Từ đam mê khởi nghiệp đến các hệ sinh thái thông minh
Nguyễn Tử Quảng bắt đầu viết phần mềm diệt vi rút Bkav từ khi còn là SV năm thứ 3, khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Bách khoa (1995). Năm 1997 khi Internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, ông gửi các bản Bkav mới qua email cho tất cả người dùng quan tâm.
Sau này Quảng mới tập hợp nhóm bạn bè cùng niềm đam mê làm các phiên bản diệt virus mới. Khi đó phần mềm diệt vi rút Bkav hoàn toàn miễn phí để phục vụ cộng đồng.
Bkav là tên của phần mềm diệt virus được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu an ninh mạng Bách khoa (Bkis), thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội mà ông là giảng viên.
Từ năm 2001, ông làm Giám đốc Trung tâm (Bkis) này.
Đến năm 2005, Quảng lập công ty riêng lấy tên Bkav để phát triển đội ngũ và theo đuổi đam mê an ninh mạng, chính thức thương mại hóa sản phẩm phần mềm diệt vi rút Bkav đến người dùng.
Năm 2014, công ty Bkav chuyển sang mô hình cổ phần với hội đồng quản trị gồm 11 thành viên. CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết hiện ông đang sở hữu 90% cổ phần Bkav.
Chiếc Bphone 2017 |
Về triết lý kinh doanh, slogan mà ông tâm đắc và chọn cho Bkav là “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”.Đây cũng là niềm tin ông nghiệm ra khi bị gán cho biệt danh “Quảng nổ” trong nhiều năm qua. “Trừ khi mình làm bậy, còn nếu mình có năng lực, đam mê và có cái tâm tốt thì mọi người rồi cũng nhận ra và sẽ ủng hộ thôi”- CEO của Bkav chia sẻ.
Ngoài việc phát triển phần mềm diệt vi rút, Bkav còn dấn thân vào nhiều mảng công nghệ khác mà ít người biết đến như: Thiết bị an ninh mạng, Chính phủ điện tử, sản phẩm dành cho doanh nghiệp, cơ quan (thư điện tử, eHRM - Quản lý nguồn nhân lực, thiết lập suất ăn,..), BkavCA, điện toán đám mây,… và mới đây là smarthome, smartphone.
Năm 2003, Bkav bắt đầu xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử Bkav Egov và triển khai ở nhiều nơi trước khi chính thức công bố vào năm 2010. Hay như đầu năm 2014, Bkav giới thiệu SmartHome ra công chúng, một dự án được triển khai từ năm 2004. Và Bkav cùng Nguyễn Tử Quảng đã gây bão với việc ra mắt chiếc smartphone “made in Vietnam” đầu tiên với thương hiệu Bphone 1 (26/5/2015) và mới đây là chiếc Bphone 2017 (8/8/2017).
Sự lãng mạn về smartphone “made in vietnam”
CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ về những chặng đường khởi nghiệp mà ông gọi là quá gian nan và đầy thách thức kể từ khi Bkav tham gia dự án sản xuất smartphone để chinh phục người dùng Việt.
“Từ năm 2009, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và quyết định tham gia vào lĩnh vực sản xuất. Thú thực là lúc đó chúng tôi hoàn toàn chưa biết gì về lĩnh vực này nhưng với sự lãng mạn của mình, chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều và tìm mọi cách để chinh phục mơ ước của mình”.
“Và cũng từ đó là những chuỗi ngày khó khăn của chúng tôi. Chúng tôi sắp xếp một cuộc gặp gỡ với đại diện Qualcomm Việt Nam để đề nghị họ cung cấp chip cho sản phẩm của chúng tôi nhưng Qualcomm đã từ chối khéo vì chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, vị thuyền trưởng của Bkav ngậm ngùi kể lại.
