Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Dũng sĩ hai lần bắn rơi máy bay Mỹ

GD&TĐ - Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng dòng hồi ức về những trận chiến sinh tử vẫn còn nguyên vẹn trong từng câu chuyện của thương binh Đinh Xuân Lý - người hai lần được phong Dũng sĩ diệt máy bay.

Thương binh - dũng sĩ Đinh Xuân Lý hồi tưởng những kỉ niệm thời lửa đạn.
Thương binh - dũng sĩ Đinh Xuân Lý hồi tưởng những kỉ niệm thời lửa đạn.

Những phen thoát chết trong gang tấc

Năm 1971, Đinh Xuân Lý tròn 20 tuổi, trái tim trẻ trai đang tràn đầy hoài bão với ước mơ bước vào giảng đường đại học. Niềm vui lớn đã đến khi anh nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Nhưng trước vận mệnh chung của Tổ quốc giữa giai đoạn ác liệt của chiến tranh, người thanh niên ấy đã quyết định gác lại chuyện học hành để cầm súng vào chiến trường miền Nam. “Khi được bố đưa cho tờ giấy báo trúng tuyển đại học, thực sự là tôi cũng mừng lắm. Tuy vậy, trong lòng đã quyết nên tôi chỉ nói dứt khoát rằng bố cất đi, nếu con còn sống thì sẽ quay lại học cũng chưa muộn”, ông Lý bồi hồi nhớ lại.

Sau khi xuất phát từ Thái Nguyên, lên tàu vào đến Quảng Bình, đi bộ hành quân bên đất Lào, đơn vị của ông đến Kon Tum vào 24/4/1972. Ngay trong ngày đầu tiên có mặt ở chiến trường, đoàn quân đã phải chịu thử thách vô cùng dữ dội. Trận bom từ B52 của kẻ thù đã khiến tám chiến sĩ trẻ hi sinh. Hôm đó, ông và mọi người đã không thể ăn nổi cơm tối khi phải đau đớn chôn cất đồng đội.

Cũng từ đây, Đinh Xuân Lý đã trải qua nhiều phen sinh tử nơi chiến trận, trong đó có ba lần thoát chết trong gang tấc dưới mưa bom bão đạn.

Lần thứ nhất, vào tháng 5/1972, là trong một chiến dịch bao vây đánh địch tại thị xã Kon Tum. Hôm đó, ông và mấy đồng đội được cử đi lấy gạo cho đơn vị. Lúc bị máy bay địch oanh kích, ông nằm xuống tránh bom, ba lô gạo vẫn đè trên lưng. Khi về đến nơi, phát hiện ba lô có vết thủng, đổ gạo ra mới thấy có mảnh bom to bằng hai ngón tay ở trong. “Lúc đó, tôi bàng hoàng cả người. Nếu như không có ba lô gạo che chắn thì chắc mảnh bom đã găm vào lưng và cướp đi mạng sống của tôi rồi”, ông xúc động kể.

dung-si-hai-lan-ban-roi-may-bay-my-1.jpg
Chiếc bình tông và ba lô còn vết thủng do bị mảnh đạn găm phải từ trong chiến trận.

Lần thứ hai, tháng 11/1972, trong trận đánh ở Chư Phổ (Gia Lai), bị trúng đợt pháo của địch, nhóm ông có năm người thì ba đồng đội hi sinh, một đồng đội bị cụt chân, riêng ông bị gãy hai xương sườn, mảnh đạn vẫn nằm lại trong người từ đó cho đến tận bây giờ. “Hơn 50 năm qua, cứ trái gió trở trời là mảnh đạn trong người lại khiến vết thương cũ đau nhức. Nhưng như thế có là gì đâu. Mình vẫn còn may mắn hơn nhiều so với đồng đội rồi”, ông trầm giọng nói.

Lần thứ ba, vào năm 1973, ông và một đồng đội nữa nhận nhiệm vụ đi trinh sát đồn địch để bố trí trận địa. Bị giặc phục kích nên hai người bắn trả và tiêu diệt được một tên địch. Ông cũng bị một viên đạn sượt qua thái dương, thật may mắn khi chỉ bị rách da. Đến tận bây giờ, mỗi lần sờ lên vết sẹo như vết dao chém còn hằn trên đầu, ông vẫn không hiểu tại sao mình có thể thoát chết một cách thần kì như vậy.

Trải qua những sinh tử nơi chiến trường, sau ngày chiến thắng trở về, vào 7/1975, ông thi đỗ vào Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương, trở lại thực hiện ước mơ tuổi trẻ. Học xong và ra trường, ông công tác trong ngành Thuế tại Thái Nguyên và gắn bó tận đến khi về nghỉ chế độ.

dung-si-hai-lan-ban-roi-may-bay-my-3.jpg
Hai tờ báo Nhân dân đặc biệt được ông Đinh Xuân Lý cất kỹ trong đáy ba lô suốt hơn 50 năm qua.

