúp cô có thể áp dụng ngay những đổi mới phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến được tích lũy từ vùng xuôi. Và với sự nỗ lực của mình, khóa học sinh đầu tiên khi cô chuyển công tác lên Lào Cai đã có em đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia…

Từ năm 1993 - 2002, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi giảng dạy tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Sau đó, với chuyên môn vững vàng, nhiều sáng tạo đổi mới, cô được điều động làm chuyên viên phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai tới năm 2008. Trải qua nhiều đơn vị, vị trí khác nhau, năm 2020, chị được điều động làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Hành trình gần 30 năm cống hiến, đổi mới, sáng tạo của nhà giáo Bùi Thị Kim Chi đã được thử thách trên nhiều cương vị, từ giáo viên, chuyên viên, Phó Hiệu trưởng tới Hiệu trưởng. Và ở cương vị nào chị cũng tích cực đổi mới, sáng tạo, hết lòng vì học trò vùng cao…

NGƯT Bùi Thị Kim Chi nhận được sự tin yêu của học trò. Ảnh: NVCC
NGƯT Bùi Thị Kim Chi nhận được sự tin yêu của học trò. Ảnh: NVCC

Nhà giáo mẫu mực, sáng tạo

Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi được đồng nghiệp, học trò nhắc tới với sự say mê trong giảng dạy, tích cực tự học, bồi dưỡng, luôn tiên phong đi đầu trong đổi mới tại các nhà trường đã công tác.

Cô Nguyễn Thị Hải - Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ được nhà giáo Bùi Thị Kim Chi bồi dưỡng trở thành giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia năm học 2012 - 2013 chia sẻ: “Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi là người “giàu” và say chuyên môn. Chị trực tiếp bồi dưỡng tôi trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Luôn tận tình “cầm tay chỉ việc” từ phương pháp giảng dạy, xây dựng nội dung, dạy mẫu trên lớp”.

Đặc biệt, nói tới nhà giáo Kim Chi là nói tới tấm gương, tinh thần tự học. Các báo cáo, thống kê trên máy tính, bài giảng điện tử… cô đều tự học, nghiên cứu và tự làm. Dù là lãnh đạo nhưng cô luôn lắng nghe, cầu thị ý kiến đồng nghiệp cấp dưới. Từ chuyên môn tới công việc nhà trường với nhà giáo Bùi Thị Kim Chi đều xuất phát từ quan điểm “Lấy học sinh làm trung tâm, chất lượng học sinh đặt lên   hàng đầu…”.

“Chúng tôi khâm phục nhà giáo Bùi Thị Kim Chi. Được chị hướng dẫn, kèm cặp…, giáo viên nhanh trưởng thành trong chuyên môn, cuộc sống; Mặt khác cũng tự tin với tất cả cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, tỉnh…”, cô Hải chia sẻ.

Nhà giáo Kim Chi chia sẻ: “Hành trình từ giáo viên tới chuyên viên phòng GD&ĐT, Phó Hiệu trưởng và giờ đây là Hiệu trưởng đã giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm, quyết tâm đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng quản lý trường học. Tôi luôn muốn tìm ra hướng đi riêng để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường”.

Bà Trần Thị Thùy Dung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai (Lào Cai) khẳng định: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú dành cho nhà giáo Bùi Thị Kim Chi hoàn toàn xứng đáng bởi những đóng góp, đổi mới cho giáo dục tiểu học tỉnh Lào Cai.

“Trên hành trình giáo dục của mình, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi nhận được tín nhiệm cao từ đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học toàn tỉnh, được các cấp quản lý giáo dục tin tưởng. Nhiều hiệu trưởng của ngành Giáo dục Lào Cai coi nhà giáo Bùi Thị Kim Chi như tấm gương và mục tiêu phấn đấu trên lộ trình giáo dục bản thân…”, bà Dung trao đổi. 

Ấn tượng trong tôi tới nay vẫn là một giáo viên dịu dàng, quan tâm sâu sát tới học trò. Cô Chi có phương pháp dạy học dễ hiểu, luôn tìm ra cách động viên, khuyến khích học sinh trong học tập. Các tiết học của cô chúng tôi luôn cảm thấy vui vẻ, cuốn hút và thích học. Cô đã tạo cho chúng tôi “nền móng” vững chắc để tiếp bước vào các cấp học tiếp theo và cuộc sống sau này…  - Anh Lương Đức Hải Thương (Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám năm 1993 - 1995)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.