Ngành giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Thủ đô nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nổi cộm đó là vấn đề bạo lực học đường hay vấn đề đạo đức của người làm công tác giáo dục.
Hội thảo được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, giáo viên |
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi nhận thức, tạo động lực cho GV có đủ kĩ năng, thói quen thay đổi bản thân để đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Trong khi đổi mới giáo dục, điều kiện tiên quyết là từ chính những nhà giáo, người sẽ lan tỏa nhân rộng tới các HS chứ không phải chỉ dừng lại ở việc đổi mới chương trình đào tạo.
Việc chuyển biến đội ngũ nhà giáo sẽ có khả năng tác động lên đội ngũ học sinh, chính điều này quyết định tới chất lượng đầu ra về năng lực và phẩm chất của HS trong tương lai. Đây cũng là giải pháp hạn chế những tiêu cực trong ngành GD hiện nay.
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: Tìm ra giải pháp, phát huy nội lực, nâng cao năng lực trình độ, tạo động lực để mỗi nhà giáo có thể tự lãnh đạo chính mình. Để làm được điều đó, trước hết mỗi nhà giáo phải tự đánh giá được bản thân có những ưu điểm và hạn chế nào trong quá trình thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp. Từ đó, các nhà quản lý giáo dục có khả năng kiến thiết hệ thống Nhà trường thế kỷ 21 với tầm nhìn, mục tiêu thống nhất, tạo động lực phát triển tiềm năng của từng GV và xây dựng môi trường giáo dục phát triển toàn diện cho nhiều thế hệ HS trong tương lai.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục về chương trình “7 thói quen” đã tác động như thế nào tới mỗi GV trong quá trình dạy và sự thay đổi của HS. Chương trình được TS. Stephen Cover tổng hợp thành phương pháp luận trên cơ sở phân tích, nghiên cứu kĩ lưỡng các trường hợp. Thông qua việc thực hiện 7 thói quen, không chỉ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi nhà giáo mà sẽ dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. Mỗi nhà giáo sẽ áp dụng các thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua những áp lực của cuộc sống và thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp của mình tạo nên nhiều trường học hạnh phúc.