Trong đó, sức mạnh từ khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là một trong những yếu tố cơ bản, không ngừng được nhân lên mạnh mẽ, thúc đẩy quân và dân ta đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, nêu cao quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, tạo nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, từ khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: “Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (1). Đường lối này, đã đáp ứng nguyện vọng của quân và dân hai miền Nam, Bắc, nên đã trở thành ý chí, quyết tâm cao độ của toàn dân tộc nhằm thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng
Nhờ sự hiện thực hóa đường lối cứu nước thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng trên cơ sở khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần “ba sẵn sàng”, “năm xung phong” và “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã lan tỏa trong toàn xã hội, trở thành ý chí, quyết tâm cao độ của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trên tinh thần đó, quân và dân miền Bắc đã huy động sức người, sức của, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam: “Động viên hơn 2 triệu thanh niên tham gia lực lượng vũ trang. Trong 16 năm (1959 - 1975), tuyến giao thông vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển 1.349.060 tấn hàng chi viện cho chiến trường miền Nam” (2).
Ở miền Nam, khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được nhân lên thành ý chí, sức mạnh của quân và dân ta, dẫn đến thắng lợi của phong trào “Đồng khởi”. Ngay sau đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, đánh dấu sự phát triển về hình thức tổ chức, tập hợp lực lượng của quân và dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Bên cạnh đó, Đảng ta coi trọng xây dựng tổ chức với vai trò là lực lượng liên minh nhằm tập hợp, lôi kéo, thu hút cao nhất sự ủng hộ từ các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo, những người dân còn xu hướng trung lập chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam thông qua Liên minh các lực lượng dân tộc được thành lập ngày 20/4/1968.

Nhờ vai trò của các tổ chức trên, khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được chuyển hóa thành sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ sức mạnh này được xây dựng, ngày càng củng cố và nâng cao, qua đó, xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân (3).
Thực tế chứng minh, do các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân ở hai miền Nam, Bắc, cùng với đấu tranh quân sự, đã buộc Mỹ phải điều chỉnh chính sách và dẫn đến cuộc đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu, lật đổ chế độ gia đình trị do Diệm - Nhu lãnh đạo (1/11/1963). Sự kiện này là mở đầu cho cuộc khủng hoảng chính trị trong bộ máy chính quyền Sài Gòn.
Ngoài ra, trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, các hoạt động tuyên truyền, cổ động, được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, sáng tạo. Vì thế, đã kịp thời cổ vũ, động viên quân và dân hai miền Nam, Bắc nhân lên tinh thần, quyết tâm thực hiện cho được khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đáng chú ý, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng toàn quân, toàn dân thực hiện nhiều cuộc động viên chính trị trong các cơ quan của bộ máy Nhà nước, trong các trường đại học, cao đẳng, trong thanh niên, phụ nữ, công đoàn và lực lượng vũ trang nhân dân.
Tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lại được nhân lên cao độ trong toàn dân tộc. Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công, hậu phương thi đua với tiền phong, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Ba điểm cao”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường, dũng cảm”,… được tổ chức sôi nổi, liên tục, rộng khắp.

Nhân lên ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước
Khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội còn được cụ thể hóa thông qua phát huy quyền “làm chủ”, “là chủ” của mỗi người dân, nên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nêu cao và nhân lên ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước. Sức mạnh đó được quy tụ trở thành tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là lời hiệu triệu thôi thúc quân và dân ta đứng lên vì nhiệm vụ chung của dân tộc.
Thực tiễn còn cho thấy, sau Hiệp định Paris ngày 17/1/1973, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, song được sự hậu thuẫn từ Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã phớt lờ, xua quân đánh chiếm lại nhiều địa bàn quan trọng, tạo thế da báo gây bất lợi cho ta.
Trước tình hình phức tạp ở miền Nam, cách mạng bị mất dân, mất đất ở nhiều nơi, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ra Nghị quyết số 227-NQ/TW về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Thực hiện chủ trương tiến công quân sự của Nghị quyết số 227-NQ/TW, quân và dân ta ở chiến trường miền Nam đã đánh bại hành động địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta, giành lại vùng giải phóng bị địch tái chiếm. Đến cuối năm 1974, ta đã giành lại phần lớn vùng địch lấn chiếm, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch và gây cho chúng tổn thất nặng nề.

Để hiện thực hóa khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời từ tình hình miền Nam có chuyển biến lớn với nhiều thuận lợi cho cách mạng, chớp thờ cơ đó, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị đợt một (10/1974) và đợt hai (7/1/1975), bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị chủ trương mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Để thực hiện thắng lợi quyết tâm đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu phải thực hiện tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, đánh bại kế hoạch bình định, giành phần lớn vùng đồng bằng nông thôn miền Nam. Đối với mũi tiến công quân sự, Bộ Chính trị chủ trương mở những chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng của bộ đội chủ lực, đánh mạnh vào quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đây là chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quân ủy Trung ương chỉ đạo, tổ chức thắng lợi các chiến dịch quân sự lớn như Chiến dịch Tây Nguyên (4/3 – 3/4/1975), Chiến dịch giải phóng Huế (22 – 24/3/1975), Chiến dịch Đà Nẵng (26 – 29/3/1975) và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 – 30/4/1975), quyết định đến việc đánh bại hoàn toàn các đơn vị chủ lực quân đội Việt Nam Cộng hòa, tạo nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công vĩ đại của dân tộc ta, góp phần “làm đảo lộn sự vận hành của một quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất toàn cầu” và “cổ vũ các dân tộc cũng đi theo con đường độc lập, tiến bộ, vượt qua mọi thử thách, bất chấp mọi trở ngại để xây dựng quốc gia dân tộc độc lập, tiến bộ xã hội” (4). Chiến công hiển hách đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, việc phát huy cao độ sức mạnh từ khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là một trong những yếu tố cơ bản.
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, mãi là thiên hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. 50 năm qua, Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, là một trong những mốc son không thể phai mờ trong sự vận động, phát triển của lịch sử nhân loại.
__________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.512.
(2) Bộ Quốc phòng, Đại thắng mùa Xuân 1975 – Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.316.
(3) Điển hình là phong trào đấu tranh của 2 vạn tăng ni, phật tử ở Huế ngày 8/5/1963, sau đó lan rộng ra khắp miền Nam; ngày 16/6/1963, 70 vạn quần chúng ở Sài Gòn xuống đường biểu tình chống chế độ Mỹ - Diệm.
(4) Võ Xuân Đàn, “Ý nghĩa quốc tế - giá trị thời đại sâu sắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Quốc phòng và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 – sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.1377.