Microplastic là những mẩu chất dẻo nhân tạo có chiều dài dưới 5 mm và hình thành trong quá trình các vật liệu lớn hơn xuống cấp. Chúng có mặt chủ yếu trong mỹ phẩm, các chất tẩy rửa và kem đánh răng. Microplastic nhỏ đến mức đi qua được phần lớn các màng lọc nước tiêu chuẩn và lọt vào hệ thống cấp nước trên toàn thế giới, để rồi từ đó xuất hiện trên bàn ăn hàng ngày của chúng ta!
Để hiểu bằng cách nào các mẩu microplastic lọt vào muối ăn, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã kết hợp với Văn phòng Đông Á của Tổ chức môi trường toàn cầu Greenpeace để theo dõi sự phát tán microplastic trong môi trường. Trong số 39 nhãn muối biển tại 21 quốc gia châu Âu, châu Phi, châu Á châu Mỹ, có đến 36 nhãn chứa microplastic. Số lượng microplastic phụ thuộc vào nhãn hàng và quốc gia sản xuất. Các nhà khoa học không công bố tên các nhà sản xuất, để tránh tạo thêm hoang mang không cần thiết.
Mức độ microplastic đặc biệt cao trong muối ăn tại châu Á - đặc biệt là tại Indonesia. Hơn nữa, muối làm từ nước biển cũng rất bẩn.
Người ta đã chứng minh rằng chỉ có 3 loại muối được sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc), Pháp và Trung Quốc lục địa không chứa microplastic. “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy, việc ăn microplastic qua trung gian là các sản phẩm từ biển có liên quan chặt chẽ với phát tán chất dẻo trong một khu vực nào đó. Để hạn chế tác hại của microplastic đối với con người, cần có các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như hạn chế thải rác chất dẻo” – Giáo sư Seung-Kyu Kim, tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.
Ảnh hưởng của microplastic đối với sức khỏe con người vẫn chưa được làm rõ, bởi đây là lĩnh vực nghiên cứu khá mới mẻ. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, microplastic bắt đầu xuất hiện trong thực phẩm khoảng 50 năm trước và từ đó đến nay vẫn thường có mặt trong thực đơn của chúng ta.