Đại sứ quán Ukraine sẽ cập nhật thời gian cập bến của tàu sau khi nhận được thông tin chính xác và ngày giờ tàu đến.
Trước đó, vào ngày 1/8, tàu Razoni mang theo hơn 26 nghìn tấn ngô đã rời cảng Odesa, Ukraine trên Biển Đen. Đây là chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên xuất khẩu từ Ukraine kể từ sau xung đột Nga – Ukraine theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc ủng hộ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Khi tàu Razoni rời cảng Odesa, nhiều quốc gia trên thế giới “thở phào nhẹ nhõm” vì con tàu mang theo hy vọng có thể phần nào giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực đang ngày một trầm trọng trên toàn cầu.
Hơn 20 triệu tấn lúa mì và ngô vẫn mắc kẹt ở Ukraine – một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, sẽ dần dần được chuyển đi trong thời gian tới.
Xung đột Nga – Ukraine khiến lạm phát gia tăng, đẩy giá ngũ cốc trên thế giới lên cao kỷ lục còn hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Tháng 6/2022, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính có tới 345 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng từ 135 triệu người vào năm 2019. Trong đó, 50 triệu người ở 45 quốc gia đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cảm giác nhẹ nhõm chưa kéo dài được bao lâu, thế giới lại lâm vào tình cảnh sốt sắng chờ đợi... chuyến tàu cập bến. Theo sau Razoni còn ba con tàu khác cũng mới rời cảng Ukraine ở Biển Đen để đến Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra.
Thời gian cập bến không chắc chắn cộng với số lượng tàu còn ít, các chuyến hàng muộn từ Ukraine khó có thể nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, vốn đã âm thầm mở rộng trong nhiều năm do liên quan đến đại dịch Covid-19 và khủng hoảng khí hậu.
Trong khi đó, tình hình sản xuất ở các quốc gia nằm ngoài vùng chiến sự cũng đối mặt với không ít khó khăn từ biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 lẫn căng thẳng chính trị...
Cả châu Âu lẫn Ấn Độ đều đang đối mặt với tình trạng thiếu mưa và hạn hán nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng thiếu mưa ở Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, khiến sản lượng lúa gạo của nước này trong năm nay bị thu hẹp. Đây sẽ là đón giáng mạnh vào hàng tỷ người trên thế giới sống phụ thuộc vào gạo.
Tại châu Phi, hạn hán kéo dài 4 năm qua đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói. Các cơ sở y tế tại quốc gia châu Phi Somalia ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng trầm trọng trong cả nước, đặc biệt ở trẻ em. Còn tại Trung Quốc, do dịch bệnh Covid-19, chính phủ đã hạn chế xuất khẩu thực phẩm, giảm giá thực phẩm trong nước để bình ổn giá cả trên thị trường.
Theo sau vấn đề mất an ninh lương thực, nguy cơ địa chính trị là rất lớn. Nửa đầu năm 2022 đã “khắc dấu” tình trạng bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia như Sri Lanka... hay bạo loạn, biểu tình ở Kenya, Peru... Đây chỉ là những dấu hiệu cho thấy tình hình thế giới sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi vấn đề khủng hoảng lương thực ngày một khoét sâu vào đời sống người dân.