Cần làm rõ những quy định về đạo đức nhà giáo trong Luật

GD&TĐ - Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục (Bộ GD&ĐT) - đây là một trong nhiều giải pháp nhằm nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Cần giảm áp lực cho nhà giáo cả trong và ngoài nhà trường. Ảnh: Thế Đại
Cần giảm áp lực cho nhà giáo cả trong và ngoài nhà trường. Ảnh: Thế Đại

Nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm đạo đức nhà giáo

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh một số hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng đã xảy ra đã khiến dư luận hết sức bất bình, gây ảnh hưởng xấu đến ngành. Nói về nguyên nhân xảy ra vụ việc trên, theo ông Hoàng Đức Minh, vẫn còn tồn tại áp lực về mặt thành tích trong giáo dục, xuất phát từ các phong trào do địa phương đưa ra, đặc biệt là các phong trào, giải pháp đề ra từ các cơ sở giáo dục khiến giáo viên quá tải, áp lực, dẫn đến có những hành vi không đúng chuẩn mực.

Bên cạnh đó, năng lực của một bộ phận CBQL cơ sở giáo dục tại các địa phương vẫn còn yếu kém, còn buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, giám sát hàng ngày, thiếu sự bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với giáo viên; chưa chủ động nắm bắt thông tin để ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, thậm chí vô cảm trước những gì tiêu cực đang diễn ra tại ngay cơ sở giáo dục.

Một bộ phận nhỏ giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ của mình; chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo; thiếu phương pháp sư phạm, thiếu kinh nghiệm ứng xử trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới hành vi vi phạm thân thể học sinh; ở một số nơi, cán bộ quản lý các cấp chưa chủ động nắm bắt thông tin để ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời;

“Cũng phải nói đến nguyên nhân từ công tác đánh giá giáo viên, thi đua khen thưởng, tôn vinh đội ngũ ở một số trường thực hiện còn hình thức, né tránh, ngại va chạm nên kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng thực trạng đội ngũ giáo viên. Một số địa phương chưa bố trí đủ số lượng người làm việc và định mức giáo viên/lớp gây ra quá tải công việc cho một số giáo viên. Công tác sàng lọc qua tuyển dụng, công tác đánh giá, sử dụng giáo viên vẫn còn hạn chế nên dẫn đến tuyển dụng và sử dụng những giáo viên không có năng lực và phẩm chất để thực hiện vai trò giáo dục” - ông Hoàng Đức Minh cho biết thêm.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Giảm sức ép cho giáo viên, xử lý nghiêm khắc vi phạm

Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định về đạo đức nghề nghiệp, đã chỉ đạo lãnh đạo các Sở GD&ĐT phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn tới các cơ sở giáo dục và giáo viên. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các quy định của ngành tới giáo viên còn hạn chế, yếu kém; truyền thông cũng đã đưa những vụ việc vi phạm trước đây và biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm nhằm tuyên truyền, cảnh báo nhưng công tác này triển khai ở địa phương vẫn còn hạn chế, dẫn đến vẫn còn tình trạng vi phạm.

 Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khảo sát trên diện rộng đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ học sinh, người dân và học sinh, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở các vùng miền trong cả nước về môi trường giáo dục, từ đó mở diễn đàn để huy động cộng đồng tham gia, hiến kế, chia sẻ để phát hiện và đề ra các giải pháp để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, bức xúc của giáo dục.
Ông Hoàng Đức Minh

Để khắc phục, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ông Hoàng Đức Minh cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp, như: Chủ động nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục xác minh, giải quyết nhanh, kịp thời các tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Chỉ đạo địa phương quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo. Thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT, các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh. Có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lí, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra.

Bộ GD&ĐT cũng tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học. Xử lý nghiêm khắc các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Cùng với chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng như các quy định của ngành tới từng CBQL, giáo viên, nhân viên, Bộ GD&ĐT đồng thời tăng cường bồi dưỡng CBQL cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý trường học, nâng cao trách nhiệm của CBQL cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục tại nhà trường.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động tổ chức sinh hoạt các chuyên đề về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo nhằm nâng cao năng lực ứng xử sư phạm và ý thức nghề nghiệp, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho giáo viên. Chỉ đạo các địa phương bố trí đủ số lượng người làm việc và định mức giáo viên/lớp tránh gây ra quá tải công việc cho một số giáo viên. Tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí về nhà giáo và CBQL giáo dục để bổ sung, hoàn thiện. Đổi mới công tác đào tạo, tăng cường lồng ghép nội dung về chuẩn, về đạo đức nhà giáo vào chương trình đào tạo.

Theo ông Hoàng Đức Minh, Bộ GD&ĐTđã và đang tập trung rà soát xem có hay không việc áp đặt thi đua trong chỉ đạo nghiệp vụ, thi đua, trong các văn bản về Điều lệ trường học đã ban hành, trong các qui định của địa phương, từ đó khẩn trương chỉnh sửa, ban hành mới (nếu có) để giảm sức ép, áp lực thi đua đối với giáo viên, CBQL giáo dục”.

“Bộ GD&ĐT đang soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội Luật Giáo dục sửa đổi để làm rõ những nội dung quy định về đạo đức nhà giáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn/tiêu chuẩn CBQL giáo dục Sở/Phòng GD&ĐT, trong đó đều có quy định về đạo đức nhà giáo, CBQL giáo dục, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” - ông Hoàng Đức Minh cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...