Để đạt mục tiêu ấy, nhà giáo chính là những mạch nguồn cần khơi thông và bồi đắp…
Phía sau những giờ học không hạnh phúc
Sau rất nhiều trăn trở, đi tìm đáp án cho những “bi kịch” của cả thầy và trò trong quá trình dạy học trên lớp, cô Nguyễn Hồng Hạnh, GV dạy Văn, Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận ra rằng: Bi kịch luôn xuất hiện khi giờ học không hạnh phúc, GV không mang lại hạnh phúc và cảm giác an tâm cho người học.
Chia sẻ về thực tế đã trải qua, cô Hạnh nhớ lại: Đứng trước mục tiêu thay đổi của giáo dục, với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, dựa trên kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi thấy mình cần phải thay đổi phương pháp dạy học, mục tiêu giáo dục của bản thân. Tôi từng coi kỉ luật thép bằng nội qui, qui định; Giảng dạy bằng việc nhồi nhét kiến thức mang tính học thuật, lí thuyết trên sách vở.
Ví dụ: Không học bài sẽ chép phạt bài đó 5 lần; Nói chuyện, đi học muộn, vi phạm đồng phục sẽ bị phạt theo qui trình tăng cấp. Và ở mức cao hơn tôi sẽ gọi điện, gặp phụ huynh, gây thêm sức ép giáo dục từ phía gia đình. Khi các con vi phạm, tôi chỉ biết áp dụng việc phạt, phạt và phạt… Điều đó có mang lại kết quả, song tôi nhận ra, đó chỉ là sự thay đổi mang tính chất đối phó, thậm chí là thái độ xa lánh, bất mãn với tôi. Những “bi kịch không được hiểu” xuất hiện…
Cũng từng gặp phải những “bi kịch”, cô Hoàng Thu Trang chia sẻ, thời điểm còn dạy tại trường THPT Hoàng Cầu được nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm 2 lớp, khi đó cô là GV trẻ nhất trong đội ngũ chủ nhiệm lớp đôi.
Cô kể: Bắt tay vào công tác quản lý lớp, tôi xây dựng chế độ kỉ luật thép, siết chặt mọi quy định. Với tôi, lớp học như một doanh trại quân đội, khẩu hiệu lúc đó tôi giương cao trong lòng cũng như trong lớp hệt như quân đội “kỉ luật là sức mạnh của tập thể lớp”. Tôi hào hứng, say mê trong việc xử lí kỉ luật, trách mắng, đưa ra hình thức phạt với HS. Tôi luôn có ý thức xây hàng rào phân định rạch ròi để “thầy ra thầy, trò ra trò”. Tôi thường chăm chăm chú ý vào việc học, điểm số của HS, HS đi sớm hay muộn, đúng đồng phục hay sai mà không mấy khi chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa…
Và kết quả là dù một hay hai lớp, dù lớp đầu vào khá hay đầu vào thấp thì dưới bàn tay cô giáo Trang, các lớp đều nền nếp, khuôn khổ, đi học đầy đủ, đúng giờ; trong các giờ học trật tự; đồng phục chuẩn; tỉ lệ tốt nghiệp các lớp 12 đều 100%, lớp nào cũng được khen “tập thể lớp xuất sắc”… Nhưng phía sau kết quả đó là gì?
Cô Trang bày tỏ: Phần lớn HS sợ tôi. Ánh mắt nhiều em nhìn tôi rất e dè. Các em làm gì cũng nem nép xem có cô chủ nhiệm ở đó không, luôn lo lắng mình làm thế này đã đúng ý cô chưa?... Nhìn bên ngoài tập thể lớp tôi vẫn yên bình, chan hòa, tiến bộ; cô trò vẫn có những giây phút vui vẻ, thoải mái nhưng cảm nhận trong lòng tôi và ánh mắt học trò cho thấy – cả hai đều thiếu cảm giác hạnh phúc thực sự, không có hơi ấm ngập tràn...
