Theo hướng dẫn viên giới thiệu với đoàn, trong số 15 triệu dân Campuchia đã có 5% là người Việt đang sinh sống (khoảng 750.000 người).
Khi chúng tôi rời khỏi Angkor Wat, nơi nghỉ chân chờ đợi xe trung chuyển đến một địa điểm khác thì khá bất ngờ nghe tiếng rao: “Đồng hương đây, mua kem ủng hộ người Việt.” Chỗ đó, nơi nhà chờ có một xe kem đẩy và một xe nước mía. Xe kem đẩy của anh Long, anh đặt tên mình là Long Kem. Anh bán nước mía cũng tên Long, gọi là Long nước mía. Các anh rao lảnh lót với giá 10.000 đồng tiền Việt cho một cây kem hoặc một ly nước mía.
Hai anh đều là người Đồng Tháp, tha phương qua đây mấy chục năm, và sống nhờ khách Việt. Tôi mua 20 cây kem cho đoàn, đưa tờ 500.000 cho anh thối. Khá bất ngờ là anh thối lại toàn tờ 5.000 và 10.000 đã cũ.
Nhà hàng Sài Gòn |
Ở quán ăn lẩu băng chuyền tại Phnôm Pênh, trước khi bước vào trong quán, tôi gặp một người đàn ông gầy còm, hốc hác, chìa ra những tấm vé số Việt Nam xổ số Tây Ninh và Bến Tre. Tất nhiên là mua ủng hộ đồng hương, mua tám vé tính 100.000, được giải thích là tiền vận chuyển qua biên giới.
Dọc đường đến Cung điện Hoàng gia, Đài tưởng niệm Các chiến sĩ tình nguyện cũng gặp khá nhiều người Việt bán vé số. Khi tới cửa khẩu chuẩn bị về lại Việt Nam, lại gặp một số người bán vé số, lần này bán đúng giá 10.000/tờ. Cũng nói thêm là ngay cửa khẩu người Việt sống bằng nghề đổi tiền khá đông, với giá 1 triệu tiền Việt là 165.000 tiền Ria, họ cũng bán luôn sim Campuchia là 50.000.
|
Một người Việt sang trọng nhất trong cuộc hành trình chúng tôi gặp chính là ông chủ quán ăn Sài Gòn nằm dọc bờ sông Bassac. Ông chủ là người TPHCM qua đây đã 7 năm mở quán ăn, và tất nhiên các đoàn du lịch đều được các hướng dẫn viên ghé qua ăn một lần. Chỉ tiếc là chỉ mỗi ông chủ là biết tiếng Việt, còn nhân viên chỉ hiểu tiếng Campuchia.
Cuộc hành trình của chúng tôi kết thúc bằng một cơn mưa khi qua biên giới. Và ở đó, gặp những người Việt hỏi còn tiền Ria không để họ đổi lại tiền Việt Nam.