(GD&TĐ) - Chỉ tính riêng 5 kịch bản phim truyền hình dài tập Gọi giấc mơ về, Đồng hồ cát, Những ngày hè xanh, Hoa ngũ sắc, Cổng mặt trời… cũng đủ để tên tuổi của Đặng Thanh (tên thật là Đặng Trần Triều Thanh, sinh năm 1979) trở thành “ngôi sao” trong làng biên kịch phim dành cho tuổi học trò hiện nay.
PV: Nhiều người cho rằng Đặng Thanh đã trải qua thời đi học đầy thú vị nên mới cho ra đời những kịch bản phim dành cho học sinh - sinh viên sâu sắc và đầy tính nhân văn như thế?
* Cách đây vài năm, tuổi học trò thật sự “đói” những bộ phim mang tính giáo dục, lành mạnh dành cho lứa tuổi của mình. Điều đó làm cho tôi vô cùng trăn trở. Và khi ngồi vào viết kịch bản cho lứa tuổi này, tôi thấy thật thú vị bởi cảm giác như mình đang sống lại cái thời thơ mộng dấu yêu ấy. Tôi đã trải qua thời đi học phổ thông cho đến khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học KHXH&NV TPHCM thật đẹp, nhiều kỷ niệm vui buồn không thể nào quên được. Nhân vật cô học trò tên Phụng trong Gọi giấc mơ về thấp thoáng hình ảnh của tôi, các nhóm nam nữ sinh viên trong Những ngày hè xanh hay Cổng mặt trời cũng lấy chất liệu rất thật từ chính quãng đời sinh viên của tôi, của bạn bè xung quanh tôi, nên nhận được sự đồng cảm của khán giả teen bởi những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim.
Nhà biên kịch Đặng Thanh |
PV: Thời gian qua, có không ít bộ phim truyền hình dành cho tuổi học trò ra đời gây thất vọng người xem khi xây dựng nhân vật không phù hợp, nhiều tình tiết quá “vô tư” không thể chấp nhận được. Ý kiến của chị như thế nào?
* Làm phim cho tuổi học trò không phải là ca ngợi những cái bồng bột, thiếu chín chắn và hoang tưởng của các em. Mà trái lại, cần phải mang tính giáo dục, tính định hướng cho các em từ các chi tiết hết sức đơn giản, nhỏ nhặt của cuộc sống. Đành rằng phim ảnh là có thể cách điệu, thêm bớt để tăng tính hấp dẫn. Nhưng nếu “làm quá” sẽ làm khán giả tuổi teen – đối tượng chính của bộ phim cũng thấy nó đi xa với thực tế của mình, đồng thời khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì sợ con em mình sẽ bắt chước theo phim thì sẽ… rất nguy.
PV: Phim truyền hình đang “nở nồi” như hiện nay khiến kịch bản luôn thiếu. Điều này đồng nghĩa với việc nghề biên kịch như chị đang đắt show, “hốt bạc” không kém gì các ca sĩ – diễn viên tuổi teen?
* Nhiều người đánh giá là nghề biên kịch phim hiện nay rất dễ ăn và “hốt bạc”. Nhưng có làm mới biết. Nó rất vất vả và đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, đam mê phim ảnh cũng như có nhiều kinh nghiệm sống. Khi hội đủ những điều kiện trên thì mới có thể phát triển được nghề. Kinh nghiệm sống sẽ cho ta cái nhìn sinh động về con người, sự vật, hiện tượng trong xã hội và giúp ta xây dựng hình tượng nhân vật logic, thực tế đi vào lòng người bằng những cảm xúc thật. Từ đó sẽ giúp ta hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh như nhà sản xuất mong muốn. Vấn đề quan trọng khác, viết kịch bản – cũng như viết văn, là một lao động công phu, tốn nhiều thời gian, dù anh có muốn nhanh để “hốt bạc” cũng không được.
Cảnh trong phim "Gọi giấc mơ về" |
PV: Chị đặt tiêu chí nào cho việc sáng tác kịch bản phim truyền hình trong thời điểm phim đang thừa “lượng” và thiếu “chất” như hiện nay?
* Trong kịch bản, tôi luôn quy ước có những phân cảnh được diễn ra nhanh chóng và gợi ý cho khán giả tự phán đoán, sau đó tôi sẽ cho kết quả ở các phân cảnh tiếp sau. Nhưng đạo diễn và diễn viên lại không thấy thế, họ đã kỹ lưỡng thêm thắt tình huống diễn giải cho nội dung cụ thể hơn, vô hình trung lại khiến cho câu chuyện kéo dài không cô đọng. Hoặc có những cảnh hài đạo diễn và diễn viên thích “tung hứng” thêm… Nên tôi có muốn cũng không thể can thiệp sâu hơn nữa. Kịch bản của tôi phải chặt chẽ và gắt gao trong các tình tiết. Từng phân cảnh là từng mắt xích quan trọng trong phim.
