Nơi có “hàm lượng” văn hóa cao nhất
“Nhà trường là nơi đào tạo, bồi dưỡng con người, tổ chức có “hàm lượng” văn hóa cao nhất; nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội”, nhấn mạnh điều này, theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, văn hóa học đường chính là cách xử sự, giao tiếp giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy, cô giáo, giữa thầy, cô giáo với nhau, giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng xã hội.
Văn hóa học đường còn là ý thức, thái độ của học sinh trong giờ học, sự lĩnh hội kiến thức môn học; cách phát ngôn, ăn mặc của giáo viên, học sinh trong và ngoài giờ học; hành vi, thái độ ứng xử trước mọi tình huống diễn ra trong và ngoài nhà trường...
“Trong những năm qua, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Nghệ An đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo xây dựng hiệu quả văn hóa học đường. Điều đó góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, không còn tệ nạn, bạo lực, xâm hại, hình thành tốt các phẩm chất, năng lực cho học sinh”, ông Thái Văn Thành chia sẻ.
Ông Thái Văn Thành cho rằng, văn hóa học đường lành mạnh giúp các thành viên trong nhà trường cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, phát triển khả năng hợp tác.
Được coi có tính sống còn đối với từng nhà trường, văn hóa học đường tạo niềm tin cho xã hội trong thực hiện các chức năng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Xây dựng văn hóa học đường là yếu tố đảm bảo, nâng cao chất lượng GD-ĐT; góp phần quan trọng chấn hưng, cải cách nền giáo dục, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng đánh giá cao vai trò của văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, thầy Lâm Nhựt Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) - cho rằng: Ứng xử có văn hóa biểu hiện ở nhiều khía cạnh, như nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh và mọi người xung quanh.
Mỗi cá nhân ý thức được việc ứng xử có văn hóa sẽ góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh. Văn hóa ứng xử trong trường học tạo sự đoàn kết trong tập thể, giúp cho các thành viên có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường.
Chia sẻ về cách làm của nhà trường, thầy Lâm Nhựt Nam cho biết: Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã hoàn thiện, ban hành và triển khai có hiệu quả quy tắc ứng xử văn hóa và trên mạng xã hội. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đi đầu trong việc thực hiện quy tắc ứng xử nhằm làm gương cho học sinh noi theo.
Nhà trường đồng thời đổi mới nội dung, phương pháp và đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Nâng cao năng lực ứng xử và giáo dục văn hóa ứng xử qua một số hoạt động như: Phối hợp với Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ tổ chức các buổi tuyên truyền, tọa đàm về ý nghĩa các ngày lễ lớn trong năm; phối hợp với BCH Đoàn Thanh niên, Ban Đại diện CMHS tổ chức gặp gỡ, đối thoại với học sinh…
“Trường THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện giáo dục lòng yêu nước, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia qua các hoạt động thăm viếng Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn quận Cái Răng; thăm trẻ nhỏ tại Trung tâm công tác xã hội; chăm sóc di tích trên địa bàn quận.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong nâng cao năng lực ứng xử văn hóa, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống văn hóa của học sinh. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường, tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp cho học sinh…”, thầy Lâm Nhựt Nam cho biết thêm.
Lãnh đạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) gặp gỡ, đối thoại với học sinh. |
Đổi mới giáo dục văn hóa ứng xử
Nói về văn hóa học đường, cô Hoàng Nữ Hảo Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế), chia sẻ: Hiện nay, tại Thừa Thiên - Huế, ngoài giáo dục cách ứng xử có văn hóa với môi trường, trong học tập, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, môi trường mạng xã hội… địa phương còn chú trọng giáo dục văn hóa học đường gắn liền với văn hóa cố đô, bản chất, lối sống, cốt cách con người Huế, gắn với nếp sống gia đình người Huế: Lễ phép trong chào hỏi, giao tiếp; thân thiện trong lời nói; tình yêu thương, đùm bọc, tinh thần vị tha, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô được đề cao. Văn hóa “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) được khuyến khích trong giao tiếp của học sinh. Văn hóa trang phục cũng được chú trọng, như mặc lịch sự, nhã nhặn, đậm nét bản sắc văn hóa Huế…
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các tiết ngoại khóa, thông qua các buổi nói chuyện của chuyên gia tâm lý giáo dục để khắc phục tình trạng giáo điều, lý thuyết suông. Thực hiện dạy đạo đức với hình thức phù hợp và học sinh được thực hành hàng ngày, hàng giờ khi ở trường, nhà, tiếp xúc với cộng đồng. Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm phối hợp các đoàn thể tổ chức tọa đàm, hội thảo, có tổng kết, đánh giá văn hóa ứng xử của học sinh.
Vấn đề này còn được đưa vào báo cáo đánh giá hàng tháng, từ đó có biện pháp điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực ứng xử. Thực hiện liên kết với một số cơ sở giáo dục khác (Trường ĐH Luật - ĐH Huế), thường xuyên trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết pháp luật về bạo lực, văn hóa học đường, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tránh xa các tệ nạn đang xâm nhập trường học…
Để triển khai hiệu quả văn hóa ứng xử, văn hóa học đường, từ thực tiễn giáo dục Nghệ An, ông Thái Văn Thành đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng Internet, nhất là các kênh YouTube, TikTok... Cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, như: Cung cấp tài liệu văn hóa học đường cho học sinh phổ thông; xây dựng chuyên đề sinh hoạt Đoàn - Hội - Đội, chuyên đề ứng xử trên mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên. Tổ chức các đợt tập huấn trực tuyến nâng cao kỹ năng văn hóa ứng xử và kiềm chế cảm xúc trong môi trường sư phạm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học.