Thầy cô thay đổi
Cô Hồng Hạnh quyết định đi tìm giải pháp cho “bi kịch” của mình. Cô bộc bạch: Tôi quyết định thay đổi phương pháp dạy học mang tên “dạy bằng tình yêu”. Với tôi, lớp học, các con là một gia đình. Là gia đình phải vui vẻ, hạnh phúc. Vì vậy, những câu nói hóm hỉnh, tình huống hài hước, theo tôi đem lại hiệu quả cao hơn là sự căng thẳng, nặng nề và trách phạt…
Cô Hạnh xúc động kể: Khi chạm đến trái tim người học, khi “bi kịch không được hiểu” của tôi được giải quyết, không khí lớp học trở nên nhẹ nhàng. Mọi vấn đề qui định được đem ra bàn luận, điều chỉnh và thống nhất. HS tự chủ trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện của mình. Và nếu có vi phạm, các em phải chấp nhận kỉ luật đã đưa ra. Tuy nhiên, mỗi cá nhân là một cá tính. Vì vậy, tôi cũng linh hoạt trong xử lí để HS vừa không coi thường kỉ luật, vừa thấy cách xử lí của cô thấu tình đạt lí.
“Đặc biệt, dạy bằng tình yêu, tôi nhận ra các em cũng học bằng trái tim. HS của tôi tập trung hơn trong tiết học, tương tác tốt với bài giảng, giờ dạy trở nên hứng thú, vui vẻ. Các em bắt đầu có nhu cầu được chia sẻ những bí mật với cô và tôi đã cảm nhận được niềm vui đúng nghĩa của một người mẹ thứ hai của học trò sau những giờ trên lớp”, cô Hạnh chia sẻ.
Còn với cô Hoàng Thu Trang, khi nhận diện rõ sự bất ổn, cô hiểu rằng mình không thể không thay đổi. Thay đổi theo hướng tạo ra một lớp học hạnh phúc – nơi cả cô trò đều cảm thấy ấm áp yêu thương, luôn muốn gắn bó, luôn tràn ngập tiếng cười...
Cô cho biết: Tôi dần biết chấp nhận những sai lầm, yếu kém của học trò, coi đó là đối tượng, nhiệm vụ giáo dục của mình. Nói như vậy không có nghĩa là tôi thỏa hiệp, bỏ qua vi phạm của HS. Tôi vẫn xử lí đều, khá triệt để và không quên bất kì một vi phạm nào nhưng khác ở chỗ: Tôi biết bao dung, yêu thương hơn khi nhìn vào lỗi lầm của các em; tôi biết kiên nhẫn trong việc uốn nắn HS từ sai thành đúng, từ yếu kém dần trở nên khá hơn… Cách nhìn đó đã chi phối cách xử lí trò của tôi khiến nó trở nên mềm mỏng, nhân văn, có tình hơn.
Để hóa giải những “bi kịch”, cô Trang còn tích cực đối thoại và lắng nghe HS. Thay vì tuyên phạt một chiều, trách mắng xối xả như trước kia, cô đã lắng nghe HS trình bày để chắt lọc thông tin, để hiểu trò hơn. Cách làm như vậy khiến HS cảm thấy thỏa lòng, có bị phạt vẫn vui vẻ chấp nhận…
Cô Trang trở nên gần gũi trong mắt học trò, bởi luôn quan tâm đến các em từ những điều nhỏ nhất. Cô cho rằng, HS THPT tương đối tự lập. Nhưng trong sâu thẳm HS vẫn muốn nhận được sự quan tâm, vẫn cảm động khi nhận được sự quan tâm từ cô giáo mà các em vốn nghĩ đó không phải là cô của riêng mình.
Cô quan tâm, để ý HS từ mái tóc các em mới cắt, từ màu son các em mới tô, từ đồ ăn thức uống các em ăn trong giờ ra chơi cho đến dáng vẻ mệt mỏi, cơn ho của các em…“Những điều tôi quan tâm vừa là cách để nhắc nhở các em việc thực hiện nền nếp nhưng hơn thế thể hiện sự quan tâm chân tình, tạo mối quan hệ ấm áp giữa cô với trò. Thêm nữa, cách tôi quan tâm đến HS đó sẽ lan tỏa một lối sống đẹp đến các bạn khác trong lớp. Các em sẽ biết quan tâm đến nhau, đến các thành viên trong gia đình thay vì đắm mình trong thế giới ảo, sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm…”, cô chia sẻ.
