Hành trang kỹ năng ứng xử cho nhà giáo tương lai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngoài trang bị kiến thức chuyên ngành, các cơ sở đào tạo giáo viên còn chú trọng phát triển kỹ năng ứng xử.

Hội thi “Nghiệp vụ Sư phạm” năm học 2022 - 2023 của sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: NTCC
Hội thi “Nghiệp vụ Sư phạm” năm học 2022 - 2023 của sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ảnh: NTCC

Điều này cần thiết để sau khi ra trường sinh viên vững vàng đứng trên bục giảng, đầy đủ kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm trong thực tiễn.

Tăng cường thực hành nghề

Hội thi nghiệp vụ sư phạm là một trong những hoạt động thường niên dành cho sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng nhà trường - nhấn mạnh, đây không chỉ là “sân chơi” để sinh viên học tập, thể hiện kỹ năng, mà còn là nội dung trong chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm của nhà trường.

Theo đó, ngoài nội dung chính trực tiếp đứng lớp giảng dạy, sinh viên sẽ tham dự phần thi hùng biện. Với phần thi xử lý tình huống sư phạm, sinh viên luôn quan tâm đặc biệt bởi các em được thể hiện khả năng ứng biến, cách ứng xử trước mỗi tình huống được xây dựng trong thực tiễn. Thông qua hội thi, sinh viên học hỏi nhiều kinh nghiệm, phát triển kỹ năng mềm và trên hết, lĩnh hội những bài học về nghiệp vụ sư phạm đầy bổ ích.

“Chúng tôi muốn sinh viên hình dung về công việc mình sẽ gắn bó trong tương lai. Đó không chỉ là soạn giáo án, lên lớp giảng bài, mà còn cả những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình giảng dạy. Qua đó, giúp các em vững tâm đứng trên bục giảng, tinh tế xử lý khi đối diện các tình huống…”, TS Vinh nhấn mạnh.

Theo TS Trịnh Đình Vinh, việc tổ chức Hội thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên là một trong những phương pháp đào tạo gắn với thực hành của nhà trường.

Từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) đã phối hợp với các khoa, đơn vị ngoài trường tổ chức rèn nghề cho sinh viên theo phương thức mới, gồm 2 bước.

Bước 1, rèn nghề tại Viện. Sau khi học lý thuyết, sinh viên được bố trí thực hành theo nhóm với hình thức “tổ chức sự kiện”. Mỗi sự kiện tương ứng một loại kỹ năng cần hình thành ở sinh viên. Điểm mới và hay của hình thức này ở chỗ, khi báo cáo bài thi, sinh viên có quyền đưa ra các tình huống bất ngờ để các bạn thi cùng phải xử lý “tại trận”. Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết, góp phần bổ trợ hành trang nghề nghiệp như: Xử lý tình huống sư phạm, lập kế hoạch hoạt động, làm clip ngắn, tổ chức hoạt động trải nghiệm, sáng tạo…

Bước 2, sinh viên đi thực hành nghề tại trường phổ thông. Khi thực hành, sinh viên phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu và nhiệm vụ theo quy định. Mỗi sinh viên có 3 báo cáo thu hoạch: Tình hình trường phổ thông nơi thực hành nghề; công tác giáo dục, giảng dạy; hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Sinh viên sư phạm mong muốn đào tạo gắn với thực hành của nhà trường.
Sinh viên sư phạm mong muốn đào tạo gắn với thực hành của nhà trường.

Rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên cũng được xem như nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng - cho biết, nhà trường xây dựng giáo trình đào tạo bài bản, bảo đảm sinh viên được trang bị đầy đủ các năng lực cần thiết của một giáo viên, từ năng lực giao tiếp, hoạt động xã hội đến phát triển nghề nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xử lý tình huống tại Hội thi nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xử lý tình huống tại Hội thi nghiệp vụ sư phạm. Ảnh: NTCC

Riêng học phần năng lực phát triển nghề nghiệp sẽ có những tín chỉ về kỹ năng xử lý tình huống. Nội dung này được Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đặc biệt quan tâm, chú trọng nên đào tạo gắn với thực hành. Quá trình đào tạo, giảng viên sẽ xây dựng nhiều tình huống sư phạm để sinh viên giải quyết.

Nhà trường còn tổ chức cho sinh viên xây dựng các hoạt cảnh có tình huống sư phạm đã, đang và có thể sẽ xảy ra trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, sinh viên phải suy nghĩ, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã được học để đưa ra cách ứng xử. Các sinh viên khác trong lớp và giảng viên đồng thời góp ý, phân tích, gợi mở để cùng tìm cách giải quyết tối ưu. Từ đó, giúp giáo sinh tương lai có thêm trải nghiệm và lĩnh hội nhiều kinh nghiệm quý.

Chưa dừng lại ở đó, trường tổ chức cho sinh viên trải nghiệm thực tế tại các cơ sở giáo dục thông qua hoạt động thực tập, kiến tập. Các em sẽ được tiếp xúc trực tiếp với giáo viên, học sinh, phụ huynh. “Chúng tôi muốn “nhúng” sinh viên vào thực tiễn, giúp các em cọ xát các tình huống thực tế mà giáo viên phải đối diện hàng ngày. Khi đó, các em sẽ học được cách ứng xử, xử lý của thầy, cô giáo nơi mình đang thực tập, kiến tập và rút ra bài học cho riêng mình”, PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp, trong đó có kỹ năng ứng xử trước các tình huống cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương được đặc biệt chú trọng. TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng - nhấn mạnh, việc nắm vững và thành thạo các kỹ năng sư phạm là nền tảng vững chắc cho sinh viên khi chính thức trở thành giáo viên trong tương lai.

“Quan điểm của chúng tôi là đào tạo gắn với thực tiễn. Chú trọng rèn nghề và bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nhà giáo cho sinh viên. Qua đó, giúp các em hình thành năng lực sư phạm cốt lõi cùng các phẩm chất, năng lực của một giáo viên tương lai” - TS Trịnh Thị Xim nhấn mạnh.

“Rèn nghiệp vụ sư phạm giúp sinh viên có những kỹ năng, kỹ xảo và là khâu nối giữa lý thuyết với thực hành một cách liên tục, khoa học. Muốn vậy, giảng viên cần đóng vai trò người tư vấn, “đồng hành” và kiến tạo tinh thần hợp tác cho người học. Giảng viên cần biết cách cổ vũ sinh viên, đưa ra những lời khuyên tốt và kịp thời cho người học”. - TS Trịnh Thị Xim

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.