Quảng Trị được mệnh danh là miền đất “khói lửa”, bởi mỗi địa danh, mỗi tấc đất, dòng sông… đều nhuốm màu đau thương và ghi đậm dấu tích một thời đạn bom. Nhưng mỗi người dân nơi đây luôn khát khao vượt khó vươn lên, để vùng đất này trở thành điểm đến của hòa bình và phát triển.
Hồi sinh từ tro tàn chiến tranh
“Đất lửa” Quảng Trị nằm giữa dải đất hình chữ S, khúc ruột miền Trung, nhưng nơi đây là minh chứng oai hùng về ý chí kiên cường trong đấu tranh, lẫn kỳ tích về sự hy sinh. Không có nơi đâu lại sở hữu và lưu giữ nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng như Quảng Trị.
Với gần 500 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích xếp hạng quốc gia, nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; để du khách và người dân cả nước hướng về tri ân các anh hùng, liệt sĩ.
Miền “đất lửa” ấy xưa kia là những chiến trận oanh liệt, mỗi mét vuông đều in dấu tích của bom đạn, của chiến tranh. Dọc Quảng Trị hôm nay, đi từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ, những chứng tích từ chiến tranh để lại.
Cầu Hiền Lương - Bến Hải ở huyện Vĩnh Linh (Vĩ tuyến 17) trong chiến tranh là chứng tích của sự chia cắt đất nước suốt hơn 2 thập kỷ. Ngày nay, cây cầu này trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi được địa phương chọn tổ chức Lễ hội “Thống nhất non sông” hàng năm như biểu tượng của khát vọng độc lập, thống nhất. Nơi đây cũng là bài học nhắc nhở thế hệ sau luôn phải gìn giữ hòa bình và thống nhất mà bao người đã hy sinh xương máu để giành được.
Thành cổ Quảng Trị, trong chiến tranh là chiến trường khốc liệt 81 ngày đêm “Mùa Hè đỏ lửa” 1972; tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và trong đấu tranh ngoại giao.
Thất bại ở Thành cổ buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chiến thắng trên góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975.
Kết thúc chiến tranh, Quảng Trị có hơn 18.000 liệt sĩ và hơn 11.000 thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh và hàng chục nghìn người có công với cách mạng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 60.000 liệt sĩ đang an nghỉ. Trong đó, có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn anh hùng liệt sĩ.
Thành cổ Quảng Trị được xem là “nấm mồ chung” của hàng nghìn liệt sĩ. Quảng Trị được xem là “bàn thờ chung” của cả nước, luôn chăm sóc chu đáo phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ là con em cả nước.
Từ tro tàn chiến tranh, Quảng Trị đang “hồi sinh” mạnh mẽ. Những năm gần đây, năng lượng tái tạo là lĩnh vực nổi bật thu hút các nhà đầu tư đến Quảng Trị. Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai và đi vào hoạt động. Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá, một trong ba trụ cột chính để phát triển kinh tế.


Vươn lên cùng đất nước
Sau 50 năm đất nước thống nhất, Quảng Trị đã tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển và đạt được những dấu ấn đậm nét, khởi sắc.
Giữa tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã có chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị. Theo Tổng Bí thư, Quảng Trị là một vùng đất có thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán xảy ra thường xuyên.
Diện tích đất sử dụng còn nhiều. Cơ sở hạ tầng ở Quảng Trị còn lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI còn hạn chế…
Sau chuyến thăm, làm việc ở Quảng Trị, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII, Tổng Bí thư nói rằng, lâu nay Quảng Trị được đánh giá, xem xét là một tỉnh nghèo, nhưng địa phương này có nhiều điều kiện để phát triển.
Tổng Bí thư liệt kê các tiềm năng, lợi thế về hạ tầng giao thông, năng lượng sạch và tiềm năng phát triển về công nghiệp, rồi đi đến gợi mở: “Tôi mà là nhà đầu tư, tôi sẽ chọn Quảng Trị”.
Ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ tích cực làm việc, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung triển khai có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, đề án trọng điểm, cơ chế chính sách. Đặc biệt là các nội dung phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, năng lượng mà Tổng Bí thư đã nhắc đến.
“Quảng Trị đang nỗ lực chuyển hóa các tiềm năng thành hiện thực, bằng việc cụ thể hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự hỗ trợ từ Chính phủ để điều chỉnh chiến lược phát triển và tăng tốc thực hiện các dự án trọng điểm. Với các tiềm năng, lợi thế cùng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, tỉnh Quảng Trị sẽ nỗ lực để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai”, ông Hà Sỹ Đồng nói.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ngày nay địa phương không chỉ biết đến là vùng đất bị chiến tranh hủy diệt mà đang hồi sinh mạnh mẽ, tạo thế và lực để cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc khai thác tối đa về tiềm năng lợi thế sẵn có thì yếu tố con người vẫn là trọng tâm, nền tảng để phát triển.


Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã “đánh thức” tiềm năng về năng lượng với khát vọng xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030. Vùng miền núi phía Tây có điều kiện rất thuận lợi đã và đang triển khai các dự án điện gió. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm, như Dự án Cảng hàng không Quảng Trị; cảng biển nước sâu Mỹ Thủy giai đoạn 1; đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị xác định việc triển khai Quốc lộ 15D kết nối cửa khẩu La Lay với Mỹ Thủy là “chìa khóa” để phát triển. Đây là tuyến giao thông theo trục Đông - Tây có vai trò quan trọng kết nối khu vực Bắc Trung Bộ đến Lào và qua Thái Lan.
Tỉnh cũng đang chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo với chiều dài 65km, với tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Dự án này có ý nghĩa quan trọng mở ra khả năng kết nối đột phá và thúc đẩy phát triển đối với Quảng Trị và khu vực miền Trung; tạo thêm trục Đông - Tây song song Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) hiện có và phá vỡ thế độc đạo Quốc lộ 9.
Năm 2024, Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất được tổ chức tại Quảng Trị để tôn vinh giá trị của hòa bình; tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, chia sẻ những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Quảng Trị, thu hút du khách trong nước và quốc tế, từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành không gian văn hóa, điểm đến vì hòa bình, góp phần đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.