Khó nhưng phải làm
Theo cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội): Con đường đi tới lớp học hạnh phúc, ngôi trường hạnh phúc không hề bằng phẳng, thẳng tắp mà đó là một hành trình dài, nhiều gian nan và cũng lắm thử thách. Những giọt mồ hôi rơi trên bục giảng, giọt nước mắt lặng lẽ giấu đi, hay tiếng thở dài sau những ngày miệt mài làm việc…, tất cả những điều đó dường như sẽ vơi bớt đi, nhẹ nhàng đi khi được xoa dịu bằng những lời yêu thương, cử chỉ yêu thương, ánh mắt yêu thương và trái tim biết yêu thương…
Hơn 10 năm làm GV chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Hiền, dạy môn Hóa học (Trường THPT Hoàng Cầu) gặp phải không ít điều trớ trêu, những “ca khó” từ học trò. Có HS lúc đầu ương bướng và lười học, bố mẹ bất lực với con… Sau nhiều lần trách phạt không thấy HS chuyển biến, cô Hiền tìm hiểu và biết sở thích của em là chơi bi-a. Cô đã trở thành bạn của em khi trò chuyện về sở thích này, rồi hướng sở thích vào việc học. Dần dần, em đã thay đổi một cách tích cực, chăm học hơn, không còn nghịch ngợm, chọc phá lớp… và vẫn thỉnh thoảng khoe với cô chủ nhiệm những kỹ thuật khi chơi bi-a. Còn cô Hiền thì nghiệm ra rằng: Hạnh phúc không phải điều gì lớn lao mà là những việc làm giản dị… Phạt HS thì dễ, nhưng làm thế nào để giúp HS thay đổi mới khó.
Tuy nhiên, cũng như nhiều GV khác, cô Hiền tâm tình: Tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho HS cảm giác hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn nếu như bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng đều mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu chán nản... Tôi nghĩ bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến HS một trạng thái bình an. Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất.
Trăn trở xây dựng trường học hạnh phúc từ tình yêu thương, cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập lý giải: Lớp học hạnh phúc là nơi giúp GV và HS hình thành, duy trì các cảm xúc tích cực. Mỗi lớp học hạnh phúc sẽ góp phần tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Được tham gia vào các lớp học hạnh phúc sẽ giúp mỗi cá nhân thiết lập được tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp. Thầy thấy yêu nghề hơn, trò yêu trường, yêu lớp hơn... Lớp học hạnh phúc được xây lên từ trái tim biết cho đi yêu thương và chúng ta cũng sẽ nhận lại được quả ngọt từ sự yêu thương đó.
Cần giải pháp đi kèm
Đồng tình với quan điểm trên, TS Hoàng Trung Học, Chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh: Xây dựng trường học hạnh phúc là một việc rất khó khăn. Bởi để mang lại cảm xúc nghề nghiệp hạnh phúc thực sự cho người thầy, cần chăm lo, bảo đảm những điều kiện vật chất tối thiểu. Thực tế, khi phải lo toan cuộc sống thường nhật, người thầy khó chuyên tâm cho công việc giáo dục. Thu nhập của GV hiện tại vẫn còn thấp, gây nhiều khó khăn cho các thầy, cô, đặc biệt là GV mầm non, tiểu học.
Ngoài ra, giá trị nghề nghiệp của người thầy phải thực sự được trân trọng. Khoảng 20 năm trở lại đây, vị thế của người thầy có sự thay đổi đáng kể theo hướng tiêu cực. Xã hội có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn, gây áp lực nhiều hơn và sự trân trọng, thấu cảm dường như dần trở nên hạn chế. Điều này ảnh hưởng lớn đến thái độ nghề nghiệp của người thầy. Hơn nữa, người thầy cần phải được giải phóng khỏi những sức ép không cần thiết. Hiện tại, GV đang phải chịu quá nhiều áp lực trong và ngoài chuyên môn.
Xã hội và cha mẹ HS cần đồng nhất về cách tiếp cận, trân trọng người thầy, chia sẻ cùng nhà trường và hiệp đồng để cùng giáo dục, mang lại hạnh phúc cho HS và GV. Nhà trường suy cho cùng cũng chỉ là một thành tố trong xã hội, phản chiếu đời sống xã hội. Vì vậy, nếu xã hội và phụ huynh không cùng đồng hành, hỗ trợ nhà trường thì sự nghiệp xây dựng trường học hạnh phúc khó thành công.