Hai lần bắn rơi máy bay Mỹ

Được huấn luyện bộ binh trước khi nhập ngũ ở Thái Nguyên, nhưng do tình hình điều kiện thực tế, khi vào đến chiến trường miền Nam ông Lý lại trở thành lính phòng không. Vừa học hỏi những đồng đội đi trước, vừa tranh thủ tự mày mò tìm hiểu, ông được tín nhiệm phân công làm xạ thủ số 1 của khẩu đội súng máy cao xạ. Điều đặc biệt, mặc dù chỉ là xạ thủ “tay ngang”, nhưng dũng sĩ Đinh Xuân Lý đã hai lần bắn rơi máy bay Mỹ.

Ngày 12/8/1972, máy bay phản lực của địch bắn phá, thả bom khu vực Đồn Tầm (Gia Lai). Khoảng giữa chiều hôm đó, sau hơn 1 tiếng đồng hồ chiến đấu, ông nhả đạn chính xác khiến một chiếc máy bay AD-6 địch bốc cháy khi rút chạy về hướng Đà Nẵng. Xạ thủ Đinh Xuân Lý sau đó được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay.

Ngày 15/5/1973, tại ngã ba Phước Thiện (Gia Lai), hàng chục máy bay của địch lao đến ném bom để chuẩn bị đổ bộ hòng đánh chiếm khu vực giải phóng của ta. Buổi sáng hôm đó, chiếc trực thăng đi đầu vừa đến, ông lập tức ra quyết định và bắn hạ, tiêu diệt được toàn bộ 13 tên địch trên máy bay, những chiếc khác buộc phải tháo chạy. Nhờ chiến công này, ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay lần thứ hai.

Trước những chiến công ấy, dũng sĩ Đinh Xuân Lý chỉ giản dị nói: “Đời binh nghiệp thì thử thách là không tránh khỏi nhưng chúng tôi lúc nào cũng thừa hăng hái, được ra trận là quyết chiến. Những lúc đối diện với máy bay kẻ thù thì không suy nghĩ gì khác ngoài việc phải bắn hạ chúng bằng được. Khi đó chẳng người chiến sĩ nào nghĩ đến cái chết, cũng chẳng nghĩ đến thành tích danh hiệu, mà chỉ có tập trung vào tiêu diệt kẻ thù”.

Ông Lý tiết lộ về một điều đặc biệt đã tạo động lực, sức mạnh và ý chí mãnh liệt cho ông từ suốt những năm chiến trường cho đến tận bây giờ. Đó là hai tờ báo Nhân dân đặc biệt. Câu chuyện của ông quay trở lại những năm tháng tuổi đôi mươi, vào năm 1971, khi bắt đầu bước vào huấn luyện để chuẩn bị ra trận. Chàng trai trẻ Đinh Xuân Lý khi ấy đã tìm xin được hai tờ báo Nhân dân gồm: Số ra ngày 5/9/1969, đăng Thông cáo đặc biệt của Trung ương về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần; Số ra ngày 10/9/1969 đăng Lời di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch.

“Cả đất nước khi đó chung một quyết tâm biến đau thương thành hành động. Chúng tôi lên đường ra trận cũng trong tinh thần mãnh liệt ấy. Hai tờ báo Nhân dân đặc biệt này tôi cất kỹ dưới đáy ba lô, trở thành nguồn sức mạnh nung nấu ý chí tinh thần chiến đấu suốt những năm bom đạn”, người cựu chiến binh già rưng rưng nói về kỷ vật thiêng liêng của cuộc đời mình.

Hai tờ báo đặc biệt này vẫn được ông giữ gìn cẩn thận, gấp gọn gàng cất kỹ trong đáy chiếc ba lô có vết thủng do mảnh đạn từ chiến trường năm nào. Cùng với đó là một số kỷ vật như chiếc bình tông, tờ Học Tập (Tạp chí Lý luận và Chính trị của Đảng Lao động Việt Nam) tháng 2 năm 1973 được ông mang từ trong chiến trường trở về.

Tất cả những hiện vật lịch sử này đã được ông hiến tặng và đang được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, như những chứng tích giản dị mà thiêng liêng một thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thuyền ngư phủ thả lưới săn vờ từ lúc 3 giờ sáng, giữa dòng sông Hồng tĩnh lặng.

Con vờ vờ chắp cánh tuổi thơ

GD&TĐ - 3 giờ sáng, khi thành phố còn say ngủ, những ngư phủ vùng sông Hồng đã chèo thuyền ra giữa dòng, bắt đầu chuyến săn 'tôm bay'.