Nguy cơ bùng phát dịch sởi và rubella

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chuyên gia cảnh báo, 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4 - 5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc-xin.

Bệnh rubella có các triệu chứng gồm sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, chấm sau tai. Ảnh minh họa
Bệnh rubella có các triệu chứng gồm sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, chấm sau tai. Ảnh minh họa

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, có 78 trường hợp sốt phát ban sởi, rubella tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và 10 trường hợp mắc rubella tại 7 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, ghi nhận một chùm ca bệnh sởi tập trung tại Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.

Các chuyên gia cảnh báo, 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4 - 5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao. Riêng năm 2014, có hơn 110 trẻ tử vong.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho hay, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận bé gái 7 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc rubella. Trước đó, bé gái đã được tiêm chủng 2 mũi vắc-xin phòng bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn quốc.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, phụ nữ mang thai nếu mắc sởi có thể dẫn đến dị tật thai nhi, sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu. Tại các vụ dịch sởi ở Việt Nam năm 2018 và 2019, nhiều bệnh viện khu vực phía Nam từng ghi nhận nhiều thai phụ sinh non, thai lưu.

Bên cạnh sởi, rubella là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, bất cứ ai chưa có miễn dịch như chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc-xin đều có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.

Có từ 20 - 50% bệnh nhân nhiễm rubella không xuất hiện triệu chứng. Người lớn bị nhiễm bệnh, phổ biến hơn là phụ nữ, có thể bị viêm khớp và các khớp đau thường kéo dài từ 3 - 10 ngày. Các biến chứng hiếm gặp khác có thể xảy ra bao gồm: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm não…

Vắc-xin phòng sởi và vắc-xin kết hợp sởi - quai bị - rubella có khả năng bảo vệ cao trước bệnh. Trong đó sau hai mũi vắc-xin sởi - quai bị - rubella có hiệu quả 97% đối với bệnh sởi, khoảng 86% đối với bệnh quai bị và 89% đối với rubella.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