Bệnh sởi có thể bùng nổ thành vụ dịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Trẻ em là đối tượng thường bị mắc bệnh. Với người lớn, bệnh chỉ xảy ra ở các trường hợp chưa có miễn dịch. Do bệnh lây qua đường hô hấp, nên có khả năng lan nhanh và bùng nổ thành vụ dịch.

Tử vong do biến chứng

Bệnh sởi do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn, chúng có dạng hình cầu. Trong môi trường tự nhiên virus gây bệnh sởi bị chết bởi ánh sáng mặt trời và sức nóng. Với nhiệt độ 56oC trong khoảng thời gian 30 phút, virus sởi bị chết hoàn toàn.

Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Khi người bệnh nói chuyện, nhảy mũi hoặc ho, virus theo những giọt nước bọt li ti di chuyển sang người lành. Lúc mới vào cơ thể người, chúng định cư và phát triển ở đường hô hấp trên. Rồi tỏa đi khắp cơ thể.

Thời gian ủ bệnh trung bình 10 - 12 ngày. Bệnh thường gặp rải rác vào mùa Đông Xuân. Tỉ lệ tử vong do bệnh sởi gây ra ở các nước tiên tiến là 0,02% và ở các nước đang phát triển là 0,3 – 0,7%. Tại các nước nghèo, tỉ lệ này cao hơn rất nhiều. Tử vong ở người mắc bệnh sởi chủ yếu là do biến chứng.

Virus gây bệnh sởi kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh kháng thể và tạo ra sự miễn dịch bền vững. Nghĩa là, người bệnh chỉ mắc bệnh này một lần trong đời, không cần phải tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, nếu như đã mắc bệnh sởi trước đó.

Trẻ em độ tuổi 1 - 4, nếu chưa được tiêm phòng bệnh sởi thì khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi, chắc chắn 100% sẽ mắc bệnh. Khả năng vụ dịch thường bùng phát ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo do việc tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ đạt tỉ lệ thấp.

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi nhờ có miễn dịch của người mẹ chuyển cho nên không mắc bệnh. Quá 6 tháng tuổi, sự miễn dịch “thụ động” này giảm dần. Và 9 tháng tuổi là thời gian được quy định để tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Chú ý đốm trắng vùng họng

Trong những ngày đầu khởi phát, bệnh sởi có các biểu hiện giống như những trường hợp nhiễm vi siêu vi khác. Các dấu hiệu thường thấy gồm: Mệt mỏi, sốt, nhức đầu, chảy mũi nước ho và đỏ mắt. Khi bệnh toàn phát thì ban da điển hình mới xuất hiện. Ban da là những đốm có màu sắc đỏ, bằng phẳng, kích thước lớn. Những đốm đỏ này có khuynh hướng kết nối với nhau.

Nhìn chung, bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, đồng hành cùng với sốt là những cơn ho khan, rát họng, chảy nước mũi và đỏ mắt. Khoảng 2 - 3 ngày tiếp theo, nếu quan sát kỹ vùng họng sẽ thấy những đốm màu trắng trên niêm mạc.

Đây là dấu hiệu khá đặc biệt và điển hình của bệnh sởi (trong chuyên môn gọi đây là dấu Koplik hay hạt Koplik 1). Dấu Koplik được dùng để chẩn đoán xác định sớm các trường hợp mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các hạt Koplik chỉ tồn tại trong vòng 24 - 48 giờ.

Sau khi xuất hiện dấu Koplik, bệnh nhân sốt cao hơn và các đốm đỏ bắt đầu xuất hiện trên da. Vị trí ban da xuất hiện đầu tiên là vùng da mặt ở vị trí chân tóc hoặc sau tai. Sau đó, ban da mới “bò” dần xuống vùng da ngực, lưng. Cuối cùng ban da xuất hiện ở đùi và bàn chân.

Khi ban da xuất hiện, người bệnh có cảm giác ngứa. Sau khoảng một tuần, ban da nhạt dần theo thứ tự ban nào xuất hiện trước sẽ nhạt màu trước. Lúc này, nhìn tổng thể thấy da người bệnh có các vết loang lổ như… da cọp.

Bệnh sởi gây suy giảm khả năng miễn dịch rất mạnh trong thời gian toàn phát của bệnh. Do đó, cơ thể dễ sinh ra các biến chứng. Các biến chứng thường hay gặp là các loại viêm: Miệng, mũi họng, tai giữa, tai xương chũm, thanh quản, khí quản, phổi, tiêu chảy, tủy, màng não, suy dinh dưỡng, khô loét giác mạc mắt và viêm ruột. Một số trường hợp có cơn đau bụng cấp tính tương tự như người mắc bệnh ruột thừa viêm.

Biện pháp phòng tránh

Bệnh sởi do virus gây ra, nên hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc điều trị chủ yếu là làm nhẹ bớt các biểu hiện của bệnh, đồng thời chăm sóc, ăn uống tốt để nâng cao thể trạng giúp cơ thể người bệnh tự vượt qua và… khỏi bệnh.

Các thuốc thường dùng nhằm vào các mục đích sau đây: Hạ sốt, giảm ho, long đờm, chống dị ứng, an thần, sát khuẩn mũi họng, chống bội nhiễm, tăng cường các vitamine và các yếu tố vi lượng khác.

Một số trường hợp trẻ suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc một bệnh khác làm cho khả năng chống đỡ của cơ thể suy yếu, nếu tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây thì được bảo vệ bằng cách tiêm huyết thanh Gramma Globulin với liều lượng 40mg/kg để dự phòng khẩn cấp.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Cách đề phòng bệnh sởi cho trẻ em hiệu quả nhất hiện nay là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đây là loại vắc-xin sống được làm giảm độc lực. Mũi tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ được thực hiện lúc 9 tháng tuổi. Đó là quy định mang tính bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trong những thập niên qua, nhờ có Chương trình tiêm chủng mở rộng mà các bệnh thường gặp ở trẻ em trước đây như: Lao sơ nhiễm, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh sởi đã giảm một cách đáng kể. Hãy luôn nhớ rằng, trước khi có vắc-xin phòng bệnh, mỗi năm có gần 3 triệu người trên thế giới chết vì bệnh sởi.

Do đó, trách nhiệm của các bậc cha mẹ là đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để tiêm phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Nếu đến ngày tiêm mà trẻ vì một lý do nào đó không thể tiêm được thì cần tiêm ngay sau đó càng sớm càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