“Trở về văn phòng, tôi cùng các cộng sự đã soạn một e-mail để gửi cho toàn bộ các công ty sản xuất vi xử lý, từ Intel, Mediatek, Micron... nhưng chỉ duy nhất công ty Freescale (Mỹ) phản hồi và cung cấp cho chúng tôi một con chip để trải nghiệm nhưng không phải là chip mobile. Do đó chúng tôi đã quyết định làm máy tính bảng trước cho phù hợp với con chip đó. Sau nhiều thất bại và 3 năm sau, mạch cho tablet mới hoạt động được. Lúc này chúng tôi lại gặp Qualcomm một lần nữa và phía đối tác rất bất ngờ trước nỗ lực và ý chí của chúng tôi. Khi thấy sản phẩm thực tế, Qualcomm lúc đó mới đồng ý hợp tác”.
Ông Quảng thừa nhận, quả thực nếu lúc đó ông không lãng mạn thì sẽ không có kết quả như ngày hôm nay. “Tôi luôn tự nhận cho Bkav sứ mệnh tạo ra một thương hiệu Việt đầy chất lượng để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác”, CEO Bkav nói. Dự án Bphone của Bkav đã kéo dài suốt 8 năm qua và công ty này đã đầu tư lên tới 500 tỷ đồng. Ông Quảng khẳng định toàn bộ số tiền đầu tư cho Bphone đều do nguồn tiền từ việc bán phần mềm diệt virus, ngoài ra không có một khoản tiền vay ưu đãi nào.
Nói về Bphone 1, ông Quảng thừa nhận đã có những sai sót trên thế hệ đầu tiên vì chưa có kinh nghiệm, nhưng ông nói rằng đó là niềm tự hào của Bkav khi lần đầu tiên bước vào thị trường đầy khốc liệt này đã tạo ra được một sản phẩm “không hề tệ”.
Mang cảm hứng, niềm tin cho doanh nghiệp Việt
Đối với Bphone 2017, ông cũng nói: “Chúng tôi không kỳ vọng có ngay sản lượng lớn mà chúng tôi đặt trách nhiệm là chinh phục niềm tin của người dùng Việt Nam, để mọi người có thể tin người Việt Nam có thể cạnh tranh và chinh phục thế giới bằng khả năng thật”.
Theo Nguyễn Tử Quảng, chiếc Bphone 2017 được Bkav nghiên cứu, sản xuất 99% (chỉ có 0,9% thiết bị cấu tạo của chiếc máy có xuất xứ Trung Quốc). Với Bphone 2017, ông cho biết mục tiêu hàng đầu là chinh phục niềm tin người dùng Việt, không đặt vấn đề lợi nhuận lên trên.
Từng đặt câu hỏi cho chính bản thân và nhiều người khác là muốn Việt Nam có một thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới như Samsung, Apple hay là như thương hiệu Trung Quốc là Xiaomi. Và ông đều nhận được câu trả lời là mong muốn Bkav sẽ giống như Samsung hay Apple.
Do đó, ông chọn phân khúc cận cao cấp của Bkav nhằm để chinh phục người Việt Nam tin Bkav làm thật và có thể làm được. Sau đó, Bphone sẽ mở rộng ra các phân khúc khác là tầm trung và cao cấp như phiên bản Bphone 2017 Gold. Phiên bản Bphone tầm trung sẽ được Bkav ra mắt trong thời gian tới.
CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết: Bphone 2017 với giá 9.789.000 đồng như hiện nay thì Bkav hiện đang bù lỗ cho từng chiếc khi được bán ra. Kỳ vọng đến thời điểm sẽ dần thích ứng được thị trường người dùng Bphone 2017 và đến lúc có sản lượng đủ lớn để tự sống được bằng Bphone.
“Nếu Bkav thành công với dự án Bphone, thì đó sẽ là cảm hứng, niềm tin cho những doanh nghiệp Việt Nam, những bạn trẻ khởi nghiệp có thể phát triển ở nhiều lĩnh vực, đi lên bằng chất xám, trí tuệ của chính người Việt”, cha đẻ của chiếc Bphone khẳng định.