PV: Hình như chị không mặn mà với kịch bản phim điện ảnh (phim nhựa) mặc dù thể loại này mới nhanh chóng giúp tên tuổi một biên kịch lên vị trí đỉnh cao?
* Viết kịch bản cho phim truyền hình hay phim điện ảnh cũng là một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc. Tôi đang thử sức viết một kịch bản phim điện ảnh bởi tôi cảm thấy ý tưởng của mình khá hay. Với tôi, được làm đúng nghề mình đam mê là điều rất hạnh phúc rồi.
PV: Không chỉ thành công với đề tài phim tuổi học trò, kịch bản phim hài và tình yêu của chị cũng được khán giả rất yêu thích?
* Bất cứ ai làm nghệ thuật cũng không cho phép mình được “đóng khung” trong một lĩnh vực mà phải có sự đa dạng để tránh sự nhàm chán, lập lại, trước tiên là với bản thân mình, sau đó là với khán giả. Tôi rất vui vì những kịch bản phim hài và đề tài tình yêu như Vòng xoáy tình yêu, Cái bóng bên chồng, Mộng phù du, Sóng đời, Vòng tay ấm, Vị yêu, Giấc mơ cổ tích… của tôi khi lên sóng đều tạo được sự phản hồi tích cực từ phía khán giả.
PV: Theo chị, trong thời gian sắp tới, thể loại kịch bản nào trong phim Việt sẽ lên ngôi?
* Hiện tại, nhà sản xuất vẫn ưu tiên cho các kịch bản dành cho tuổi teen vì hầu hết những bộ phim dành cho lứa tuổi này đều có ra-ting rất cao và thu hút nhà tài trợ. Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến trái chiều về dòng phim truyền hình lịch sử cho thấy phim lịch sử là phim rất khan hiếm và nội dung phải có kiểm định khá gắt gao. Nếu đơn vị nào có thể sản xuất dòng phim lịch sử thành công thì đơn vị đó sẽ thắng thế. Nhưng điều này vẫn còn là một bài toán khó chưa có đáp số. Ngoài ra, các dòng phim truyền hình hiện nay cũng khá phong phú và đa dạng về thể loại, đó sẽ là một thách thức cho các nhà biên kịch khi tìm đề tài mới cho phim trong thời gian sắp tới.
Cảnh trong phim "Cổng mặt trời" |
PV: Thế còn thể loại phim ca nhạc, hay việc chuyển thể phim truyền hình nước ngoài thì sao?
* Với thể loại phim Việt hóa từ phim (truyền hình) nước ngoài thì có cái hay và cái khó riêng. Hay là vì phim đã được kiểm chứng mức độ hấp dẫn của khán giả trong và ngoài nước. Nhưng nếu không được Việt hóa tốt sẽ để lại những bất cập về quan niệm, tư tưởng và lối sống của các nhân vật trong phim. Còn với thể loại phim truyền hình ca nhạc thì nếu thực hiện tốt, phim sẽ rất “hot”. Tôi cũng đang dấn thân vào công việc này nên tôi hiểu rất rõ. Mỗi bài hát là một phong cách, thể loại nhạc riêng khiến cho độ khó của phim tăng cao về mặt kinh phí lẫn ý tưởng. Tuy nhiên, hai loại phim này đang “được lòng” khán giả tuổi teen.
PV: Một số bộ phim của chị rất “đình đám” nhưng khán giả thường chỉ biết đến đạo diễn hay diễn viên mà “quên” mất biên kịch, chị có khi nào chạnh lòng về điều này?
* Ít nhiều gì cũng có. Nhưng vì đặc thù của nghề là vậy nên cũng đành chấp nhận. Đôi khi tôi lại tự an ủi rằng “Phim của mình hay, được khán giả yêu thích là đủ”. Tôi đã nhiều lần tranh luận cùng nhà sản xuất để đưa ra một kịch bản chặt chẽ nhất. Với tôi, chất lượng là hàng đầu, không thể qua loa sơ sài khiến khán giả mệt mỏi theo dõi câu chuyện, nhất là khán giả tuổi học trò.
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Song Minh – Thanh Tâm
(Thực hiện)
Trong giới biên kịch trẻ hiện nay, có thể nói Đặng Thanh là người có nhiều kịch bản phim truyền hình ăn khách nhất. Trong đó, bộ phim Gọi giấc mơ về (2006) và Giấc mơ cổ tích (2009) trở thành “hiện tượng” của phim truyền hình; Vòng tay ấm đoạt giải vàng trong “Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2010”; Cổng mặt trời lọt vào Top 5 của Mai Vàng 2010 và được khán giả bình chọn trên diễn đàn điện ảnh là “Phim truyền hình hay nhất năm 2010”. |